Tầm nhìn chiến lược trong phát triển mạng lưới và hạ tầng giao thông

NGUYỄN NGHĨA 06:10, 06/03/2023

Phương án phát triển mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thuộc quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay đã được nghiên cứu, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt. Nội dung nghiên cứu đề xuất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương và lĩnh vực khác có liên quan trong việc lập quy hoạch trên phạm vi tỉnh Lâm Đồng nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. 

Giao thông đoạn cuối cao tốc Liên Khương - Prenn nhìn từ trên cao
Giao thông đoạn cuối cao tốc Liên Khương - Prenn nhìn từ trên cao

Thực hiện Kế hoạch số 5807/KH-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xác định công tác tích hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải thuộc quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm và đã phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn để tổ chức nhân sự có năng lực, kinh nghiệm đảm bảo thực hiện hiệu quả. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan để đảm bảo thời gian, chất lượng và tiến độ thực hiện, đồng thời, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh lân cận thống nhất thỏa thuận điểm kết nối liên tỉnh, hướng tuyến, quy mô trục giao thông kết nối để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất quy hoạch phát triển GTVT các tỉnh.

Hiện nay, phương án phát triển mạng lưới giao thông trong lập quy hoạch xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang được thực hiện theo nhiệm vụ phê duyệt bao gồm việc cập nhật quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh; cập nhật các nội dung thay đổi liên quan đến mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không; định hướng quy mô, mặt cắt, hướng tuyến của mạng lưới đường bộ (đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường vành đai, đường tránh đô thị quan trọng); hệ thống bến xe khách, bến xe hàng, các tuyến vận tải bằng xe buýt... 

Cụ thể, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 gồm 3 tuyến cao tốc dài 225 km (Nha Trang - Đà Lạt; Liên Khương - Buôn Ma Thuột; Dầu Giây - Liên Khương); 6 tuyến quốc lộ dài 578,5 km; tỉnh đang đề xuất tiếp tục bổ sung khoảng 228 km quốc lộ để nâng cấp đường ĐT.721 dài 72,5 km thành Quốc lộ 55B, nâng cấp đường ĐT.725 từ TP Đà Lạt đến huyện Đạ Tẻh thành quốc lộ nối dài đường Trường Sơn Đông. Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 đối với tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm; đề xuất điều chỉnh lộ trình đầu tư trước 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Xây dựng phương án phát triển mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh gồm 14 tuyến đường tỉnh dài 521 km (gồm các tuyến ĐT.722, ĐT.722B, DT.722C, DT.724, DT.725, BT.726, DT.726B, DT.726C, DT.727, DT.728, ĐT.726), trong đó, giữ nguyên và điều chỉnh kéo dài khoảng 598 km, xây dựng mới khoảng 164 km để tăng cường kết nối với mạng lưới giao thông nội tỉnh. Tiếp tục duy trì khai thác 12 bến xe hiện hữu, bố trí tại mỗi huyện có ít nhất 1 bến xe liên tỉnh loại IV, xác định các trục đường vành đai, trục chính đô thị...

Để đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển đường GTNT phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025. Để thực hiện hiệu quả đề án, theo Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố cần sớm hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung để làm cơ sở cho các xã lập quy hoạch mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung xã nông thôn mới. Trong công tác lập quy hoạch liên quan hạ tầng GTNT, cần chú trọng việc phân loại chức năng theo từng loại đường (đường huyện, đường xã, đường thôn, hẻm, ngõ, xóm, nội đồng...) phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ hiện hành để phục vụ công tác quản lý đầu tư, tổ chức đánh giá các tiêu chí giao thông, vận dụng phù hợp các cơ chế hỗ trợ, thiết kế mẫu; chú trọng việc nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông, đồng thời, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư hoàn thành các bến xe khách tại trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên theo đề án.

Để giải quyết khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông TP Đà Lạt, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh lập Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được HĐND tỉnh thông qua (tại Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 09/12/2022); đồng thời, đã hoàn thành phương án quy hoạch 1/500 đối với 2 bãi đậu xe chân đèo Prenn, bãi đậu xe Darahoa,… để đảm bảo các yêu cầu định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của TP Đà Lạt trong thời gian tới.