KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2023):
Những ấn tượng mang tên khát vọng hòa bình

VÕ THU HƯƠNG 05:22, 20/07/2023

Khi đến Mỹ Lai, vùng đất còn đau mãi vết thương của vụ thảm sát khoảng nửa nghìn người chỉ trong một buổi sáng tháng 3/1968, nhiều người trong chúng tôi nhắc tới Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai - bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy đã giành được nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai cũng là một bài học trong sách Tiếng Việt lớp 5, kể cho lứa tuổi tiểu học nghe về một nỗi đau có thật và vượt lên trên hết vẫn là khát vọng hòa bình, hàn gắn chiến tranh.

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Việt Quỳnh
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Việt Quỳnh

Người chơi vĩ cầm chính là một cựu chiến binh không quân Mỹ, Mike Boehm. Ông trở lại Việt Nam với mong muốn nỗ lực hàn gắn những vết thương do tội ác của quân đội Hoa Kỳ gây ra cho người dân ở Mỹ Lai, Sơn Mỹ. Một trong các hoạt động mà Boehm theo đuổi là chơi vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm tha thiết gửi tới những người dân hiện tại và cho cả linh hồn của những người đã khuất trên vùng đất một thời phải gánh chịu nỗi tang thương rất lớn này. Tuy bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử đầy tang thương, nhưng cảm hứng của cả bộ phim hay bài học đều gửi gắm một thông điệp về sự hy vọng có thể khép lại quá khứ để nhìn về tương lai, thông điệp về khát vọng hòa bình, chỉ có những âm điệu yêu thương, sẻ chia, không còn âm vang tiếng súng.

Về Sơn Mỹ, Mỹ Lai hôm nay, tôi ấn tượng bởi màu xanh. Màu xanh của cỏ non, của những hàng cau tỏa hương quấn quýt quanh bước chân người, của tre xào xạc những câu chuyện ngàn năm vọng mãi… Màu xanh không thể át những máu và nước mắt dù đã nửa thế kỷ trôi qua, cũng như tiếng vĩ cầm không thể ru ngủ những nỗi đau của một dân tộc. Nhưng khát vọng hòa bình có thật, điều chung nhất giữa những con người dẫu khác màu da nhưng cùng tình yêu những giá trị cốt lõi nhất của cuộc sống này: Sự bình yên. Đó chính là liều thuốc thần xoa dịu nỗi đau quá khứ. 

Những hàng cau thanh bình bên những ngôi nhà bị bom dội chỉ còn trơ nền ở Mỹ Sơn
Những hàng cau thanh bình bên những ngôi nhà bị bom dội chỉ còn trơ nền ở Mỹ Sơn

* * *

Một trong những cựu binh Mỹ mà tôi ấn tượng khi được tiếp xúc là nhà thơ Bruce Weigl, tác giả của “Vòng tròn của Hạnh”. Người cựu binh Mỹ khi xưa, nhiều năm nay nhiều lần trở về Việt Nam, đọc thơ trải lòng mình. Ông không chối bỏ sự ám ảnh cùng cực khi từng tham chiến ở Việt Nam và muốn làm tất cả những gì có thể để chuộc lỗi. Nhà thơ Mỹ này không chỉ trong thơ, trong hồi ký hay các cuộc nói chuyện của mình ở nhiều trường đại học trên thế giới đã nhiều lần góp tiếng nói của mình để thế giới có thể hiểu về Việt Nam, một dân tộc buộc phải cầm súng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trong lời nói đầu của “Vòng tròn của Hạnh”: “Nghịch lý trong nghiệp viết của tôi là chiến tranh đã làm tan nát cuộc đời tôi, nhưng bù lại đã cho tôi một tiếng nói. Chiến tranh đã cướp đi thời niên thiếu và bắt tôi ở tuổi mười tám phải chứng kiến và chịu đựng quá nhiều sự thật trên thế gian, và khả năng hành động của con người với con người, với trẻ em, phụ nữ và với chính bản thân mình, ngục tù trong những khu rừng vô nghĩa...”.

Câu chuyện về chiến tranh và hòa bình của người cựu binh năm xưa, nhà thơ, giáo sư giảng dạy đại học Bruce Weigl năm nay là một hành trình đầy nhân văn. Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa Bình. Hiện Bruce Weigl là giáo sư của Trường Đại học Lorain County Community College, nơi ông đang giảng dạy các khóa học về nghệ thuật, nhân văn và sáng tác thơ. 

Chim bồ câu ở Nghĩa trang đường 9. Ảnh: VOV
Chim bồ câu ở Nghĩa trang đường 9. Ảnh: VOV

* * *

Khi nói về hòa bình, tôi nghĩ tới những cánh chim bồ câu tung bay trong nắng ở Nghĩa trang đường 9. Trong thinh nghiêm im ắng của nghĩa trang có tới 10.600 ngôi mộ - phần nhiều là những người chiến sĩ tuổi đôi mươi đã ngã xuống vì Tổ quốc, nghe rất rõ tiếng đập cánh và tiếng gọi bầy của đàn bồ câu hiền hòa.

Người có ý tưởng nuôi bồ câu tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 là ông Nguyễn Văn Quản - Phó Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị. Một lần tham quan tại công viên Hòa Bình ở Đà Nẵng, ấn tượng bởi những đàn bồ cầu quấn quýt quanh chân người nuôi trong công viên nên ông đã bàn với Ban Quản lý nghĩa trang đề xuất với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh lập đề án nuôi bồ câu. Ý tưởng này được thực hiện ngay sau đó. Điều thú vị là hàng trăm con chim bồ câu ở nghĩa trang này được nhiều người dân, tổ chức chung tay đóng góp. Ban Quản lý nghĩa trang đã tổ chức nuôi, huấn luyện bồ câu để khi tiếng còi hiệu lệnh vang lên, đàn bồ câu có thể sà xuống cùng hành lễ với những người đến thắp hương tưởng niệm liệt sĩ.

Đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, bên những khu mộ trải dài nhắc về nỗi đau, về hy sinh, thì còn đó những cánh chim câu nhắc chuyện hòa bình. Các thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh, người thăm viếng cũng dịu lòng hơn khi nhìn đàn bồ câu - biểu tượng của hòa bình bay liệng giữa trời xanh, cất tiếng đập cánh, tiếng gù gọi nhau. 

Và những người sinh sau chiến tranh nhiều năm như tôi, thế hệ 8X và cả 9X, hoặc sau này nữa, không chỉ hiểu về giá trị những hy sinh mất mát, của bom rơi máu đổ, thịt da hóa linh khí, hóa phù sa thành đất lành quê hương yêu thương... mà hiểu về giá trị mang tên khát vọng hòa bình để càng yêu hơn quê hương, Tổ quốc.



Liên kết hữu ích