Đam Rông: Nỗ lực giải quyết việc làm cho thanh niên

NGỌC NGÀ 05:58, 15/03/2023

Giải quyết việc làm nói chung và việc làm cho thanh niên nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được huyện Đam Rông tập trung thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra.

Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác giải quyết việc làm cho thanh niên ở Đam Rông vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác giải quyết việc làm cho thanh niên ở Đam Rông vẫn còn nhiều khó khăn

QUAN TÂM ĐÀO TẠO NGHỀ, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

Đam Rông hiện có 11.391 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30; trong đó, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 9.117 người. 

Hàng năm, UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn nói chung, thanh niên nói riêng trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các xã tập trung triển khai lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện.

Riêng trong 2 năm (2021-2022) các phòng, ban, UBND các xã đã phối hợp với Huyện Đoàn làm tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Huy động các nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong tìm việc làm và lập nghiệp; tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng để học sinh tìm hiểu các ngành nghề, qua đó định hướng nghề nghiệp tương lai; tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm; phối hợp với các ngành liên quan tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho thanh niên nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để sản xuất, xuất khẩu lao động. Hiện nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý nguồn vốn vay là hơn 49 tỷ đồng.
Ông Dương Tất Phong - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức đào tạo nghề với tổng số 300 học viên là thanh niên học các nghề như: Xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm...; sau khi tốt nghiệp học viên đã áp dụng vào sản xuất của hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu ổn định cuộc sống. 

Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm ở các địa phương, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm. 

Cũng trong 2 năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và các doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc trong nước, ngoài nước tổ chức 6 đợt tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho 1.300 người lao động trên địa bàn huyện; tích cực đẩy mạnh việc tổ chức đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chỉ có 7 lao động là thanh niên đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Chị Nguyễn Thị Nhung - Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông cho biết, để làm tốt công tác hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và khởi nghiệp, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã rà soát, khảo sát những mô hình thanh niên làm kinh tế có hiệu quả nhưng còn gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô hay thiếu vốn sản xuất hoặc đầu ra thiếu ổn định...; phối hợp với các đơn vị Đoàn xã trực tiếp đến gặp gỡ thanh niên để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, hiệu quả của mô hình, lắng nghe thanh niên chia sẻ về định hướng phát triển, những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất,... Qua đó, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã chọn được những mô hình có tiềm năng để đề xuất hỗ trợ.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Với những nỗ lực của địa phương, tình trạng thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm dần giảm xuống. Nhận thức, tư duy của thanh niên trong việc định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm ngày càng có chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của huyện Đam Rông, thanh niên trong độ tuổi lao động của địa phương này chiếm tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên, trình độ tay nghề của thanh niên (đặc biệt là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số) còn thấp. Vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi được học nghề vẫn còn nhiều nút thắt chưa tháo gỡ được, bởi vậy chưa thu hút được đoàn viên, thanh niên tham gia học nghề. Trên địa bàn có nhiều trường hợp sinh viên ra trường không có việc làm tại địa phương, vì vậy có những thanh niên phải đi làm ăn xa. Nhiều sinh viên ra trường chỉ muốn ở lại trên các thành phố lớn, chấp nhận làm trái ngành, nghề. Song song với đó là hiện tượng các đoàn viên đang là cán bộ, công chức đang công tác cơ quan, đơn vị hay trong lĩnh vực y tế, giáo viên,... xin nghỉ việc, xin ra khỏi ngành để đi làm cho các công ty, bệnh viện tư nhân (do mức lương, phụ cấp không đủ để trang trải cuộc sống...), bởi vậy địa phương vẫn thiếu hụt lượng lớn thanh niên có trình độ và tay nghề.

Huyện Đam Rông cũng nhìn nhận những tồn tại trong công tác này như: công tác phối hợp để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, các chương trình hướng nghiệp, tư vấn mùa thi cho học sinh còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho thanh niên phát triển kinh tế còn hạn chế. Một số người lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong công tác học nghề - giải quyết việc làm, chưa xác định rõ ràng mục đích khi tham gia xuất khẩu lao động, tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế... nên tỷ lệ bỏ giữa chừng vẫn còn cao. 

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan cũng tác động rất lớn như: trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất sử dụng lực lượng lao động lớn để giải quyết việc làm tại chỗ trong khi lao động tại địa phương còn tư tưởng muốn ở gần gia đình, ngại đi ra ngoài làm việc. Do xuất phát điểm của địa phương thấp, đời sống người dân còn khó khăn nên đa số các lớp nghề nông thôn hiện nay là ngắn hạn, chủ yếu như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp... khó duy trì lâu dài.

Hiện, huyện Đam Rông đang tiếp tục nỗ lực và tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị là điều kiện cần song sự chủ động của chính thanh niên mới là điều kiện đủ để giải quyết vấn đề này, góp phần tạo việc làm cho mỗi thanh niên, tiến tới nâng cao chất lượng đời sống các gia đình và chung sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.