Lâm Đồng đang hoàn thiện từng bước về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nền tảng dữ liệu, phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và đô thị thông minh, hướng đến một chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả xã hội. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Cát Tiên |
• HOÀN THIỆN HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Để hướng đến mục tiêu này, trong năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch để triển khai trong tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, hệ thống mạng CAMPUS của Trung tâm Hành chính tỉnh bao gồm 54 đơn vị (18 đơn vị cấp sở, 36 đơn vị trực thuộc cấp sở) đang hoạt động tốt với trên 1.800 người dùng, 91 máy chủ tập trung, 37 đường kết nối mạng toàn cầu internet băng thông rộng.
Như đánh giá của UBND tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả xã hội. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đến nay cơ bản đều có máy tính làm việc; toàn bộ cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có mạng nội bộ LAN; các đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện đều có trang thông tin điện tử; hệ thống mạng nội bộ LAN được duy trì ổn định, kết nối với mạng internet, đảm bảo cho việc quản lý, điều hành qua môi trường mạng.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh bao gồm cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ cũng đang hoạt động ổn định, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Lâm Đồng trong năm 2022 vừa qua cũng tiếp tục hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; cáp quang hóa đến 59 cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện, 142 điểm cấp xã. Mạng truyền dẫn cáp quang, mạng viễn thông nông thôn đã phát triển đến 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; mạng di động phủ sóng toàn bộ địa bàn tỉnh; dịch vụ điện thoại cố định và internet tốc độ cao thay thế hệ thống cáp đồng đã đến tất cả các xã trong tỉnh.
Riêng hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến sử dụng đường truyền metronet cáp quang từ tỉnh đến xã đến nay đã lắp đặt tại 172 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cho tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị trong tỉnh cũng như các cuộc họp của tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Tính đến cuối 2022, Lâm Đồng đã triển khai được 3.143 chứng thư số trên địa bàn tỉnh, bao gồm 778 chứng thư số tổ chức, 2.365 chứng thư số cá nhân cho các cơ quan nhà nước thuộc cả hai khối Đảng và khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã.
• TĂNG KẾT NỐI
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được đồng bộ hóa đến toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã, phường. Mặc dù trên địa bàn tỉnh sử dụng đến 4 phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử (IDOC, LOTUS DOMINO, EGOV, iOffice-VNPT), nhưng tất cả các hệ thống này đã kết nối liên thông trong việc gửi nhận văn bản điện tử, đảm bảo thông suốt từ cấp tỉnh tới cấp xã trên trục kết nối liên thông của tỉnh cũng như tích hợp sử dụng chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Tỉnh đến nay đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua trục liên thông văn bản (trục nội tỉnh và trục quốc gia). Trục liên thông của tỉnh đã kết nối các hệ thống văn bản điện tử của tỉnh với các cơ quan cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; hiện hệ thống này đang kết nối ổn định cho 1.363 cơ quan, đơn vị hành chính, phát huy hiệu quả việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đang hoạt động hiệu quả trong khối Đảng và chính quyền, liên thông với 64 trang thông tin điện tử của các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cổng thông tin điện tử này hiện đã tích hợp hệ thống một cửa hiện đại và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó công khai hóa toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh cũng như công khai kết quả giải quyết TTHC (tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn)
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đến nay đã triển khai đến toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh gồm 19/19 sở, ban, ngành; 12/12 thành phố, huyện và 142/142 xã/phường/thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Lâm Đồng từ nhiều năm nay cũng đã kết nối liên thông, tích hợp hệ thống này với Cổng thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) tại chuyên trang “Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương”.
Lâm Đồng cũng đã tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc lên Cổng thông tin một cửa điện tử của tỉnh cùng Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành cùng hệ thống thông tin dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng được kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; góp phần tích cực trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch, tăng cường tính trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Trong nhiều năm nay, Lâm Đồng cũng chú ý tăng cường công tác an toàn thông tin và an ninh mạng cho toàn bộ hệ thống; Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số của tỉnh chủ động ứng phó, không để xảy ra sự cố làm gián đoạn hoạt động của hệ thống.
Hiện, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục trong Dự án Xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh tập trung và Đô thị thông minh tỉnh Lâm Đồng.
Trong năm 2023 này, UBND tỉnh cho biết vẫn tiếp tục duy trì và tăng tỷ lệ văn bản, tài liệu chính thức trao đổi với các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử; tích cực tham gia dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển, hướng đến một chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin