5 năm công tác giảm nghèo ở Lâm Đồng

03:01, 10/01/2012

Giảm nghèo nhanh và bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Giảm nghèo nhanh và bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Đối với Lâm Đồng, so với mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII là giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2010 xuống còn dưới 14% (năm 2005 trên 20%), thì mục tiêu giảm nghèo của tỉnh hoàn thành sớm hơn 2 năm.

Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống là một phần của công tác giảm nghèo.
Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống là một phần của công tác giảm nghèo.

Trong 5 năm 2006 - 2010, toàn tỉnh giảm được 43.950 hộ nghèo, trong đó có 17.500 hộ đồng bào dân tộc. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh giảm 8.800 hộ nghèo với mức giảm 3,75%/năm, đặc biệt, mức giảm trong đồng bào dân tộc lên tới 8,1%/năm, tương ứng với 3.500 hộ/năm (cả nước giảm bình quân 2,43% tỉ lệ hộ nghèo/năm). Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh còn 14.338 hộ nghèo, trong đó, có 8.000 hộ đồng bào dân tộc. Tỉ lệ hộ nghèo chung là 4,97%, riêng đồng bào dân tộc là 14,81%. Nếu như năm 2005, Lâm Đồng có 9/12 huyện, thành phố có tỉ lệ hộ nghèo trên 20% thì đến năm 2007 giảm còn 7/12 huyện, thành phố và năm 2010 chỉ còn 1 huyện là Đam Rông với tỉ lệ hộ nghèo 26%. Các địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh hơn mức giảm chung của tỉnh (tỉ lệ hộ nghèo giảm 4,8 lần), đồng thời, có số hộ nghèo giảm lớn trong 5 năm là Bảo Lâm (10.523 hộ nghèo), Lâm Hà (6.534 hộ), Bảo Lộc (3.685 hộ). Các địa phương khác có số hộ nghèo giảm lớn, nhưng tốc độ còn thấp hơn mức chung là Di Linh (7.010 hộ), Đam Rông (2.120 hộ).

Trước hết, Lâm Đồng đã tập trung ưu tiên đầu tư và hỗ trợ các vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao. Cùng với các chính sách đầu tư của Trung ương như Chương trình 134, Chương trình 135 (giai đoạn 2), Chương trình 168, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… tỉnh và các địa phương tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như kiên cố hóa trường học, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn… cho các xã, thôn đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Do đó, cơ sở hạ tầng các xã dân tộc, xã nghèo được cải thiện rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài huyện Đam Rông do Chính phủ đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh đã kịp thời có chủ trương đầu tư ngân sách địa phương hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo ở các xã, thôn nghèo nhất của tỉnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện đồng thời nhiều chính sách đối với người nghèo được chú trọng. Cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, làm nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội,… các chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến công, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội… được triển khai đồng thời đã tác động trực tiếp tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc. Hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cũng là đối tượng ưu tiên khi xem xét giao khoán bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng, hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi cây trồng… từ nguồn vốn. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững cũng đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội. MTTQ và các đoàn thể đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên của mình, tạo ra phong trào hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo cách làm ăn và có ý chí vươn lên thoát nghèo. Sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh cũng làm tăng thêm nguồn lực cho chương trình (như việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của các tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ phân công giúp huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện có hiệu quả), đặc biệt là cuộc vận động xóa nhà tạm theo Chỉ thị 22 - CT/TU. Quan trọng nhất để chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thực sự đạt kết quả như mong đợi là đại bộ phận người nghèo quyết tâm thoát nghèo. Trong đó, nhiều tấm gương thoát nghèo, không nhận hộ nghèo khi bình xét, lo cho con cái học hành, giúp các hộ nghèo khác cách làm ăn, cho mượn vốn… đã xuất hiện ở nhiều thôn. Đặc biệt, trong đồng bào dân tộc và người khuyết tật là những điểm sáng trong phong trào giảm nghèo.

Với những kết quả đạt được của công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã giúp cho điều kiện sống của người nghèo được cải thiện, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở… Người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần đảm bảo giảm nghèo thực chất và bền vững. Về lâu dài, tác động của chương trình giảm nghèo giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân.

Hà Linh