Giàng Seo Cư làm dân số

03:01, 10/01/2012

Từ quê hương Lào Cai vào lập nghiệp tại xã Rô Men (Đam Rông - Lâm Đồng), bản thân anh cũng như bao người xa quê khác mong có cuộc sống ấm no hơn.

Từ quê hương Lào Cai vào lập nghiệp tại xã Rô Men (Đam Rông - Lâm Đồng), bản thân anh cũng như bao người xa quê khác mong có cuộc sống ấm no hơn.

Anh Giàng Seo Cư đưa bà con đến Trạm Y tế xã để được tư vấn KHHGĐ
Anh Giàng Seo Cư đưa bà con đến Trạm Y tế xã để được tư vấn KHHGĐ

TỰ NGUYỆN LÀM CTV

Vậy mà, nhiều gia đình ở trong thôn vẫn không thoát khỏi cái đói, cái nghèo… Đó là tâm sự của anh Giàng Seo Cư cộng tác viên (CTV) dân số thôn 5, xã Rôn Men.

Sinh năm 1987,  khi gặp anh chúng tôi thầm nghĩ chắc anh cũng ở tuổi 35 - 40, không những già theo tuổi tác mà suy nghĩ của anh cũng khác hẳn với những người cùng trang lứa trong thôn. Có lẽ anh bị ảnh hưởng bởi tính cách người bố Trưởng thôn của mình.

Anh nói: Một buổi chiều trên đường đi làm về, anh đặt cho mình một câu hỏi! Tại sao bà con mình vào đây cũng chịu khó làm nương, rẫy, chăn nuôi, thậm chí còn hơn người đồng bào tại chỗ,  mà sao vẫn không đủ ăn. Tối về anh tâm sự với bố và bố chỉ trả lời cộc lốc với hai từ “đẻ nhiều”. Từ đó, anh trăn trở, làm thế nào để  bà con trong thôn hiểu được “đông con”  là khổ, là nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo. Sau gần một tuần suy nghĩ anh tự nguyện lên gặp cán bộ xã xin làm CTV dân số.

Tuy thời gian làm CTV chưa đáng là bao, nhưng bước chân của anh đã in đậm trên mọi sườn đồi, cheo leo với từng đối tượng, đầu tiên anh tập trung vào những hộ gia đình đông con.  Không chỉ kiên trì như các chị em, mà anh còn đưa ra nhiều sáng kiến để tuyên truyền, vận động.

VỪA HỌC, VỪA VẬN ĐỘNG

Anh là người luôn chịu khó học hỏi,  có những lúc anh bỏ việc gia đình đi bộ hàng chục cây số để học hỏi kinh nghiệm những người đi trước về kỹ năng tuyên truyền cũng như kiến thức về dân số - KHHGĐ/SKSS. Bởi anh nghĩ muốn tuyên truyền vận động thì phải có kiến thức. Có được ít kinh nghiệm học hỏi từ đồng nghiệp, anh càng hăng say hơn trong việc tuyên truyền vận động, vận động mọi lúc, mọi nơi. Ngày đi làm vận động trên nương rẫy, về anh vận động theo thời gian sinh hoạt của từng hộ gia đình sau đó “khoanh vùng” hộ nào tuyên truyền vào buổi sáng thì gà gáy là anh đã dậy đi, mỗi ngày anh vận động từ 3 - 4 hộ, ngày mai tiếp tục.

Để  nâng cao kiến thức chuyên môn, anh còn bàn với vợ đăng ký đi học lớp sơ cấp Y tế thôn, bản và được vợ “ủng hộ”. Ngoài thời gian học anh dành thời gian vận động vào thứ 7 và chủ nhật. Không những thế, mà anh còn là một “thông dịch viên” cho các đoàn cấp trên mỗi khi về thôn công tác, bởi bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đa phần không biết tiếng kinh, có biết thì cũng chỉ biết những từ thông dụng sinh hoạt hàng ngày.

Do bà con không biết tiếng kinh nên công tác tuyên truyền vận động nhiều lúc cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những  đối tượng từ 40 tuổi trở lên, những đối tượng này do bất đồng ngôn ngữ nên có vận động bao nhiêu họ cũng không làm theo.

Anh Cư kể: “Sau khi mình đi học về được cấp trên giao kiêm nhiệm cả Y tế thôn, bản, công việc nhiều lắm nhưng mình luôn cố gắng. Điều mình lo nhất là mỗi lần có đoàn bác sỹ về tiêm phòng cho trẻ em hay khám bệnh cho bà con tại Trạm Y tế  xã  mà không có mình là mọi công việc khám ở Trạm Y tế phải chờ  để phiên dịch”.

 Có mặt tại Trạm Y tế xã trong những ngày triển khai Chiến dịch đợt II năm 2011, đa phần người dân trong quá trình khám và cấp phát thuốc đều phải có sự hướng dẫn tận tình của chàng trai Giàng Seo Cư, đặc biệt 100%  đều dùng chỉ tay vào mực đỏ bởi việc cầm bút ký đối với họ là điều xa lạ. Từ đó, chúng tôi mới chứng kiến được những gian nan vất vả của người CTV nam giới trẻ tuổi ở nơi vùng sâu, vùng xa này.

Sự nhiệt tình chịu khó của anh trong thời gian qua đã từng bước làm thay đổi nhận thức cũng như hành động của bà con nơi đây. Đến nay, nhiều cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên mà chưa áp dụng biện pháp tránh thai (BPTT) nào đã chủ động đến nhà anh để đăng ký áp dụng. Nhất là đối với những cặp trẻ được anh tư vấn, vận động nên họ đã ý thức được việc sinh đông con là khổ nên đã chủ động sử dụng các BPTT sau khi sinh lần đầu. Nhiều cặp vợ chồng sau khi dừng lại hai con, kinh tế gia đình có của ăn, của để đã đến nhà thầm cảm ơn anh, không những thế mà họ còn tham gia vận động cùng anh tạo nên sức lan tỏa rộng rãi.

Điều đáng quý ở anh không những vận động giỏi mà còn có tấm  lòng nhân ái với mọi người trong việc giúp công, giúp của cho những hộ nghèo trong thôn trong những lúc gặp khó khăn như: sửa chữa nhà, huy động công làm rẫy, góp gạo cho những bệnh nhân phải đi điều trị tuyến trên…

“Anh là một trong những  người đặc biệt của đội ngũ CTV trên địa bàn toàn huyện.  Trong công việc, anh ấy năng động và chịu khó lắm, đã làm việc gì là làm bằng được. Không những tuyên truyền vận động trong thôn mà anh còn vận động các thôn khác trong những lúc cao điểm diễn ra chiến dịch. Nhờ có anh nên công tác dân số ở thôn 5 bây giờ đỡ nhiều lắm”. Đó là lời tâm sư của chị Tô Thị Toàn cán bộ dân số - KHHGĐ huyện Đam Rông.

Cần lắm những người CTV dân số như anh Giàng Seo Cư để công tác dân số - KHHGĐ xã Rô Men (Đam Rông - Lâm Đồng) nói riêng và mọi miền đất nước nói chung là những bằng chứng thuyết phục nhất về trách nhiệm chia sẻ của nam giới với phụ nữ trong việc sinh đẻ, góp phần đưa công tác DS- KHHGĐ thành công bền vững, từng bước phát triển kinh tế - xã hội của Địa phương.

Chia tay anh chúng tôi không khỏi xúc động bằng những lời tâm sự cuối cùng đầy xúc động anh nói: Với mình giấy khen, bằng khen có cũng được nhưng  không gì vui bằng cuộc sống của bà con trong thôn đã biết dừng lại ở hai con để làm ăn, con cái được đến trường và cuộc sống không còn cực khổ như xưa là mừng rồi.

CÔNG NAM