Lạc Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học

NHẬT QUỲNH 06:23, 18/04/2023

Với những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số, ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Lạc Dương đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu quả học tập, giảng dạy và quản lý. Tuy nhiên, Lạc Dương cũng xác định các khó khăn về nhận thức, hạ tầng, công nghệ, nhân lực... cần phải vượt qua để đạt được hiệu quả cao và bền vững.

Học sinh hứng thú học tập với bảng tương tác thông minh
Học sinh hứng thú học tập với bảng tương tác thông minh

Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Lạc Dương) được đánh giá là một trong những trường triển khai khá tốt công tác chuyển đổi số. Theo cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - Hiệu trưởng trường, việc áp dụng CNTT ở trường có nhiều thuận lợi do số lượng giáo viên trẻ nhiều nên việc tiếp cận, học tập và áp dụng các kỹ năng mới nhanh nhạy hơn. Ngoài ra, kinh nghiệm trong giai đoạn dạy học trực tuyến do dịch COVID-19 được trường tiếp thu để chọn lọc các hình thức, mô hình phù hợp với tình hình mới. Đơn cử như các hình thức họp trực tuyến, giao bài và trao đổi giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên qua zalo, giáo án điện tử, hồ sơ điện tử, phụ đạo trực tuyến, bồi dưỡng giáo viên... vẫn được trường duy trì và cải tiến. 

Hiện tại, tất cả các phòng học của trường được trang bị tivi, bảng tương tác thông minh; giáo viên cũng tích cực thiết kế bài giảng điện tử mới, số hóa bài giảng truyền thống, chú trọng bổ sung các mô hình tương tác trực tiếp, các dữ liệu đa phương tiện để học sinh dễ nắm bắt nội dung. “Thay vì chỉ dạy lý thuyết khô cứng, nay tôi tập trung vào các khái niệm chính và minh họa trực quan bằng video, thí nghiệm, tranh ảnh, trò chơi... Vì vậy, học sinh hứng thú và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”, cô Dương Thị Thùy Liên - giáo viên môn Vật lý chia sẻ. 

Không dừng lại ở những thành công của Trường THCS Hùng Vương, theo bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Phòng GDĐT huyện, thời gian qua, huyện cũng như Phòng cũng đã tạo điều kiện và thúc đẩy các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý; huyện cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng giúp tăng tốc quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là với vùng sâu, vùng xa. 

Hiện nay, toàn ngành đang triển khai công tác quản lý trên nhiều loại phần mềm khác nhau như: quản lý trường lớp trên VnEdu, XBOT; bồi dưỡng giáo viên trên phần mềm quản lý giáo viên phổ thông của Bộ GDĐT; thu chi, kế toán trên phần mềm MISA. Các phần mềm này hiện nay đã số hóa và định danh dữ liệu 18 đơn vị trường, hơn 580 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khoảng hơn 8.600 học sinh các đơn vị trường. Ở bậc học phổ thông, 100% các đơn vị sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và ký số hồ sơ sổ sách điện tử bằng VNPT SmartCA. Riêng trong năm học 2022-2023, toàn ngành đang triển khai thu tiền không sử dụng tiền mặt đối với các cấp học. 

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cho công tác GDĐT địa phương, Phòng GDĐT huyện và các trường đang vận hành hệ thống quản lý văn bản điện tử VNPT iOffice, giúp công tác quản lý, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, quản lý văn bản tài liệu nhanh, đầy đủ, chính xác, tiết kiệm chi phí và đặc biệt đã liên thông với hệ thống văn bản của Sở GDĐT. Năm 2022, UBND huyện đã đầu tư trang bị cho 7 trường mầm non phòng họp trực tuyến. Tính đến nay, 100% các trường học và Phòng GDĐT được đầu tư phòng họp trực tuyến. 

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GDĐT huyện đang đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị như bảng tương tác thông minh, tivi, âm thanh, kho dữ liệu sách điện tử, bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng… Đặc biệt, triển khai các mô hình học tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (STEM và STEAM). Ngoài ra, các trường cũng đã tổ chức dạy tin học, lập trình cho học sinh để sớm ươm mầm và nuôi dưỡng các kỹ năng tin học, có ích cho nghề nghiệp sau này của các em. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học trực tuyến; cử giáo viên tham gia tập huấn lập trình Scratch AI cho giáo viên tin học cấp tiểu học và THCS, Python nâng cao cho cấp THCS... Nhờ đó, không những chất lượng dạy và học các môn học truyền thống ngày một nâng cao, mà học sinh còn được tiếp cận sớm các kiến thức và kỹ năng tin học giúp chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai. 

Như vậy, chuyển đổi số đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, giúp nâng cao chất lượng dạy, học và quản lý; vì vậy, thời gian tới, ngành GDĐT Lạc Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hóa, đảm bảo tất cả các trường cập nhật đầy đủ dữ liệu chính xác, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành, liên thông với nền tảng số quốc gia, ưu tiên triển khai các dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, sổ sách, học bạ hiện có... Tuy nhiên, theo bà Thủy, mục tiêu sau cùng của chuyển đổi số vẫn là đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học; vì vậy, ngành sẽ đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến; hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng điện tử sinh động, cuốn hút, truyền tải nội dung rõ ràng, dễ hiểu; đặc biệt ứng dụng các phần mềm bổ trợ học tập khoa học và ngoại ngữ.