Lâm Đồng ổn định quy mô dân số 1,4 triệu người vào năm 2015

03:12, 25/12/2011

Lâm Đồng vẫn là một trong những tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dân số, tỉ lệ sinh giảm chậm, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, chất lượng dân số còn thấp so với cả nước.

Lâm Đồng là 1 trong 35 địa phương trong cả nước đạt được mức sinh thay thế vào năm 2010 (tức mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con). Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn là một trong những tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dân số, tỉ lệ sinh giảm chậm, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, chất lượng dân số còn thấp so với cả nước.

Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009, Lâm Đồng có 1.186.786 người, với quy mô này, dân số Lâm Đồng đứng thứ 2 sau Đắc Lắc trong số các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Sau 10 năm, dân số toàn tỉnh tăng thêm 188.759 người, bình quân mỗi năm tăng 18.876 người.

Cơ cấu dân số phân bố ở khu vực thành thị là 449.430 người và khu vực nông thôn: 737.356 người. Mặc dù quy mô dân số thành thị tăng thêm 63.983 người trong 10 năm qua, nhưng bình quân mỗi năm cũng chỉ tăng 1,55%. Mức độ đô thị hóa của tỉnh còn chậm do chưa tạo bước đột phá rõ nét về phát triển kinh tế cũng như thu hút lao động nhập cư. Một số địa phương có tỉ lệ dân số thành thị giảm trong 10 năm qua như: Lâm Hà từ 23,5% giảm xuống còn 20,7%; Đơn Dương từ 35,5% giảm còn 26%. Trong vòng 10 năm qua, dân số khu vực nông thôn Lâm Đồng tăng lên 124.776 người, bình quân mỗi năm tăng 1,9%. Nguyên nhân do dân số tăng tự nhiên và số người nhập cư tập trung vào các huyện: Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm.

Tỉ số giới tính của Lâm Đồng qua 2 cuộc tổng điều tra dân số (năm 1999 và 2009) luôn ở mức cao. Một số vùng phát triển các ngành nghề thu hút lao động di cư là nam giới có tỉ số giới tính cao như: Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên. Tỉ số giới tính khi sinh của Lâm Đồng liên tục gia tăng từ năm 2005 đến nay, nằm trong số 29 tỉnh của cả nước có tỉ số giới tính khi sinh từ 111 bé trai trở lên/100 bé gái.

Định hướng mục tiêu chung của dân số Lâm Đồng cũng như dân số cả nước là tập trung giảm chênh lệch giới tính khi sinh, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số “vàng” và thích ứng với giai đoạn “già hóa” dân số. Cơ cấu dân số “vàng” có tỉ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỉ lệ người già và trẻ em phụ thuộc, đây là thời kỳ thuận lợi nhất để phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của địa phương nói riêng. Đề án Dân số -KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 xác định: Thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng  trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1 hoặc 2 con nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH.

Một số định hướng trong đề án DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015: tiếp tục duy trì xu thế giảm sinh tập trung vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ nhằm giảm bớt chênh lệch giữa vùng nông thôn với thành thị, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Chất lượng dân số phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Ổn định quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 1,12%, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 9,97%, nâng tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75%, tuổi thọ trung bình của người dân Lâm Đồng là 77 tuổi, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 15%.

Để đạt mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, chủ động khống chế chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh, ổn định dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Lãnh đạo, tổ chức và quản lý bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ cần phải chuyên nghiệp, ổn định; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, chú trọng các nhóm đối tượng thanh niên, vị thành niên, người di cư, người tàn tật, dân tộc thiểu số; các dịch vụ DS-KHHGĐ cần được mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới và tổ chức các hình thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp; mở rộng dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các dịch vụ can thiệp nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp liên ngành và chính sách khuyến khích.

DIỆU HIỀN