Tiếp tục cải tiến chất lượng bệnh viện

AN NHIÊN 06:20, 06/03/2024

Sở Y tế Lâm Đồng đã có báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023, cung cấp thông tin chi tiết về tình hình chất lượng bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị toàn ngành khắc phục tồn tại để tiếp tục cải tiến chất lượng bệnh viện năm 2024.

Kỹ sư Khoa Y học hạt nhân BVĐK Lâm Đồng đang ghi đo độ tập trung tuyến giáp
trên bệnh nhân bướu cổ nhằm đánh giá trước và sau điều trị
Kỹ sư Khoa Y học hạt nhân BVĐK Lâm Đồng đang ghi đo độ tập trung tuyến giáp trên bệnh nhân bướu cổ nhằm đánh giá trước và sau điều trị

Các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng); 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (YHCT PNT) và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc); 10 Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện có bệnh viện (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên). Bên cạnh đó, có 2 bệnh viện ngoài công lập gồm (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt và Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt). Tổng số giường bệnh tại các bệnh viện trong toàn tỉnh là 2.895 giường, tăng 160 giường so với năm 2022. 

Các đơn vị đã tiếp tục quan tâm phát triển chất lượng bệnh viện, đa số các đơn vị đã có điểm chất lượng bệnh viện tăng hơn so với năm 2022, cụ thể như sau: Điểm đánh giá chất lượng trung bình chung các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện công lập năm 2023 là 3,13 (tăng 0,09 điểm so với năm 2022). Điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện tuyến tỉnh là 3,22 điểm (tăng 0,10 điểm so với năm 2022). Điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện tuyến huyện là 3,08 (tăng 0,09 điểm so với năm 2022), tương đương mức tăng trung bình của các bệnh viện tuyến tỉnh. 

Khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế: Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tại hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh cao hơn tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú. Tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú tuyến huyện cao hơn tuyến tỉnh. Tỷ lệ hài lòng của nhân viên y tế tại tuyến huyện (93,6%) cao hơn hẳn so với các bệnh viện tuyến tỉnh (85,60%). Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú (98,25%), ngoại trú (99,73%) tại các bệnh viện tư nhân cao hơn so với các bệnh viện công lập (nội trú 96,73% và ngoại trú 94,53%).

Trong năm 2023, điểm chất lượng bệnh viện tại các đơn vị đã tăng so với năm 2022, một số đơn vị đã tập trung cho công tác cải tiến chất lượng bệnh viện và có số điểm đạt từ 70% trở lên như: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT PNT, Bệnh viện II Lâm Đồng, TTYT các huyện Di Linh, Đơn Dương và Đức Trọng; còn lại hầu hết các đơn vị đạt số điểm từ 60% trở lên. Các bệnh viện tuyến tỉnh có số điểm đạt cao hơn các bệnh viện tuyến huyện.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành đã tập trung cho công tác đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh như: Kiện toàn hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện, tổ quản lý chất lượng và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện đến các khoa, phòng trực thuộc. Cơ sở vật chất của các bệnh viện được cải tạo nâng cấp, mở rộng phục vụ người bệnh tốt hơn; các phương tiện, trang thiết bị được bổ sung và phát huy được hiệu quả sử dụng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. An ninh trật tự bệnh viện, an toàn điện và phòng cháy, chữa cháy được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Hầu hết các đơn vị có đội ngũ bảo vệ và nhân viên phòng cháy, chữa cháy đã được huấn luyện và tổ chức diễn tập. Các bệnh viện đã quan tâm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ, viên chức tại một số đơn vị có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin tốt và ổn định.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được các đơn vị tập trung triển khai. Hàng năm, đã xây dựng và triển khai các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên quan tâm tạo dựng môi trường làm việc tích cực và nâng cao trình độ chuyên môn và chi trả đầy đủ các chế độ lương, phụ cấp và thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Đội ngũ viên chức y tế được quan tâm đào tạo, cả về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý. Trong năm 2023, toàn ngành Y tế Lâm Đồng đã cử đi đào tạo 577 người. Các bệnh viện cơ bản hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao, đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn ngành giao. Công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và một số trung tâm y tế huyện đạt trên 100%. Tại các đơn vị này, ngoài số giường bệnh kế hoạch giao đã chủ động sắp xếp, bố trí thêm giường bệnh phục vụ bệnh nhân nhằm hạn chế tình trạng nằm ghép (năm 2023, số giường bệnh kế hoạch là 2.895 giường, số giường thực kê là 3.628 giường).

Đa số các bệnh viện, TTYT đã có biển báo chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng; đã bố trí máy phát số tự động, bố trí khu vực tiếp đón người bệnh đảm bảo người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh theo đúng trình tự trước sau; hàng năm, có cải tiến quy trình khám bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Người bệnh được cung cấp vật dụng cá nhân đầy đủ; được khám bệnh, điều trị trong môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; quyền và lợi ích của người bệnh được đảm bảo.

Chất lượng khám, chữa bệnh được quan tâm thực hiện. Các bệnh viện đều có tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn quy trình khám bệnh, chữa bệnh. Trong năm 2023, Sở Y tế đã phê duyệt cho 78 lượt đơn vị với 13.761 kỹ thuật (trong đó, đúng tuyến là 13.679 kỹ thuật và vượt tuyến 71 kỹ thuật). Các kỹ thuật cao được triển khai trong năm 2023 là kỹ thuật Tim phổi nhân tạo (ECMO) cấp cứu tại giường trong hỗ trợ suy hô hấp cấp; phẫu thuật cắt bỏ u vú, điều trị ung thư tuyến giáp bằng I31, Spest/CT, xạ trị trong điều trị ung thư... Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được quan tâm.

Công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh có nhiều cải tiến. Các đơn vị trong ngành đã tổ chức tập huấn chăm sóc người bệnh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... và tổ chức các Hội thi Điều dưỡng viên, Nữ hộ sinh và Kỹ thuật viên giỏi cho toàn bộ cán bộ điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trong đơn vị. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thực hiện các xét nghiệm về huyết học, sinh hoá, miễn dịch, vi sinh; hầu hết các đơn vị đã thực hiện nội, ngoại kiểm định kỳ; thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, hiệu chuẩn trang thiết bị theo định kỳ. Công tác quản lý, cung ứng và sử dụng thuốc tại các đơn vị cơ bản thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học được duy trì, áp dụng kết quả nghiên cứu trong lâm sàng. Năm 2023, toàn ngành đã nghiệm thu và công nhận 11 đề tài cấp cơ sở và 71 đề tài, sáng kiến, giải pháp quản lý thực hiện tại đơn vị.

Tuy nhiên, cùng với việc kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị toàn ngành khắc phục tồn tại trong quản lý chất lượng bệnh viện. Các vấn đề được đề cập bao gồm hoạt động chuyên môn, công nghệ thông tin, chất lượng lâm sàng, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tiết chế, quản lý cung ứng và sử dụng thuốc, hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng đến nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh, phát triển nguồn nhân lực và hoạt động cải tiến chất lượng trong năm 2024.