(LĐ online) - Chiều 26/4, UBND thành phố Đà Lạt tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 5-NQ/ThU ngày 22/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển dịch vụ - du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 06-NQ/ThU ngày 24/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Tặng Giấy khen của UBND thành phố cho 13 tập thể trong lĩnh vực du lịch |
Toàn thành phố Đà Lạt hiện có 2.437 cơ sở lưu trú du lịch, với 31.152 phòng, tăng 194 cơ sở so với năm 202; trong đó, có 367 khách sạn từ 1-5 sao với 10.752 phòng (37 khách sạn 3-5 sao, 330 khách sạn từ 1-2 sao). Tính đến cuối năm 2022, đã quản lý thu môn bài đối với 2.237 cơ sở kinh doanh, trong đó doanh nghiệp là 382 cơ sở, hộ kinh doanh là 1.855 cơ sở. Tổng doanh thu 949, 3 tỷ đồng; thuế phải nộp 49,168 tỷ đồng.
Trong hoạt động kinh doanh nhà hàng - ăn uống, tính đến cuối năm 2022, đã quản lý thu môn bài đối với 1.014 cơ sở kinh doanh, trong đó doanh nghiệp là 154 cơ sở, hộ kinh doanh là 860 cơ sở. Tổng doanh thu gần 712 tỷ đồng, thuế phải nộp 30, 5 tỷ đồng.
7 cá nhân trong lĩnh vực du lịch của thành phố Đà Lạt được khen thưởng |
Riêng Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm hiện có 37 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đưa vào khai thác kinh doanh toàn bộ, 9 dự án kinh doanh một phần, 23 dự án đang trong quá trình triển khai. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7.978 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 4.431tỷ đồng; tổng diện tích đất 1.443,62 ha.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải hành khách với tổng số xe hoạt động theo thống kê mới nhất khoảng 1020; có 58 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 28 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa; có 30 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Các tuyến giao thông đường bộ, đường hàng không đến Đà Lạt - Lâm Đồng đã sớm ổn định hoạt động trở lại sau dịch.
Các tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được khen thưởng |
Toàn thành phố hiện có 24 khu điểm du lịch (trong đó có 19 điểm có thu phí, 2 điểm miễn phí, 3 tạm ngưng nâng cấp); 28 điểm du lịch canh nông (9 điểm có thu phí, 19 điểm không thu phí), 27 điểm cà phê tham quan chụp hình (15 điểm có thu phí, 12 điểm không thu phí) tạo nên sự phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt năm 2022 đạt trên 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 135 nghìn lượt; còn lại là khách nội địa.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt nhiệm kỳ 2020 - 2025, năm 2022 là năm đầu tiên thành phố cụ thể hóa triển khai trong thực tế kết quả Đề án Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Sau khi được nghiệm thu chuyển giao đề tài khoa học, thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt đối với 9 nhóm đối tượng trong đó có 6 nhóm đối tượng trực tiếp liên quan đến hoạt động ngành nghề du lịch gồm: Quy tắc ứng xử đối với người bán hàng; Quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; Quy tắc ứng xử đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, ăn uống; Quy tắc ứng xử đối với các cơ sở kinh doanh khác; Quy tắc ứng xử đối với cộng đồng dân cư; Quy tắc ứng xử đối với khách du lịch.
Khen thưởng 9 cá nhân có thành tích trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt |
Theo đánh giá của UBND thành phố Đà Lạt, qua 1 năm triển khai Nghị quyết 05-NQ/ThU của Thành Ủy Đà Lạt về phát triển dịch vụ - du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động du lịch tại thành phố Đà Lạt có những khởi sắc và chuyển biến tích cực, sớm phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Với Nghị quyết số 06-NQ/ThU ngày 24/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, theo đánh giá của UBND thành phố, qua hơn 1 năm thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 5.091 tỷ đồng; ngành nông - lâm nghiệp chiếm 13,96% cơ cấu kinh tế; tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 7.050 ha, tăng 100 ha so với năm 2021, chiếm trên 65% diện tích đất canh tác; giá trị trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 470 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua các hình thức liên kết và thông qua hợp đồng đạt trên 48%/tổng sản lượng. Hiện có 8 đơn vị được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 374,1 ha; 2 làng hoa truyền thống được công nhận đạt tiêu chí vùng nông nghiệp công nghệ cao, các làng hoa được hướng và đầu tư theo đề án được duyệt đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Các chương trình, dự án khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ để triển khai nhân rộng; quan hệ sản xuất đã được củng cố, đổi mới; từng bước hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Thương hiệu nông sản, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến nay đã ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước, giá trị xuất khẩu; chất lượng nông sản đã được kiểm tra, giám sát thường xuyên; diện tích sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn được khuyến khích phát triển. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát huy hiệu quả rõ nét; kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đúng mức; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt và vượt mục tiêu đề ra; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh được quan tâm; các làng hoa đã được đầu tư, phát triển theo lộ trình, đề án phê duyệt; dịch vụ du lịch nông nghiệp được các doanh nghiệp và người dân quan tâm đầu tư để trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đặng Quang Tú đã đánh giá cao việc triển khai các Nghị quyết trên địa bàn, tác động rất lớn đến đời sống thực tiễn. Không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng nông sản tăng lên mà du lịch Đà Lạt cũng phục hồi sau dịch rất nhanh, số lượng khách đến đang gia tăng trở lại. Lưu ý trong thời gian đến Đà Lạt cần tiếp tục tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch thành phố cả về phạm vi, qui mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cần quy hoạch định hướng không gian phát triển các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm tạo động lực mới cho nền kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đổi mới tư duy, phương thức quản lý ưu tiên cho các hoạt động kinh tế đêm phát triển thuận lợi dựa trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan và an ninh trật tự; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng cao, chất lượng và tính chuyên nghiệp cao; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch, là điểm đến an toàn - văn minh - thân thiện.
Trong nông nghiệp, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu thành phố cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp và sản phẩm của du lịch Đà Lạt, đẩy mạnh phát triển du lịch canh nông.
Trong dịp này, UBND thành phố Đà Lạt đã tặng giấy khen cho 13 tập thể , 10 cá nhân trong lĩnh vực du lịch, 7 tập thể, 9 cá nhân trong phát triển noong nghiệp công nghệ cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin