Thực hiện phương châm đó nên Quỹ dành ra một khoản tiền tín dụng 60-70 triệu đồng cho các hộ nghèo vay luân phiên hai năm không tính lãi. Bằng cách này nhiều hộ đã thoát nghèo.
Cuối năm Nhâm thìn, tôi ghé Quỹ tín dụng Liên Hiệp (Đức Trọng), chị Hồng giám đốc Quỹ phấn chấn kể rằng: Cái được của Quỹ tín dụng Liên Hiệp là cho bà con nông dân nghèo cái cần câu, tức là cho vay vốn mua bò chăn nuôi không tính lãi. Tôi thắc mắc, vì tiền cho vay là tiền huy động vốn tất nhiên phải tính lãi? Chị Hồng giảng giải bởi hàng năm Quỹ Liên Hiệp có trích một khoản tiền làm từ thiện bằng xây nhà tình nghĩa, tình thương, hoặc cấp phát quà tặng cho hộ nghèo. Thay vì cho tiền quà hộ nghèo chị nghĩ ra cách: cho họ cái cần câu, chứ không cho con cá! Thực hiện phương châm đó nên Quỹ dành ra một khoản tiền tín dụng 60-70 triệu đồng cho các hộ nghèo vay luân phiên hai năm không tính lãi. Bằng cách này nhiều hộ đã thoát nghèo.
Tận tình phục vụ khách hàng |
Bằng cách nào để hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Đó là một phương pháp: “Luôn lắng nghe và thấu hiểu từng hoàn cảnh cụ thể”. Trong nhiều năm làm từ thiện vừa làm Quỹ tín dụng, chị Hồng cùng đồng sự đi sâu sát các hộ nông dân cùng cực, và rút ra chân lý: vì sao các hộ vượt qua nghèo khó, đó chính là giúp họ đồng vốn đúng lúc. Quan trọng hơn, là đồng hành cùng họ bàn phương cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Từ đó Quỹ Liên Hiệp sẵn sàng cho các hộ nghèo vay tín chấp từ 10 đến 20 triệu đồng không tính lãi trong 2 năm. Số dư nợ này cùng với dư nợ thông thường năm 2011 của Quỹ tăng lên gần 109 tỷ đồng.
Cái quan trọng nữa khi đưa đồng tiền cho hộ nghèo thì lãnh đạo, nhân viên Quỹ luôn đồng hành cùng dân, giúp họ chọn tìm ra con vật cần mua sao cho hiệu quả, còn Quỹ đưa đồng tiền cho họ phải nhận thấy hiện vật. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm từ con bò mẹ đã có hai bò con, có người gặp may mới 2 năm đã được 3 con bê, họ chỉ bán một con đã đủ tiền trả nợ cho Quỹ. Nếu là chăn nuôi heo, gà vịt thì việc khảo sát làm chuồng trại và áp dụng công nghệ chăn nuôi sao cho hiệu quả nên xem xét việc làm cụ thể, nếu không gặp sự cố nông dân sẽ không thu hồi được vốn, không trả được tiền vay. Nếu nông dân vay phục vụ cây trồng thì Quỹ cùng bà con thảo luận nên trồng cây gì, thời vụ nào sao cho đồng vốn đạt hiệu quả.
Hiện nay Quỹ đang cho 5 hộ nghèo vay theo phương thức này với tổng số tiền gần 40 triệu đồng. Trong đó xã Hiệp Thạnh 3 hộ, thị trấn Thạnh Mỹ 2 hộ. Dự kiến năm 2012, Quỹ sẽ tiếp tục cho một số hộ nghèo vay chăn nuôi bò đẻ 2 năm không tính lãi, và cho vay luân phiên, để các hộ nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ tín dụng Liên Hiệp.
Cùng với khoản tín dụng ưu đãi hộ nghèo, năm qua Quỹ tín dụng Liên Hiệp đã huy động và cho vay đến nhiều hộ sản xuất-kinh doanh đạt hiệu quả cao. Phương châm của Liên Hiệp là chú ý đến các hộ có phương pháp sản xuất-kinh doanh hiệu quả, và mức vay dưới 500 triệu đồng. Mặt khác phát triển thành viên mới, huy động vốn thường xuyên và tiền nhàn rỗi trong dân nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất.
Đến cuối năm 2011 tổng nguồn vốn của Quỹ tín dụng Liên Hiệp gần 124 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trên 89 tỷ. Tổng doanh số cho vay gần 193 tỷ, quỹ dự phòng đạt 820 triệu, tỷ lệ nợ xấu dưới mức 0,84%/tổng số dư nợ.
Trong 3 năm gần đây Quỹ tăng trưởng từ mức 20-25%, có năm tăng 30%. Trong đó vốn thường xuyên năm 2010 đạt 2,5 tỷ, sang năm 2011 tăng lên 3,284 tỷ, số thành viên tăng lên 4.320 người.
Ngoài phòng giao dịch tại Hội sở xã Liên Hiệp, Quỹ mở thêm phòng giao dịch tại xã Hiệp An (phục vụ nông dân trồng rau hoa) và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). Sau gần một năm hoạt động phòng giao dịch Thạnh Mỹ đã thu hút hàng ngàn thành viên tham gia giao dịch, vay-gởi tiền, với mức dư nợ trên 17 tỷ đồng.
Việc làm nhỏ của Quỹ tín dụng Liên Hiệp nhưng thiết thực đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Nếu mỗi công dân, mỗi tổ chức có hành động như chị Nguyễn Thị Thu Hồng và Quỹ tín dụng nhân dân Liên Hiệp ắt sẽ cứu được nhiều gia đình vượt qua nghèo khó.
PHẠM THÁI