Chuyện vui và nỗi lo ngày giáp tết

03:01, 04/01/2012

Chuyện cây cầu bê tông được bà con chân đất râm ran bàn thảo hàng chục năm để tìm lối thoát.

* Mừng chiếc cầu mới           

Thôn 2 (xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc) được chia cắt bởi một con suối thành hai cụm dân cư, mỗi cụm trên 200 hộ. Đã bao năm nay, người dân trong khu vực này luôn sống trong tình trạng lo âu khi mùa lũ về. Trong những năm ấy, mọi người trong thôn chỉ trông cậy vào chiếc cầu làm bằng cây rừng nhỏ nối hai bờ, với những cột chống khẳng khiu. Chuyện chiếc cầu tạm bợ ấy bị mưa lũ cuốn trôi là chuyện thường năm. Mỗi lần như thế, bà con các xóm 2, 3, 4… lại hì hục, ngâm mình dưới nước tiếp tục làm cầu mới cũng bằng gỗ tạp. Và cứ thế, những chiếc cầu tạm lặng lẽ trôi đi.
 

Chiếc cầu mới.
Chiếc cầu mới.

Chuyện cây cầu bê tông được bà con chân đất râm ran bàn thảo hàng chục năm để tìm lối thoát. Chủ đề câu chuyện họp xóm ở thôn 2 thường ngày tập trung vào những người có đất vườn vận chuyển cà phê, trà và chuyện con cái đi học, chạy chợ, cưới hỏi, bệnh đau... Nhưng mỗi khi bàn thảo đến kinh phí làm cầu, thì lại rơi vào điểm bế tắc. Năm 2005, một vị lãnh đạo thị xã trong chuyến đi kiểm tra, phát hiện tại nơi rừng núi này có đến mấy trăm hộ dân đang ngày đêm qua lại chiếc cầu “tử thần”. Ông ấy đã hứa sẽ cho làm cây cầu mới để mở rộng giao thông nông thôn, nhưng rồi cũng trở thành truyện dài nhiều tập không có phần kết.

Cuối cùng, lãnh đạo thôn 2 quyết định phải làm mới chiếc cầu chắc chắn hơn bằng mọi giá để bảo đảm tính mạng người dân, với chủ trương “Chi bộ và nhân dân cùng làm”; đồng thời, vận động các nhà doanh nghiệp đóng trên địa bàn thôn tham gia đóng góp. Kết quả, cuộc vận động rộng rãi toàn thôn đã xây dựng được cây cầu bê tông kiên cố trên mức mong đợi, với tổng vốn đầu tư hơn nửa tỉ đồng. Trong đó, 400 triệu do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Nhân tài trợ; nhân dân địa phương đóng góp 250 ngày công lao động và mỗi hộ dân có đất vườn bên kia suối đóng góp 100 ngàn đồng. Cây cầu dài 40m rộng 3m bằng bê tông đã thực sự trở thành niềm vui lớn cho hàng ngàn con người.

“Việc thông cầu ngày hôm nay là mốc son đánh dấu đôi bờ. Từ nay, việc ma chay cưới hỏi không còn phải lội nước; trẻ em đến trường cha mẹ không phải nơm nớp lo âu; việc vận chuyển trà, cà phê theo vụ mùa ra Quốc lộ 20 không còn là sự thấp thỏm thường trực… Tôi xin thay mặt nhân dân thôn 2 cám ơn ông Hồng Khánh Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhân, người tài trợ chính và cũng xin cám ơn Chi bộ và ông Sơn trưởng thôn, những người vì lợi ích cộng đồng đã ngày đêm vận động từ người dân đến các mạnh thường quân để có được cây cầu hôm nay!” - Ông Hoàng Minh Tái - Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi thôn 2, phát biểu trong dịp khánh thành chiếc cầu dân sinh.

* Và chuyện dưới chân cầu

Thôn 2 (Đại Lào), nơi tập trung hai mỏ khoáng sản lớn là cát và cao lanh ở phía nam thành phố Bảo Lộc. Mười mấy năm nay, hàng trăm ngàn khối cát khai thác vận chuyển qua suối phục vụ cho việc xây dựng góp phần nâng cấp đô thị khang trang sạch, đẹp. Tài nguyên trong thôn cứ lần lượt “đội nón” ra đi, nhưng đời sống của các cư dân bản địa vẫn không khấm khá hoặc được hưởng bất kỳ lợi nhuận gì từ nguồn khoáng sản được thiên nhiên ban tặng này. Cái được hưởng thường trực hàng ngày là bụi đất trắng trời từ các xe tải thổi thốc, đã khiến cho hàng trăm ngôi nhà suốt ngày cửa đóng im ỉm. Tội nhất là các em học sinh nữ mặc áo dài, mỗi lần thấy xe chở cát hoặc cao lanh đều chạy trốn trong sợ hãi.

Con đường dân sinh, bà con tự hiến đất để mở rộng với trọng tải nhẹ, đến nay vẫn gồng mình cam chịu hàng ngàn lượt xe tung bụi phủ hết vườn cà phê, chè, nên không thể ra hoa hoặc đâm chồi. “Báo chí đã lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng chỉ được vài ngày dừng khai thác, sau đó dòng nước lại tiếp tục vàng ngầu đặc quánh lại. Thậm chí, ngày mai có tin đoàn kiểm tra đến, hôm nay toàn bộ các cơ sở khai thác đã ngừng việc” - Ông Sơn trưởng thôn nói.

Suối Đại Lào phát nguyên từ đèo Bảo Lộc, dài khoảng 20km chảy qua 3 xã Đại Lào, Lộc Châu và Lộc Thành. Những năm trước đây, đến mùa khô nước suối không bao giờ cạn, dòng suối trong vắt chảy rì rầm mát rượi có thể nhìn thấy đá cuội loang loáng dưới đáy. Đã bao năm qua, con suối này là vật “cứu tinh” cho hàng ngàn con người sống ven bờ bằng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho cà phê, trà. Cát Đại Lào là loại cát mỏ, muốn khai thác phải xử dụng xe múc rồi dùng máy DH22 hút nước từ suối “thổi” vào. Sức nước cực mạnh này sẽ tách đất và cát ra, lượng đất bùn được rửa trôi thay vì đổ vào hồ chứa đều chảy ngược về suối. Lượng cát ở thôn 2 là 50/50, có nghĩa là muốn được một khối cát thành phẩm phải rửa trôi 1 khối bùn đất. Vào lúc cao điểm, mỗi ngày có khoảng 20 chiếc xe tải chở cát, mỗi xe 12 tấn, phải thải ra theo dòng chảy 240 tấn bùn. Với số lượng này, không những gây ra ô nhiễm nguồn nước mà còn làm cạn dần dòng suối. Cây mai dương và lau sậy phát triển nhanh đã làm cản và tắt dòng chảy.

Vào thời điểm tháng 3 âm lịch, suối Đại Lào chỉ còn dòng nước nhỏ màu vàng đậm, đặc quánh oằn mình bò trong khắc khoải. Hiện nay, nguồn nước này không thể tưới cho trà, cà phê vì sẽ bị đóng váng bề mặt. Hàng loạt các ao cá ven bờ suối từ Đại Lào đến Lộc Thành bị bỏ hoang!

Hàng năm, vào mùa giáp tết, gần như các giếng đào sử dụng nguồn nước ngầm gần bờ suối đều tắt. Vì vậy, toàn bộ các cư dân sống ven bờ chỉ trông cậy vào con suối, từ ăn uống đến tắm giặt. Hiện nay, chỉ mới đầu tháng 12 âm lịch, nhưng nước dưới cây cầu mới không những bị ô nhiểm mà còn cạn kiệt, thu hẹp dòng chảy với màu nước đục ngầu. Anh Quang (ở xóm 1) mỗi năm hút nước suối về tưới đẫm vườn để thấm xuống giếng xử dụng mấy ngày tết, nhưng mấy năm gần đây, anh không dám hút nước bùn từ suối vào nữa. “Tết năm nay chắc phải đi mua nước về ăn uống và tắm giặt!” - Anh chặc lưỡi nói.

“Chuyện xây dựng chiếc cầu mới, thực hiện chủ trương Chi bộ và nhân dân cùng làm, thôn mình đã thành công rồi. Tháng 8 năm 2011, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã đi thị sát các cơ sở khai thác cát và cao lanh đã xử lý một số tổ hợp không tuân thủ việc bảo vệ môi trường. Nhưng các tổ chức ấy chỉ chấp hành được vài ngày. Tết Nhâm Thìn năm nay, không biết lấy nước đâu ra để sinh hoạt. Cấp trên đã… “đánh trống bỏ dùi”. Không thể để dòng suối nơi mình đang sống bị bức tử. Lần này, thôn chúng ta thực hiện chủ trương Chi bộ và nhân dân cùng làm như chuyện xây dựng cây cầu vừa rồi, với mục đích trả lại dòng nước trong xanh cho bà con sử dụng và tưới tiêu hàng ngàn mẫu trà, cà phê của dân hai bên bờ suối, không biết có làm được không?” - Anh Đặng Văn Phiên, Đỗ Quang Bắc và anh Trần Nam Thành, những cựu chiến binh thôn 2 nói.

Ghi chép: Trần Đại