(LĐ online) - Đảo chìm Đá Lát cách đường hàng hải quốc tế 7 hải lý, cách Trường Sa Lớn hướng đông bắc khoảng 14 hải lý. Nhưng để lên được đảo là một hải trình vô cùng khó khăn và hiểm nguy.
(LĐ online) - Đảo chìm Đá Lát cách đường hàng hải quốc tế 7 hải lý, cách Trường Sa Lớn hướng đông bắc khoảng 14 hải lý. Nhưng để lên được đảo là một hải trình vô cùng khó khăn và hiểm nguy.
|
Chuẩn bị cập đảo chìm Đá Lát |
Cắt sóng đi vòng 12 hải lý, sau hơn 2 giờ, tàu Trường Sa 22 tiếp cận được vùng biển có bãi san hô, độ sâu hơn 100 mét để thả neo lúc 11 giờ 40 ngày 23/12. 13 giờ, lệnh hạ xuồng đưa hàng và người vào Đá Lát, cách 2 hải lý. Đu thang dây, từng người căn đúng thời điểm xuồng dâng cao nhất nhảy xuống trong nhiều bàn tay giữ và đỡ. Ngồi trên xuồng, mọi tình huống xấu bất chợt ập xuống có thể trở tay không kịp. Bãi san hô là trục giao thông duy nhất nối giữa đảo và tàu. Hai chiếc xuồng HQ 1219 và HQ 7065 lựa theo dòng nước cạn giữa bãi để đi. Giữa mênh mông tít tắp không bờ, khoảng biển nước trong veo, hiện rõ tầng tầng san hô nhiều màu trắng sáng…
[links(right)]Đảo Đá Lát có khách đến rất đông, sự chật chội lên đến đỉnh điểm. Chủ nhà chộn rộn mừng vui khó tả. Đảo trưởng, thiếu tá Trương Văn Núi, trung úy Đỗ Tiến Dũng, trung úy Trương Đăng Hiển, thiếu úy Nguyễn Văn Thủy… kể về đời sống bộ đội đảo. Hấp dẫn nhất là anh em đánh bắt hải sản, xúc động nhất là “cuộc chiến” với nước ngọt và thực phẩm tươi.
Thủy triều lên xuống theo con nước, ngoài giờ, bộ đội ra bãi san hô đánh bắt hải sản. Nguồn hải sản Việt Nam vô cùng phong phú: các loại cá bò bọc thép, hồng, sạo, sòng, bào ngư, hải sâm, ngao “cô đơn”, ốc gai, ốc nhảy, vích… Có hôm 20 thuyền ngư dân miền Trung ra đây đánh bắt hải sản. Với bộ đội đảo Đá Lát, người lên đảo trước chỉ cho người ra sau. Các anh dùng lưới, câu, xiên, bắn tên và lặn mò. Sản vật biển tặng được chế biến với những gì có ở đảo: xào với măng dưa hộp, xào sả ớt, luộc, nấu canh, nướng khô, trộn mì tôm... Đánh bắt về bỏ vào lồng để ăn lâu dài, dùng vào những ngày mưa bão. Loài quý nhất là hải sâm, có 7 loại, trong đó “nhất vú, nhì gai, thứ ba sâm đá”; “ngao cô đơn” có gân phơi khô, ăn ngọt hơn mực xứ Nghệ.
Trương Đăng Hiển nói: “Nguồn hải sản của mình giàu nhưng phải có kinh nghiệm chứ nơi sóng gió hung dữ thế này, đâu phải dễ dàng gì”. Và không chỉ đánh bắt hải sản phục vụ bữa ăn hàng ngày, bộ đội Đá Lát còn có nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho biển, khuyên ngư dân không đánh bắt tận diệt.
Ở đảo chìm, để có thực phẩm tươi, ngoài đánh bắt hải sản, bộ đội thường xuyên duy trì trồng rau xanh. Để đạt chỉ tiêu 45 kg rau xanh/người/năm, bộ đội Đá Lát phải vận dụng nhiều phương pháp mới giữ được từng khay rau tồn tại. Những lúc sóng đánh lên cao 4-5 mét như cách đây mấy ngày, nửa đêm anh em cùng nhau khiêng khay rau vào nhà cất tránh gió muối hôm sau lại khiêng ra lấy ánh nắng quang hợp. Rau héo, ủ giá đỗ làm rau.
Vì điều kiện, không thể nuôi heo được. Heo gửi từ đất liền ra phải chăm cháo để cố gắng duy trì sự sống cho đến ngày tết. “6 tháng không có miếng thịt heo tươi nào, anh em rất thèm”, trưởng đảo Trương Văn Núi chia sẻ rất thật. Bởi thế mà anh mong 2 con heo đất liền gửi ra hôm qua sống cho đến được đến 29 tết và ra rằm.
Đảo Đá Lát khó khăn nhất là nước ngọt sử dụng. Để có nước, nhất là mùa khô, các anh phải thực hiện nghiêm ngặt theo một quy trình. Phải tắm qua nước biển rồi mới tráng lại ít nước ngọt, đứng vào chậu để nước còn dùng lại tưới rau xanh. Nước vo gạo, rửa rau, đánh răng, rửa mặt…, những loại nước sạch đều dùng để tưới rau xanh. Nước giặt đồ đổ vào can để dùng dội nhà vệ sinh. Mùa không mưa, nước chia mỗi người một can 5 lít/ngày dùng để đánh răng, rửa mặt, gội đầu, tắm và giặt, hôm nào đi bắt cá thì phát thêm 1 xô/người.
Khó khăn, thiếu thốn về cái ăn, cái ở như vậy nhưng nói đến tinh thần, ý chí sẵn sàng chiến đấu thì bộ đội Đá Lát vẫn là đơn vị mẫu mực. Phải quyết giữa chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió, đó là mệnh lệnh thiêng liêng và nóng bỏng từ trái tim của người cầm súng nơi biên thùy. “Tinh thần đoàn kết, không phân biệt chỉ huy với anh em, không nói suông mà làm, ngoài giờ động viên thăm hỏi nhau, những lúc người thân ốm đau, sinh nở anh em góp tiền gửi vào bờ, động viên anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trưởng đảo Trương Văn Núi nói.
Phó đảo quân sự Bùi Chí Việt nhận nhiệm vụ mới tại đảo bắt đầu từ hôm nay tâm sự: “Ra đảo chắc chắn mình sẽ đảm nhiệm công việc và nhiệm vụ nhiều hơn ở bờ, phải xác định quyết tâm để thực hiện cho tốt, cần phải bỏ lại sau lưng nhiều cái mà cuộc sống của mình sống từ trước tới giờ đã sống để cùng anh em hoàn thành tốt trách nhiệm thiêng liêng cấp trên giao”.
Hơn 3 giờ sáng, tôi thức dậy vòng quanh ốc đảo. Đông Bắc, sóng vẫn gào thét ầm ào với gió. Phía Tây Nam, biển yên ả đến xao lòng. Triều xuống, biển lùi ra xa chân nhà 5-6 mét, sóng chỉ còn ì oạp vào đá và mạn xuồng. Từ bếp nấu ấm nồng khói mặn của anh Hiển, ánh điện hắt xuống biển lung linh, chốc chốc lấp loáng ánh pha nhà đèn quét qua. Tôi thầm gọi: “Bờ xa ơi, nơi đây, các anh đang ngày đêm gìn giữ những vùng biển quê hương diệu kỳ và bình yên như thế !”.
Rời đảo Đá Lát, tôi nhớ mãi lời của trưởng đảo Trương Văn Núi: “Tết này, mong không mất sóng để liên với người thân, nhiều khi anh em cũng rất nhớ nhà”. Vâng, đến hôm nay, sau 5 ngày cập đảo và lênh đênh trên đầu sóng, tôi mới có sóng Viettel, dù chập chờn nhưng cũng cố gắng gửi những thông tin về các anh với đất liền…
|
Chuyển quân và hàng xuống xuồng hết sức cẩn trọng |
|
Cùng xúm vào làm hải sản để có thức ăn tươi |
|
Rau xanh sống bên mép sóng |
|
Trung úy Đỗ Tiến Dũng với gần 30 kg ốc nhảy sau giờ lặn biển |
MINH ĐẠO