(LĐ online) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc trong chuyến thăm và khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại Trường Đại học Đà Lạt sáng 5/10.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những thành tích của Trường Đại học Đà Lạt đạt được trong 10 năm qua |
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; TS. Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng trường và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ của Trường Đại học Đà Lạt.
Theo TS. Lê Minh Chiến: Tính đến 1/8/2023, trường có 453 viên chức và người lao động, trong đó có 318 giảng viên (chiếm tỉ lệ 70,2%), gồm có 1 giáo sư, 16 phó giáo sư và 108 tiến sĩ, 206 thạc sĩ, 17 giảng viên cao cấp, 111 giảng viên chính. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường chiếm tỉ lệ 39,3% trên tổng số giảng viên, cao hơn mức trung bình chung của cả nước (36%), so với năm 2013, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường tăng 178%, số lượng giáo sư và phó giáo sư tăng 112%.
TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt đề xuất ý kiến để Bộ GD&ĐT sớm có những giải pháp để xây dựng khung chuẩn cho lộ trình phát triển |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trường Đại học Đà Lạt đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác đào tạo - nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ, hiện đại hóa thiết bị phục vụ đào tạo. Cho đến nay, tất cả các chương trình đào tạo các loại hình, trình độ của trường đều được xây dựng và tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh mới. Trường Đại học Đà Lạt là thành viên thứ 122 của tổ chức CDIO quốc tế từ năm 2017. Liên tục trong 10 năm qua, kết quả tuyển sinh của trường, đặc biệt là tuyển sinh đại học hệ chính quy luôn nằm trong nhóm các trường đạt tỉ lệ cao so với trung bình chung của cả nước.
Lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT tại buổi khảo sát |
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường đã thực hiện chính sách hỗ trợ các chương trình cho nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ, được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 150 triệu đồng/người. Hiện nay, trường đã mở thêm 1 ngành đào tạo thạc sĩ, 5 ngành đào tạo tiến sĩ, 10 ngành đào tạo đại học, thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, nâng tổng số ngành tại trường lên 58 cho hơn 11 ngàn sinh viên theo học.
Tháng 7/2019, trường đã được trao Quyết định và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Tiêu chuẩn 2.0 của Bộ GD&ĐT. Tháng 4/2020, trường đã chính thức trở thành thành viên liên kết của AUN-QA (Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á). Cho đến nay, Trường Đại học Đà Lạt là trường đại học duy nhất trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ có các chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong chuyến khảo sát tại Trường Đại học Đà Lạt về việc thực hiện Nghị quyết 29 |
Bên cạnh những thuận lợi và thành tích đạt được, Trường Đại học Đà Lạt cũng gặp một số khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản và loại hình đào tạo vừa học - vừa làm; nhiều cán bộ giảng viên thuyên chuyển công tác sau khi hoàn thành việc nâng cao trình độ; nhiều giảng viên đang trong độ tuổi chín muồi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không thể tiếp tục công tác bởi vướng vào cơ chế…
Đề xuất với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, TS. Lê Minh Chiến mong muốn trong thời gian tới cần sớm triển khai và hoàn thiện quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, cũng phải xây dựng quy hoạch các ngành, lĩnh vực đào tạo gắn với nhu cầu, chiến lược phát triển của riêng từng cơ sở giáo dục đại học, của từng địa phương, vùng miền. Tiếp đó, cần phải xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản trọng điểm để có các chính sách khuyến khích phù hợp.
Cung với đó, bộ cũng cần sớm ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng như lộ trình thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh đó là chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các các cơ sở giáo dục đại học, giữa hệ thống trường công lập và ngoài công lập.
Đặc biệt, phải tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, không chỉ trong nội bộ lĩnh vực giáo dục mà còn các lĩnh vực khác có liên quan về học thuật, về sử dụng, quản lý, sử dụng tài sản, về các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực giáo dục nhằm tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Trường Đại học Đà Lạt là trung tâm đào tạo hàng đầu, không chỉ ở khu vực. Đồng thời, đánh giá cao công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học tại trường và ghi nhận những kiến nghị trường đã nêu để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới về việc nên sớm triển khai và hoàn thiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới; xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản trong điểm; sớm ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học; tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính liên thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin