Là địa phương đầu tiên của tỉnh được chọn thí điểm Mô hình Hội đồng trẻ em, Ban Thường vụ Huyện Đoàn - Hội đồng Đội huyện, Hội đồng trẻ em huyện Đơn Dương đã tạo được những điều kiện tốt cho trẻ em trên địa bàn huyện gặp mặt, đối thoại với đại diện lãnh đạo các cấp. Qua đó, các em đã có cơ hội để cùng thảo luận, bày tỏ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến chính mình.
Hội đồng trẻ em huyện Đơn Dương tích cực thúc đẩy quyền tham gia của trẻ |
Theo anh Nguyễn Bảo Kiên - Bí thư Huyện Đoàn Đơn Dương, Hội đồng trẻ em là mô hình mới được Hội đồng Đội Trung ương triển khai, nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1235 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thông qua các kỳ họp do chính trẻ em trực tiếp điều hành - đây là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện lãnh đạo các ban, ngành, HĐND về những vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Những ý kiến nêu tại kỳ họp không chỉ là ý kiến riêng của các đại biểu mà còn là mong muốn, tâm tư chung của hơn 18.000 thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện.
Cụ thể, Hội đồng trẻ em gồm 20 em đội viên, thiếu nhi; chính các em sẽ trực tiếp điều hành hoạt động, với sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Tham vấn gồm 15 đồng chí, là lãnh đạo, đại diện các cơ quan, phòng, ban liên quan, Thường trực Đoàn - Hội đồng Đội các xã, thị trấn. Theo gợi ý, định hướng của chủ trì kỳ họp, các thành viên Hội đồng trẻ em phát biểu ý kiến bằng hình thức giơ tay xin phát biểu. Thành viên phát biểu các ý kiến xung quanh nội dung định hướng của kỳ họp. Sau khi thành viên Hội đồng trẻ em phát biểu ý kiến, đại diện Ban Tham vấn phát biểu, tư vấn các kiến nghị của trẻ em. Các ý kiến của Hội đồng trẻ em tại phiên họp sẽ được tổng hợp bằng văn bản gửi HĐND huyện.
Qua một năm triển khai, với các chủ đề Thực trạng và các giải pháp phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng - đây đều là những nội dung thiết thực nhằm nâng cao kiến thức xã hội, trau dồi kỹ năng sống và rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ em. Qua đây, các em thiếu nhi đã hăng hái tham gia trao đổi ý kiến và đề xuất những nội dung liên quan đến các chủ đề.
Em Nguyễn Thùy Chi, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Lạc Lâm bày tỏ: “Có một ứng dụng rất phổ biến với mọi lứa tuổi hiện nay đó là tiktok, và em cũng rất thích xem những nội dung ở tiktok, em học hỏi được rất nhiều điều trong cuộc sống ở đây. Nhưng em cảm thấy không thoải mái khi bố mẹ quản lý quá gắt gao những nội dung mà em truy cập, em cũng lo lắng rằng khi em chưa đủ nhận thức, vô tình lại tương tác với những nội dung không tốt. Sau khi được đại diện Ban Tham vấn tư vấn, em đã có được những bài học, kinh nghiệm để có thể trưởng thành hơn để hoạt động lành mạnh trên môi trường trực tuyến này”.
Theo em Huỳnh Quang Bảo, học sinh lớp 8/6, Trường THCS Thạnh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng trẻ em huyện Đơn Dương chia sẻ, trong thời đại hiện nay, chúng em luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để được bảo vệ và phát triển một cách toàn diện. Đặc biệt hơn, chúng em được tham gia vào nhiều hoạt động để có cơ hội trình bày mong muốn, nguyện vọng của bản thân, phát huy quyền tham gia của mình vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Với việc thành lập Hội đồng trẻ em sẽ đem lại cho chúng em nhiều cơ hội được nói lên tiếng nói của bản thân, tạo môi trường giúp chúng em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và đề xuất những vấn đề liên quan đến sự phát triển, hoàn thiện quá trình đầu tư, xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em.
Anh Nguyễn Bảo Kiên thông tin thêm, thời gian qua, việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm, thể hiện ở nhiều mô hình như: Diễn đàn trẻ em, chương trình Lắng nghe trẻ em nói, các hoạt động lấy ý kiến trẻ em do các cấp bộ Đoàn - Đội tổ chức. Đặc biệt, với sự ra đời của Hội đồng trẻ em đã góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia. Tạo sự quan tâm, hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc thực hiện hóa các quyền của trẻ em. Đồng thời, là cầu nối giúp lãnh đạo các cấp, các ngành nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của trẻ em về những vấn đề liên quan đến sự phát triển, hoàn thiện quá trình đầu tư, xây dựng luật pháp, chủ trương, chính sách, quyết định về trẻ em.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin