Huyện Di Linh đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 48 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với đặc điểm, tình hình và lợi thế của địa phương.
Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh thảo luận, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 |
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23, huyện xác định rõ mục tiêu tập trung đưa Di Linh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; trở thành vùng kinh tế động lực, xứng đáng với vị thế là trung tâm của tiểu vùng 2 tỉnh Lâm Đồng, bao gồm huyện Di Linh, Đam Rông và phía Tây huyện Lâm Hà. Xây dựng đô thị Di Linh là trung tâm hành chính, chính trị của huyện, trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, khả thi và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển các không gian đô thị, không gian sản xuất nông nghiệp hài hoà với không gian cảnh quan rừng đặc trưng và không gian bảo tồn đa dạng sinh học của vùng cao nguyên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội... Mục tiêu được huyện Di Linh xây dựng trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, địa phương cũng đã đặt ra những chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, từ nay đến năm 2025, huyện Di Linh nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng từ 8 - 9%. Đến năm 2025, kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực nông - lâm - thủy chiếm 42%; công nghiệp - xây dựng 11%; thương mại, dịch vụ 47%. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 triệu đồng trở lên. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.878 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người từ 62 - 65 triệu đồng. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Di Linh tập trung thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Việc tạo đồng thuận trong Nhân dân là cơ sở quan trọng để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của huyện như: lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao...
Huyện Di Linh cũng đã xây dựng nhiệm vụ cụ thể để phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, du lịch, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của địa phương. Ngoài các nhiệm vụ để phát triển địa phương, huyện cũng đưa ra các nhiệm vụ để góp phần phát triển vùng. Đơn cử như phát triển kết cấu hạ tầng thông qua việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối liên vùng, đường vành đai, các tuyến đường kết nối các trung tâm, từ huyện đến xã, trung tâm các xã lân cận theo định hướng quy hoạch; xây dựng các tuyến đường mới theo quy hoạch để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch; đầu tư đồng bộ vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường nội thị thị trấn Di Linh và các xã Hòa Ninh, Gia Hiệp, Tân Lâm,... Bên cạnh đó, huyện Di Linh tiếp tục tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện cải tạo nâng cấp Quốc lộ 28; hệ thống giao thông kết nối với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn qua địa bàn huyện Di Linh); hệ thống giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển (hồ Ka La, Thủy điện Đồng Nai 2...). Di Linh cũng khẩn trương hoàn thành và đảm bảo chất lượng đồ án quy hoạch vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện và các đồ án quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, tình hình thực tế của địa phương. Đề xuất các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng, giao thông đảm bảo tính liên kết, nhằm nâng cao hiệu quả và bền vững theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, thiên nhiên và truyền thống lịch sử gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tạo không gian phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của huyện với các hoạt động liên kết nội vùng và với các huyện trong tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin