“Của để dành” trong nhà nông

11:01, 02/01/2012

Làm giàu của cải vật chất đã khó, làm giàu vốn tri thức càng khó hơn! Xu hướng hiện nay trong các gia đình nông dân có bao nhiêu tích lũy đều đầu tư vào việc học của con cái...

Làm giàu của cải vật chất đã khó, làm giàu vốn tri thức càng khó hơn! Xu hướng hiện nay trong các gia đình nông dân có bao nhiêu tích lũy đều đầu tư vào việc học của con cái. Đó là cách đầu tư thông minh không chỉ cho con có kiến thức để đổi đời mà kỳ vọng cho các thế hệ sau này thoát khỏi nghiệp nông gia. Xã hội hướng đến nền kinh tế tri thức như vậy chăng?

Chị Nguyễn Thị Phụ (bên phải sang) ở thị trấn Đạm Ri (Đạ Huoai) trò chuyện với cán bộ phụ nữ về chuyện nuôi heo đất tiết kiệm để gởi cho con đi học ở xa.
Chị Nguyễn Thị Phụ (bên phải sang) ở thị trấn Đạm Ri (Đạ Huoai) trò chuyện với cán bộ phụ nữ về chuyện nuôi heo đất tiết kiệm để gởi cho con đi học ở xa.

Những đứa con là vốn quý nhất trong các gia đình hiếu học mà chúng tôi gặp ở khắp dải đất Nam Tây Nguyên. Đến nỗi một chị đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình thốt lên: “Em có thấy không, sao nhiều gia đình nghèo đều có con học đại học cả!”. Tôi cắc cớ bảo: “Vì nuôi con đi học cho nên họ mới nghèo!”. Đó không chỉ là cảm nhận chủ quan mà nhận định trên thực tế chúng tôi vừa trải qua chuyến khảo sát đời sống trong các gia đình hội viên phụ nữ.
 
Nghe cán bộ địa phương nói những đứa con của gia đình chị Lê Thị Trung và anh Lê Hữu Đông ở tổ 2, thôn 3, xã Đoàn Kết - huyện Đạ Huoai học giỏi có tiếng nên chúng tôi nhiệt tình đến thăm nhà. Ấn tượng ban đầu vợ chồng chị Trung ngần ngại không dám mời khách vào nhà, căn nhà phên liếp tạm bợ. Chẳng nề hà gì chúng tôi ra thẳng chuồng bò bên cạnh để tác nghiệp. Ban đầu là những câu hỏi về đời sống và nhận được câu trả lời ậm ờ cho xong chuyện, nhưng khi chúng tôi hỏi về con cái thì niềm vui hiện ra mặt và giọng nói của hai anh chị phấn chấn hẳn lên. Chị Trung cho biết: “Nhà tôi có 4 đứa con (1 gái, 3 trai) chúng đều đi học cả. Hai đứa đang học ở TP.HCM: Con gái đầu học năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế, đứa em trai kề học Đại học Bách khoa năm thứ hai; còn 2 đứa đang học lớp 11 và 12 cùng đạp xe ra tận thị trấn Đạm Ri để học. Chi phí nhà tiết kiệm lắm hàng tháng gởi xuống 3 triệu đồng cho hai con ăn học. Nhờ vay vốn học sinh –sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng/năm/sinh viên nên cũng đỡ bớt khó khăn”.

Gia đình chị Trung, anh Đông thuộc diện hộ nghèo, từ Nghệ An vào lập nghiệp ở xã Đoàn Kết vào năm 2003 nên còn vất vả, có bao nhiêu vốn liếng anh chị đầu tư vào mua đất canh tác và lo chi phí ăn học cho con. Hiện anh chị Trung có 3 ha trồng cao su, tiêu, điều. Trong đó, chỉ có 1 ha điều mới cho thu hoạch, còn lại 1.100 gốc cao su năm thứ ba. Chị Trung chỉ vào chuồng heo bỏ trống bên cạnh than thở rằng trước đây có nuôi heo cả chục con nhưng qua mấy đợt dịch tai xanh, heo bị bệnh chết phải đào hố chôn, tiếc lắm nên thôi đành bỏ hoang chuồng trại không nuôi heo nữa. Anh chị nhận nuôi bò của dự án Heifer, bò mẹ đã đẻ được một con bê chuyển giao cho hộ khác và anh chị được giữ lại bò mẹ. Chị Trung khoe rằng: “Bò này đã thuộc về gia đình, chờ nó đẻ lứa sau có thể bán để có tiền cho con ăn học”.  

Nhà chị Nguyễn Thị Phụ ở khu phố 8, thị trấn Đạm Ri –huyện Đạ Huoai nằm khuất trong vườn cao su cũng nhỏ bé đơn sơ, hoàn cảnh của hộ nghèo. Ấy vậy mà đọc tấm bằng khen treo trang trọng mới biết chủ nhân căn nhà anh Lâm Nhụy Hải từng là nông dân sản xuất giỏi của huyện có thành tích đi đầu trồng cao su, chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2005 -2010. Nhưng 4 ha trồng cao su, điều chưa cho thu hoạch nên gia đình anh chị vẫn cứ nghèo. Chị Phụ hàng ngày đi làm cỏ mướn để có thu nhập cho gia đình. Cả 3 đứa con đều đi học, trong đó 2 con đầu cùng đang học Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM năm thứ tư và thứ nhất và đứa con út đang học lớp 11. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, chị Phụ thực hiện nuôi heo đất tiết kiệm và tiết kiệm hết mức các khoản chi dùng để đầu tư vào việc học của con cái. Chị Phụ cho biết: “Cái gì không cần mua thì mình không mua sắm. Mỗi bữa chợ mình tiết kiệm góp 1.000 -5.000 đồng để nuôi heo đất”. Đây là năm thứ ba chị Phụ nuôi heo đất và cảm thấy an tâm khi có chút tiền tiết kiệm, hàng năm chị khui heo 1 lần. Chị kể hồn hậu: “Năm ngoái tôi khui heo đất tiết kiệm được 500 ngàn đồng, cũng có lúc khui đột xuất. Chẳng hạn khi con cái học ở xa điện thoại về cần tiền gấp mà mình không có ngay thì phải đập heo đất có 500 ngàn hay 300 ngàn đồng gởi liền xuống cho con rồi xoay sở sau”.

Ở thôn 2 xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương chúng tôi gặp chị Đinh Thị Hiền vừa làm thủ tục vay vốn cho hội viên phụ nữ nghèo được 5 triệu đồng để nuôi bò sữa. Chị đã từng có 6 năm nuôi bò sữa, từng vay 10 triệu đồng do Hội Phụ nữ tín chấp đầu tư nuôi 4 con bò sữa, nhưng rồi chị ngưng đến bây giờ mới vay vốn nuôi lại. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi có 2 con, cháu lớn học Đại học Tài chính kế toán Tp.HCM đã ra trường và 1 cháu nhỏ mới học lớp 3. Con vào đại học nhờ được vay vốn sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội được 3 đợt vay (8 triệu đồng/năm) nên con tôi mới học tới nơi tới chốn”.

Nhưng vẫn còn lời phàn nàn thắc mắc của nhiều hội viên phụ nữ thôn Đampao, xã Đạ Đờn – huyện Lâm Hà vì nhiều nhà có con học đại học mà chưa được giải quyết vay vốn chính sách xã hội dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, có trường hợp con phải bỏ trường đại học trở về nhà. Chị Trần Thị Thu Hương – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đampao cho biết ở đây có nhiều gia đình có 2-3 con đỗ đại học. Vấn đề học sinh đỗ đại học, cao đẳng không có tiền đi học, vay vốn ngân hàng không được khiến cho nhiều chị em bức xúc. Chị Dương Thị Hằng, một phụ nữ đơn thân, chồng chị đã mất cách đây 4 năm, có 4 con đều học đại học, cao đẳng (2 con học Trung cấp dược và Đại học Nông lâm Tp.HCM đã ra trường và hiện còn 2 con đang học Đại học Nông lâm) nhưng chỉ mới lần đầu tiên được vay 9 triệu đồng cho con ăn học. Gia đình ông Luân Văn Thắng cả hai vợ chồng đều trên 50 tuổi, đời sống kinh tế khó khăn nhưng 3 con vẫn cứ học giỏi và lũ lượt thi đậu đại học, đầu tiên là Luân Hải Sơn đang học Trường Đại học Y Dược Tp.HCM năm thứ ba, rồi Luân Tân Dương cũng thi đậu vào trường này đang học năm thứ nhất, em Luân Tự Lạc lại nối gót các anh vào đại học ngành Công nghệ sinh học; vậy mà gia đình chưa được vay vốn để tiếp sức cho các em đỡ vất vả trong học tập, nghiên cứu. Tương tự hoàn cảnh này là chị Ka Lan cũng than thở vì chưa được vay vốn để trang trải cho con gái Rơ Ông Phạm Ly Na đang học Đại học Tài chính Tp.HCM năm thứ hai, chị Ka Lan nghĩ có lẽ nhà chị không thuộc hộ nghèo, chỉ mới cận nghèo thôi!

Chị Kim Thị Hiền ở xã ĐạM’Ri (Bảo Lộc) nuôi heo và làm vườn nuôi 4 con vào Đại học ở Tp.HCM
Chị Kim Thị Hiền ở xã ĐạM’Ri (Bảo Lộc) nuôi heo và làm vườn nuôi 4 con vào Đại học ở Tp.HCM

Về thôn 8, xã Đạm’ri (Bảo Lộc) thăm gia đình chị Kim Thị Hiền giống như một trang trại nhỏ. Ngôi nhà nhỏ vắng vẻ chỉ có 2 vợ chồng với niềm vui hàng ngày là nuôi tằm, nuôi heo và chăm sóc vườn tược. Chị Hiền (SN 1965) nhớ lại vào năm 1985 khi vợ chồng chị rời Hà Tây vào Đạm’ri lập nghiệp làm công nhân dâu tằm vất vả, thu nhập chỉ đủ ăn. “Thời kỳ dâu tằm tơ xuống dốc, nhiều người bỏ đi nơi khác nhưng chúng tôi vẫn bám trụ đất này. Bây giờ, trong nhà thứ gì cũng có: trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi heo, trồng chè, cà phê. Khi mới vào đây đường sá không có, bây giờ cuộc sống khác xưa nhiều”. Bên cạnh chị Hiền luôn có người chồng là anh Lê Minh Tiến (SN 1962) cùng đồng lòng hợp sức nỗ lực vượt nghèo. Làm ăn tích luỹ dần để đầu tư mở rộng đất đai canh tác, đến nay gia đình anh chị Hiền có 2 ha cà phê, 4 sào chè, 4 sào dâu để nuôi tằm bình quân 1,2 tạ kén/tháng và đang nuôi 3 con heo nái, 25 con heo thịt. Với tổng thu nhập 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí đầu tư chăm bón, gia đình chị Hiền thu lãi ròng 260 triệu đồng/năm.
 
Nhà vắng vì tất cả 4 người con của gia đình chị Hiền đều đang học đại học ở Tp.HCM. Trong đó, 2 con đã ra trường có việc làm ở thành phố lớn và 2 con đang là sinh viên Đại học Bách khoa và Kinh tế. Chị Hiền cho biết: “Cao điểm là vào năm 2009, vợ chồng tôi mướt mồ hôi lo con ăn học. Đứa con út học 12 còn lại các con nối nhau học đại học, đứa con đầu học năm thứ tư, chi phí ăn học cho các con 7-8 triệu đồng/tháng”. Nhờ vay vốn học sinh, sinh viên qua kênh tín chấp của Hội Phụ nữ với Ngân hành Chính sách xã hội, gia đình chị Hiền đã giải quyết được chi phí ăn học cho các con những lúc khó khăn.

Mỗi gia đình là một câu chuyện dài. Không phải tất cả các gia đình nông dân có con vào đại học đều nghèo, nhưng phần lớn các hộ nông dân mà chúng tôi gặp đều nặng gánh ưu tư về chuyện chi phí ăn học cho con. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là cứu cánh giúp cho nhiều gia đình tiếp tục sự nghiệp đầu tư cho con cái ăn học. Khi con cái họ ăn học thành tài thì phần lớn không trở về nông thôn mà mưu sinh lập nghiệp ở các đô thị. “Của để dành” ở nông thôn lại dồn về đô thị và con đường để những sinh viên xuất thân từ các gia đình nông dân trở thành trí thức như thế đó. Người xưa vẫn nói: “Nước mắt chảy xuôi”, các bậc cha mẹ vẫn luôn dành cho con những gì tốt đẹp nhất dù nhận lại “quả ngọt hay trái đắng” thì bậc cha mẹ nào cũng cứ làm “của để dành” cho con. Nghĩ vậy, chúng tôi càng cảm phục những gia đình nông dân nghèo khó hiếu học bởi làm giàu của cải vật chất đã khó, làm giàu vốn tri thức càng khó hơn!

AN NHIÊN