(LĐ online) - Ngày thứ hai chúng tôi ở lại trên “đảo thủ đô” Trường Sa Lớn. Buổi sáng, mục sở thị chiến sỹ tăng gia sản xuất, buổi chiều chứng kiến quân và dân thị trấn khẩn trương và tích cực phòng chống cơn bão số 7 đang rình rập ngoài khơi.
(LĐ online) - Ngày thứ hai chúng tôi ở lại trên “đảo thủ đô” Trường Sa Lớn. Buổi sáng, mục sở thị chiến sỹ tăng gia sản xuất, buổi chiều chứng kiến quân và dân thị trấn khẩn trương và tích cực phòng chống cơn bão số 7 đang rình rập ngoài khơi.
“Thực túc binh cường”, đây là một trong những mệnh lệnh thường trực đối với các chiến sỹ hải đảo Trường Sa. Mặc dù nơi đầu sóng ngọn gió, quanh năm nước muối, hết áp thấp đến nắng rát làm cây héo lá chết rụi nhiều, nhưng công sức bền bỉ của lính đảo bất chấp khí hậu khắc nghiệt. Bữa ăn hàng ngày vẫn luôn đầy đủ chất.
Rau Muống |
Năm 2011, Trường Sa Lớn đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy đặt ra: mỗi tháng 8-10 kg rau xanh/người; hàng trăm con heo, gà, vịt, ngan. Hiện toàn đảo có hơn 70 con heo từ bờ đưa ra và tự sinh sản trên đảo. Đặc biệt, 15 con heo rừng do nhân dân tỉnh Bình Phước tặng đang lớn nhanh trên đất đảo. Rất nhiều loại rau xanh được các chiến sỹ trồng như rau muống, đu đủ, mồng tơi,… Trên đảo, có 3 loại cây rất thích nghi là cây bang - lá dùng gói bánh chưng, cây tra - lá non ăn sống có vị chát và chua thanh rất thú vị, còn cây nhòn, lá và quả cũng là thực phẩm. Những ngày nghỉ, biển lặng, lính đảo ra biển đánh bắt cá cải thiện.
Nhờ tích cực tăng gia sản xuất, cải tiến chế biến món ăn, sức khỏe bộ đội luôn được đảm bảo tốt để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền trong bất kỳ tình huống nào. Năm 2011, giá trị từ tăng gia sản xuất Trường Sa Lớn đạt 812 ngàn đồng/người/năm, bằng 101,5% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong bữa ăn trưa, Thượng tá, phó đảo Trường Sa Lớn Phạm Quang Trung thông báo: chiều nay, các nhà báo tự tác nghiệp ở phòng ở, bộ đội tập trung phòng chống bão. Quân lệnh như sơn, ngay đầu giờ chiều, tất cả các đơn vị, quân và dân trên đảo đồng loạt, mau lẹ tỏa đi phòng chống bão. Nhiều cây cao được chặt cành để hạn chế gió bão nhổ bật gốc và đổ làm hư hỏng các công trình. Những cây nhỏ được giằng, chống đỡ; những thiết bị, nhà cửa kê chỉnh và néo chặt. Những đám rau xanh và chỗ ở của heo, gà cũng được che chắn cẩn thận…
Trạm trưởng Nhà đèn Ngô Văn Thanh cho biết: 4 anh em chúng tôi đã giằng, che tất cả thiết bị kỹ càng; máy phát điện và bình acquy đã kiểm tra, xạc điện chu tất. Cũng trực 24/24 giờ, Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa có 7 người chia theo ca. Lúc 17 giờ, Trạm trưởng Hoàng Văn Minh cho biết số liệu quan trắc như sau: gió cấp 5 cấp 6, giật cấp 7; lượng mưa 4mm; tầm nhìn ngang 15 km, độ cao sóng cấp 4 cấp 5 và các thông số khác về nhiệt độ, không khí, độ nhiệt và độ mặn của nước biển... “Hiện khả năng cơn bão chưa ảnh hưởng đến nhiều. Chắc là đêm nay và ngày mai bão sẽ ảnh hưởng đến đảo mình. Trường Sa 8 độ 39 phút, tâm bão đang ở 10,5 độ, Song Tử Tây hơn 11 độ. Các tàu bây giờ đã tránh bão hết rồi”, anh Minh nói.
Trước giờ ăn cơm (18 giờ), Báo Lâm Đồng Online phỏng vấn nhanh phó đảo, thượng tá Phạm Quang Trung, anh cho biết: “Đến thời điểm này, tinh thần trách nhiệm của anh em cán bộ và chiến sỹ các lực lượng trên đảo có ý thức rất tốt, cảnh giác rất cao với cơn bão này cho nên chằng chống nhà cửa, gia cố thêm hệ thống tường kè để hạn chế tối đa cát lấp, triều cường tràn vào trong đảo; và bảo vệ tốt nơi ở, nơi sản xuất tăng gia cho đảo với quyết tâm là hạn chế thấp nhất thiệt hại hệ thống cây cối, chăn nuôi và các tài sản. Được sự chỉ đạo rất sát sao của Đảng ủy và chỉ huy đảo trong đất liền và sự quyết tâm của Đảng ủy, chỉ huy đảo, ý chí quyết tâm của bộ đội cho nên đến giờ phút này đã hoàn thành tốt việc phòng chống cơn bão số 7”…
Toàn đảo có hơn 70 con heo. |
Trạm trưởng Khí tượng hải văn Trường Sa Hoàng Văn Minh theo dõi diễn biến lượng mưa. |
Chắn sóng và cát cho vườn rau. |
MINH ĐẠO