Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Di Linh đã quan tâm tới việc giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Nhiều câu lạc bộ cồng chiêng, đan lát được thành lập, góp phần để các em hiểu và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Nhiều em học sinh đã thành thạo đánh cồng chiêng, múa xoang |
Chúng tôi đến thăm Trường Trung học cơ sở (THCS) Đinh Lạc (xã Đinh Lạc) đúng vào thời điểm nhà trường tổ chức Chương trình giáo dục địa phương “Tìm hiểu văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho”. Khắp sân trường rực rỡ sắc cờ hoa, màu trang phục của dân tộc bản địa K’Ho. Chương trình thu hút hơn 500 em học sinh tham gia. Tại đây, các em được trang bị những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của người K’Ho; tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dân ca, dân vũ, làm rượu cần và các đặc sản địa phương...
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Lạc cho biết, nhà trường có khoảng 30% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học. Do đó, trường đã quan tâm tới giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống thông qua rất nhiều hoạt động như phối hợp với các già làng, nghệ nhân trong xã mở các lớp học cồng chiêng, đan lát. Các em được các nghệ nhân truyền dạy, hướng dẫn, chia sẻ về văn hoá truyền thống, từ đó nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, đồng thời có cơ hội được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Em Mhiu Lang Bích (lớp 9A4), thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng của trường chia sẻ, học cồng chiêng khó, cần phải kiên nhẫn. Vì yêu văn hoá của dân tộc mình nên em đã đăng ký tham gia lớp học, hiện nay, em đã thành thạo các điệu chiêng cơ bản, mỗi khi trường có buổi văn nghệ, hay giao lưu ở xã là em tham gia.
Còn em Ka N’Hy (lớp 9A1) hào hứng: “Nhà trường tổ chức hoạt động tìm hiểu văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, em cảm thấy rất tự hào. Chúng em rất vui khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được đưa vào các tiết học, các góc trang trí lớp và cả các hoạt động ngoại khóa. Qua trải nghiệm nhiều hoạt động cùng nhau đã tạo điều kiện để chúng em hỗ trợ nhau trong học tập, gần gũi hơn trong mối quan hệ bạn bè, giao tiếp hằng ngày”.
“Các câu lạc bộ Cồng chiêng, Đan lát... của Trường THCS Đinh Lạc đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần tạo hứng thú cho học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Chúng tôi định hướng tổ chức các hoạt động để học sinh hiểu hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, nhà trường còn quan tâm tới việc trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương thông qua hình thức tích hợp các môn học, chương trình giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa”, cô Nhung chia sẻ.
Còn tại Trường THCS Tân Thượng, mỗi sáng thứ Hai như bừng sáng, rực rỡ hơn bởi những sắc màu trong trang phục truyền thống của dân tộc K’Ho, Mường, Nùng, Khơme,... mà các em học sinh mặc đến trường.
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường, là trường vùng xa với tỷ lệ con em dân tộc thiểu số chiếm 92%, việc quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc trong ngày thứ Hai, những ngày lễ lớn trong năm là để các em thêm hiểu về truyền thống của dân tộc mình, đồng thời, tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường.
Thầy Dũng cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở lớp học cồng chiêng và chữ viết của người K’Ho. Bên cạnh đó, nhà trường phân công nhiệm vụ các thầy cô dạy văn hóa lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... truyền dạy cho học sinh kiến trúc nhà sàn, trang phục, nhạc cụ dân tộc, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian... Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các em học sinh.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Di Linh đều chú trọng lồng ghép giáo dục ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cho học sinh, thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Việc đưa văn hoá truyền thống vào trường học sẽ tiếp tục bồi đắp cho các em học sinh thêm nhiều kiến thức văn hóa, văn nghệ, thể thao và đặc biệt là các kiến thức cũng như nét đẹp của văn hoá truyền thống để thế hệ trẻ ngày một trân trọng, giữ gìn và lan tỏa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin