Mái ấm cô và bé vùng ven

DIỆP QUỲNH 06:07, 27/10/2023

Một mái ấm vùng ven Đà Lạt, nơi cô và trò cùng mỗi ngày tới trường chơi và học. Ấy là mái ấm Trường Mầm non Tà Nung, nơi những cô giáo mỗi ngày tìm ra những điều mới cho các con vừa chơi, vừa học.

Cô và bé Trường Mầm non Tà Nung
chăm sóc rau
Cô và bé Trường Mầm non Tà Nung chăm sóc rau

• ĐƯA CON TRẺ ĐẾN VỚI TỰ NHIÊN

Một buổi sáng trời đẹp, các bé lớp lá Trường Mầm non Tà Nung, xã Tà Nung, TP Đà Lạt đang cùng cô giáo chăm sóc luống xà lách nhỏ mới được trồng 1 tuần. Những cây xà lách xinh xinh được các con cào đất, vun gốc theo lời hướng dẫn của cô giáo. Đây là một tiết học của các con, giúp các bé biết được cách chăm sóc cây trồng đơn giản nhất, vun đắp tình yêu với cây cỏ, với thiên nhiên, hiểu thêm về công việc của cha mẹ các con mỗi ngày.

Cô giáo Hoàng Thị Thùy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Nung chia sẻ, là một trường vùng ven thành phố, nơi có đông cư dân người K’Ho, nhà trường đã hết sức cố gắng đưa vào chương trình giảng dạy những mô hình hướng về tự nhiên cho các con. Những mảnh vườn nhỏ, những vạt hoa, khu sân vườn đá Tuổi thần tiên..., đều là công trình các cô tạo lập, là nơi cho các con chơi và học. Các con được học từ trong những khung cảnh xinh đẹp, màu sắc tươi sáng, nụ hoa, cây rau, rất tự nhiên và dễ tiếp nhận. 

Cô Thùy cho biết, Trường Mầm non Tà Nung là nơi chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ lứa tuổi mầm non với 4 độ tuổi, từ nhóm 2 tuổi sơn ca, hoạ mi cho tới mầm, chồi, lá. Trung bình hàng năm trường đón nhận khoảng 400 trẻ các cấp học trên tổng số trên 500 trẻ trong độ tuổi toàn xã. Điều vui mừng nhất là cha mẹ trẻ rất chú ý tới giáo dục, dạy dỗ con, phối hợp với nhà trường đưa 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, chuẩn bị cho các con hành trang vào lớp 1 thật chu đáo. 

Mỗi năm, Công đoàn cơ sở nhà trường đều vận động các cô thực hiện các công trình sản phẩm phục vụ các con học tập và vui chơi. Có năm là khu hội chợ của con, nơi các con tham gia vào một phiên chợ quê, với các sản vật rau, củ hái từ vườn nhà. Có công trình vườn rau, hoa, nơi trẻ học cách chăm sóc cây cối, vun đắp tình yêu môi trường. Năm 2023, công trình của CĐCS nhà trường được thực hiện với khu dạo chơi Tuổi thần tiên, nơi các cô đưa đá cuội kết hợp với cây xanh, thảm cỏ tạo thành khu sân chơi nhỏ cho các con dạo chơi, sáng tạo, trải nghiệm với các nhân vật hoạt hình. “Chơi các trò chơi tự nhiên, chơi mà học giúp các con phát triển ngôn ngữ nhanh hơn, nhất là trẻ người dân tộc thiểu số. Các cô và nhà trường rất chú trọng tới việc cùng các con hòa nhập với tự nhiên, gắn bó với tuổi thơ và yêu trường, yêu cô, yêu bạn”, cô Thùy chia sẻ.

• TRƯỜNG LÀ MÁI ẤM

Mười hai năm công tác tại Trường Mầm non Tà Nung, cô giáo Kơ Să K’Thim đã có được một mái ấm thứ hai bên cạnh gia đình nhỏ. Cô cho biết, tập thể nhà trường là một tập thể đoàn kết, nơi đồng nghiệp cùng chia sẻ công việc, chia sẻ tình cảm, chung tay chăm sóc, dạy dỗ trẻ thơ. Cô K’Thim nhắc lại từ những ngày đầu, khi những giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ kỹ năng dạy cháu, chăm sóc cháu cho các cô giáo còn trẻ. Những giáo viên người dân tộc thiểu số bản địa hướng dẫn các cô người Kinh hiểu tiếng các bé, hiểu phong tục người K’Ho để giao tiếp với bé và cha mẹ bé tốt hơn. Và còn nhiều hoạt động nâng cao trình độ giáo viên, nâng cao đời sống giáo viên của nhà trường và của Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Tà Nung. Cô K’Thim cũng tâm sự, đời sống của giáo viên nhà trường cũng được đảm bảo, lương, thưởng, bảo hiểm các loại, các phúc lợi tham quan nghỉ mát, chia sẻ buồn vui đều được công đoàn chăm lo rất chu đáo. Các cô tới trường như một gia đình, với những người chị, người em thân thiết, gắn bó.

Cô Lê Thị Huyền - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Tà Nung thông tin, với 400 học sinh, trong đó có trên 50% là trẻ dân tộc thiểu số, toàn trường có 22 giáo viên, người lao động, 8 cô là người K’Ho bản địa. Đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn xác định nhiệm vụ cao nhất là chăm sóc, dạy dỗ trẻ toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong trẻ. Cô Huyền chia sẻ: “Trẻ mầm non hôm nay cũng hướng tới tinh thần sáng tạo, nhà trường đã triển khai STEM trong hoạt động dạy và học, hướng dẫn các con sáng tạo từ các nguyên vật liệu tự nhiên cỏ cây hoa lá, vật liệu tái chế như bìa, chai lọ. Cũng vì vậy, trình độ, kỹ năng của giáo viên phải được rèn luyện, nâng cao thường xuyên, đáp ứng kịp yêu cầu của giáo dục”. Công đoàn phối hợp cùng nhà trường tạo điều kiện để các cô được đi học nâng cao trình độ, thường xuyên tổ chức các buổi học tập kinh nghiệm.

Điều khá đặc biệt ở Trường Mầm non Tà Nung là có số lượng lớn trẻ người dân tộc K’Ho. Bởi vậy, sự trao đổi, học tập giữa các giáo viên trong nhà trường giúp các cô hiểu các cháu, giao tiếp với các cháu hiệu quả hơn, cháu nhanh hoà nhập với trường lớp, bạn bè. Môi trường thân thiện giúp cả cô và trẻ cùng phát triển, tạo một mái ấm thân thương, chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai tươi sáng của bé.