“Tiếng súng” trên giảng đường

Đại tá TRẦN VĂN DŨNG 06:31, 25/12/2023

Trong cuộc sống hòa bình, hiện đại ngày nay, nhiều giá trị cốt lõi của nhân loại vẫn đang đứng trước những thách thức do chính con người gây ra. Ví như, những tiếng súng xung đột ở Nga - Ucraina, ở Dải Gaza, ở Trung Đông, hay ở một số nơi khác trên thế giới vẫn đang diễn ra hàng ngày. Dù tiếng súng nổ ra ở bất cứ nơi đâu, trên miền quê nào cũng đem đến cho người dân vô tội những đau thương, thiệt thòi khó bù đắp và chữa lành, nhất là đối với trẻ thơ, thanh, thiếu niên còn tuổi cắp sách tới trường với bao ước mơ, hy vọng tươi đẹp! 

Dân tộc Việt Nam cũng đã trải qua những năm tháng của các cuộc chiến tranh tàn khốc. Tiếng súng của quân xâm lược đã tàn phá, cướp đi cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no của Nhân dân ta; làm hàng triệu người con của dân tộc ngã xuống trên chiến trường, hàng vạn gia đình phải chịu cảnh tang thương không gì có thể bù đắp hết! Bởi vậy, được sống giữa thời bình, chúng ta không chỉ biết ơn, cố gắng học tập, lao động để xây dựng đất nước ngày càng đẹp giàu mà còn phải luôn có tinh thần cảnh giác, cảnh tỉnh, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để có thể kịp thời ứng phó với những biến cố bất thường có thể xảy ra, trong đó có vấn đề về chiến tranh bảo vệ quốc gia, dân tộc.

Tôi sinh ra trong thời chiến, trưởng thành trong môi trường quân đội, hiện là giảng viên của Học viện Lục quân. Giảng đường trong môi trường quân đội chính là nơi cho đội ngũ cán bộ, học viên chúng tôi giảng dạy, học tập, rèn luyện để có được bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; có đạo đức, lối sống trong sáng; có phong cách lãnh đạo, chỉ huy khoa học; có kỹ năng, năng lực tác chiến trong mọi tình huống cụ thể, nhằm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Bởi vậy, giảng đường, môi trường đào tạo của chúng tôi thường xuyên phải nhắc đến và “làm bạn” với tiếng súng nhằm hướng đến những điều tốt đẹp! 

Về tinh thần, nhận thức, “tiếng súng” nơi giảng đường của chúng tôi nhắn nhủ mọi người bài học yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; gác lại quá khứ đau buồn do kẻ thù đã gây ra và không mong muốn điều đó quay trở lại với chúng ta. “Tiếng súng” muốn mọi người khắc ghi về bài học cảnh giác như thuở nào ông cha ta đã dặn: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. “Tiếng súng” gửi gắm mọi người lời hiệu triệu của ông cha ta chống giặc; không thỏa hiệp, lùi bước đối với những kẻ thù hung bạo, mang dã tâm xâm lược đất nước ta đến cùng. 

Về mưu kế đánh giặc, “tiếng súng” trên giảng đường của chúng tôi đã đem đến cho các thế hệ cán bộ, học viên biết “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, đặt lên hàng đầu; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược. Không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; chủ động phòng ngừa, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh; làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Hơn thế nữa, trong thực tế giảng dạy - thực hành, “tiếng súng” nơi giảng đường môi trường quân ngũ chính là hiệu lệnh của người chỉ huy đánh giặc trên thao trường, bãi tập, bản đồ, sa bàn. Ẩn đằng sau những hình ảnh, mô hình, mũi tên, cờ xanh, cờ đỏ; những lời nói, hành động; những giọt mồ hôi trên trán người chỉ huy là bao ấp ủ, toan tính về địch, về ta; về tổ chức, sử dụng lực lượng chuẩn bị cho trận đánh giành thắng lợi. Và rồi, gác lại “tiếng súng” trên giảng đường là những trăn trở về hậu phương, gia đình, quê hương, bạn bè, những dự định cho tương lai mai sau...

Thế giới hiện nay đang diễn ra những biến động to lớn, nhanh chóng, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm đang hình thành ngày càng rõ nét hơn; tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh chiến lược và lợi ích giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, thậm chí là đối đầu. Điều đó vừa mang lại cơ hội, vừa đặt các nước khác, nhất là các nước vừa và nhỏ như nước ta trước nhiều khó khăn, thử thách. Bởi vậy, chúng tôi - những giảng viên trong môi trường quân đội càng phải ý thức sâu sắc về vai trò của “tiếng súng” trên giảng đường đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay!