(LĐ online) - Ngày 23/2, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của đầy đủ các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Toàn cảnh cuộc họp |
Với chủ đề năm học 2022 – 2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Ban Chỉ đạo Đổi mới GDĐT tỉnh và ngành GDĐT Lâm Đồng đã không ngừng đẩy mạnh công tác rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng số, bảo đảm an toàn trường học; quan tâm giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể, toàn ngành hiện có 682 đơn vị trường học với 343.857 học sinh, 21.685 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, toàn tỉnh có 64 trường (mầm non, phổ thông) ngoài công lập với 23.333 học sinh. Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 21.988 lượt giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa mới.
Sửa chữa, duy tu, xây mới cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học, trong năm học 2022 – 2023 toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 236 phòng học, 68 phòng bộ môn, 15 phòng thư viện, 7 khối văn phòng, 3 bếp ăn bán trú, 32 công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ; sửa chữa hơn 156 phòng học, 48 phòng học bộ môn, cải tạo nhiều sân thể dục thể thao.
Tổ chức thành công các kỳ thi, cuộc thi, hội thao: Thi học sinh giỏi, thi an toàn giao thông, giải võ Vovinam, thi tiếng hát giáo viên và học sinh, thi tiếng Anh dành cho học sinh…
Tính đến nay, đã có 496/604 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (82,12%). Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình THPT và tương đương đạt 82%; duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
Bên cạnh đó, ngành còn chú trọng giá dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, học viên, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án như: Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên, nhi đồng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên trên không gian mạng… Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử trên hệ thống phần mềm VnEdu.
Nhiều ý kiến của các thành viên xoay quanh vấn đề về đổi mới phương pháp dạy và học, sáp nhập trường dân tộc nội trú, tinh giản biên chế, đổi mới các môn học, cần có cơ chế đặc thù cho trường dân tộc nội trú; đưa các tổ công nghệ thông tin cộng đồng vào trường học thì quá trình chuyển đổi số sẽ nhanh và sâu rộng hơn; trung tâm học tập cộng đồng nên có cơ chế để hoạt động hiệu quả hơn…
Kết luận và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Sở GDĐT với vai trò là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo, ghi nhận những kết quả đổi mới GDĐT đạt được. Trong thời gian tới, cần thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai dịch bệnh. Kịp thời thích ứng với tình hình dịch Covid-19 đảm bảo tổ chức dạy và học an toàn; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường giáo dục thể chất, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học, đảm bảo trường học an toàn, không để xảy ra bạo lực học đường, ngăn chặn tệ nạn xâm nhập học đường; hỗ trợ vật chất tinh thần cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý vi phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin