Tìm giải pháp ổn định cuộc sống cho bà con làng Đại Dương

09:12, 19/12/2011

(LĐ online) - Mỗi hộ đồng bào DTTS ở Đại Dương cũng chỉ có 1 ha đất sản xuất do tự khai phá từ trước năm 1985 hoặc Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam giao sản xuất nông nghiệp...

(LĐ online) - Xóm Đại Dương có tên hành chính là tổ 12, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, hình thành 30 năm nay. Theo Báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Đức Trọng, làng Đại Dương có 62 hộ/283 khẩu, trong đó có 51 hộ/235 khẩu dân tộc Cơ Ho (nhóm Chill). 51 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) này sống tập trung trên diện tích khoảng 1 ha, nhà cửa san sát, trung bình mỗi hộ được sử dụng 196m2 đất ở.

Mỗi hộ đồng bào DTTS ở Đại Dương cũng chỉ có 1 ha đất sản xuất do tự khai phá từ trước năm 1985 hoặc Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam giao sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa hộ nào được cấp GCNQSD đất. Thu nhập của bà con mấy năm gần đây chủ yếu từ cà phê và làm thuê ở dự án đường cao tốc Liên Khương – Prenn và sân golf Sacom. Năm 2011, có 20 hộ dân được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh giao quản lý bảo vệ khoảng 404 ha rừng, với mức 400 ngàn đồng/ha/năm, khoảng 8 triệu đồng/hộ/năm. Trong số 235 khẩu đồng bào DTTS của xóm Đại Dương có 103 người trong độ tuổi lao động và có 24 hộ nghèo.

Do làng thành lập tự phát, không có hệ thống tổ chức thôn buôn, cuộc sống khó khăn… đồng bào đã chặt phá gần 4 ha rừng tự nhiên do Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý để lấy đất sản xuất; ngoài ra bà con còn bị các thế lực xấu lợi dụng, có dấu hiệu bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, như truyền đạo trái phép, nghiện…

Trước đây, 30 hộ trong tổng số 51 hộ dân của thôn Đại Dương (166 khẩu, 85 lao động) đã tình nguyện làm nhà ở trong khu vực dự án định canh định cư (ĐCĐC) làng dân tộc Đarahoa (Hiệp An, Định An, Đức Trọng) của Công ty Phương Nam để tổ chức sản xuất và ổn định cuộc sống. Nhưng do không có đường, không có điện và không được cấp vốn hỗ trợ, nên các hộ đã bỏ về làng Đại Dương.

Tổng vốn đầu tư dự án ĐCĐC làng dân tộc Đarahoa là 1422,5 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách tập trung trong chương trình ĐCĐC là 1272,5 triệu đồng, vốn tự có của Công ty Phương Nam là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện dự án (1999-2003), ngoài 150 triệu đồng Công ty Phương Nam đưa vào dự án, nguồn vốn 1272,5 triệu đồng trên chưa được cấp theo kế hoạch. Đến năm 2008, dự án được đầu tư nâng cấp hệ thống nước tự chảy, xây dựng 1 phòng học với số tiền 88,612 triệu đồng từ chương trình 134.

Tại cuộc gặp mặt giữa các hộ dân với Phòng Dân tộc huyện Đức Trọng, UBND xã Hiệp An, Công ty Phương Nam, Ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng, Ban Dân tộc tỉnh, Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam thống nhất tiếp tục nhận 30 hộ đồng bào đã đăng ký vào dự án ban đầu về vị trí dự kiến xây dựng làng ĐCĐC trước đây, nhưng các hộ không đồng ý mà đề nghị cho được giãn dân vào phía trong khu dân cư hiện hữu.

Các hộ đồng bào DTTS này bỏ tập quán du canh, du cư từ lâu. Trước đây, họ đã được bố trí tái định cư ở Tà Năng (Đức Trọng), nhưng không thích ứng được mà đến định cư ở làng Đại Dương. Ổn định sản xuất chính là cách để đồng bào DTTS không du canh - du cư, không chặt phá rừng. Các thế hệ con cháu họ ra đời được chăm sóc, học hành, làm việc như những người dân khác, nên họ đã nhận thấy những khó khăn, nếu lại chuyển đến vùng đất mới và làm lại từ đầu.

Nhưng, nhu cầu sản xuất của bà con là có thật. Với hơn 1ha độc canh cà phê mỗi năm, thu nhập của đồng bào chỉ ở mức đủ ăn. Mấy năm nay, cà phê được giá, bà con muốn phát triển sản xuất, nhưng không có vốn, không có tài sản thế chấp để vay do chưa có hiểu biết về vai trò và lợi ích của Giấy CNQSD đất, cùng với ảnh hưởng của tập quán phát rừng làm rẫy trước đây… nên một số người đã ngang nhiên chặt phá rừng để mở rộng diện tích trồng cà phê.

UBND huyện Đức Trọng chủ trương, nếu tỉnh tiếp tục bố trí vốn để thực hiện dự án ĐCĐC xây dựng làng dân tộc Đarahoa thì sẽ tổ chức vận động bà con di dời đến khu vực ĐCĐC của dự án; nếu không, sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, như: trả lại hiện trạng rừng đã lấn chiếm, chấn chỉnh an ninh trật tự tại làng Đại Dương…; đồng thời, xem xét, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, giao khoán thêm diện tích rừng nhằm tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con…

Lê Hoa