(LĐ online) - Trong những ngày tháng cả nước đang sống dậy với tinh thần của “Vòng tròn bất tử Gạc Ma”, ngày 15/3, tại sân trường THPT Lộc An, huyện Bảo Lâm bất ngờ xuất hiện những người lính hải quân thuộc Lữ đoàn 162 – Vùng 4 Hải quân bằng xương, bằng thịt.
Học sinh của trường chăm chú lắng nghe |
Các anh - những con người luôn gắn với cụm từ “Tổ quốc cần” - tạm xa miền cát nóng mịn thiêng liêng của Tổ quốc vào với đất liền, vào nơi có biết bao lớp lớp em thơ muốn tận tay mà cầm nắm, tận mắt mà ngắm nhìn, tận tấm lòng mà thấu nhận về các anh, về biển đảo Việt Nam - những biểu tượng mà xưa tới nay các em chỉ được xem qua sách vở, báo đài.
Biển đảo và những người lính hải quân luôn là một đề tài lớn thu hút được sự quan tâm của các bạn học sinh. Chính vì lẽ đó, khi Trung tá Trần Trung Dũng - báo cáo viên đoàn công tác tuyên truyền biển đảo (do Lữ đoàn 162 - Vùng 4 Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức) trực tiếp chia sẻ những vấn đề biển đảo thì cả trường gần như chìm trong không khí tĩnh lặng. Qua thanh giọng hào sảng đầy chất lính của Trung tá Dũng, thầy cô giáo, các em học sinh như lần đầu tiên được tiếp nhận một cách đầy đủ nhất, sống động nhất về lịch sử giành, giữ biển đảo trên rất nhiều mặt trận của quân và dân Việt Nam.
Không chỉ tái hiện lại sự kiện trên mặt trận ngoại giao mà âm vang biển đảo còn được người lính hải quân đề cập một cách rõ ràng qua các sự kiện khác. Cụ thể, thông tin về trang sử chói lọi của 64 chiến sĩ đã bất khuất chiến đấu để rồi đi vào bất tử trên đảo Gạc Ma - Trường Sa hay thông tin về dã tâm về “đường lưỡi bò” hoặc âm mưu biến vùng biển đảo vốn không tranh chấp trở thành tranh chấp để buộc ta phải đàm phán... đã được các bạn học sinh, các thầy cô giáo chăm chú lắng nghe.
Trung tá Trần Trung Dũng - Lữ đoàn 162 đang chia sẻ trước học sinh |
Chưa dừng lại ở đó, cũng tại buổi nói chuyện này, nhiều em tỏ ra vừa bất ngờ vừa hãnh diện khi biết rằng lãnh thổ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở các cột mốc trên đất liền như Lũng Cú, ở mũi Cà Mau... - những nơi vốn đã rất quen thuộc trong sách vở - mà đất nước ta còn xa rộng hơn nữa trên các kinh độ, vĩ độ ở ngoài kia biển cả. Thế đấy, những câu chuyện, những vấn đề biển đảo cứ lần lượt hiện ra qua sự trình bày lôi cuốn của người lính hải quân. Em Nguyễn Thái Thủy Tiên, học sinh lớp 12A2 của trường cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được lắng nghe về biển đảo Việt Nam với nhiều thông tin như vậy. Các chú bộ đội còn có cách trình bày hấp dẫn, bài thuyết trình là sự kết hợp giữa tri thức của quốc phòng – an ninh, của thơ ca, của lịch sử...”.
Biển đảo luôn là phần đất thiêng của Tổ quốc. Chính vì thế thông qua buổi thông tin này, thầy và trò trường THPT Lộc An đã thấu hiểu một cách sâu sắc rằng, tình yêu biển đảo không chỉ ở trong tim của mỗi một người dân Việt Nam mà còn hiển hiện trong từng tấc, từng mét biển đảo ở ngoài kia. Ở đó luôn là một nơi để mỗi một người Việt Nam không những tự hào mà còn hướng đến để bày tỏ trách nhiệm của mình. Có lẽ thấm nhuần rõ được điều này nên sau khi kết thúc buổi tuyên truyền nhiều em học sinh bày tỏ rất chân thành những suy nghĩ của bản thân về biển đảo. Em Lê Nguyễn Đức Trung, lớp 10A3 chia sẻ: “Buổi sáng hôm nay rất bổ ích. Từ nay trở đi em đã có nhiều dẫn chứng, bằng chứng rõ ràng để nói với ba mẹ em, bạn bè khắp nơi của em về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Còn cô Lê Thị Hoài Thương - Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết: “Những thông tin tư liệu mà chúng tôi được trực tiếp thấy hôm nay rất quý báu. Đó sẽ là cơ sở học liệu để chúng tôi nhấn mạnh cho các em học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp”.
Kết thúc buổi thông tin tuyên truyền, thầy Đặng Tài Tuệ - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã cảm ơn đoàn công tác và khẳng định “Buổi sáng hôm nay là một buổi ngoại khóa trang trọng và thiết thực nhất, chưa bao giờ trường ta lại yên tĩnh đến thế, các em hãy cố gắng học tập và rèn luyện tốt để xứng đáng với những công lao to lớn mà các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh vì biển đảo”.
Buổi trải nghiệm quý giá đã để lại cho chúng tôi những dư vang thật ngọt ngào. Từ đây, chúng tôi thêm hiểu được công lao to lớn của lực lượng vũ trang Việt Nam đã và đang bảo vệ giang sơn đất nước; hiểu được giá trị của hai chữ “Hòa Bình”, thấu tỏ thêm giá trị của hai câu thơ “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” mà Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải để lại cho hậu thế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin