Chạy sóng ở An Bang

09:01, 08/01/2012

(LĐ online) - Tiếp cận đảo An Bang khó khăn nhất trong quần đảo Trường Sa. Điều này được cảnh báo và lo lắng từ trước. Cuộc đổ bộ lên đảo diễn ra không khác gì “lao vào cửa mở ở chiến trường”…

(LĐ online) - Tiếp cận đảo An Bang khó khăn nhất trong quần đảo Trường Sa. Điều này được cảnh báo và lo lắng từ trước. Cuộc đổ bộ lên đảo diễn ra không khác gì “lao vào cửa mở ở chiến trường” như nhận xét của thiếu tá Dương Văn Bảy.

Đảo An Bang nhìn từ cột nhà đèn cao 24,5 m
Đảo An Bang nhìn từ cột nhà đèn cao 24,5 m

Từ loa phóng thanh, đảo phó, tham mưu trưởng, thiếu tá Đặng Ngọc Nam thông báo: “Nhiệm vụ, một: ngay bây giờ, các bộ phận đã được cắt cử yêu cầu tập trung khẩn trương ra khu vực bãi cát làm nhiệm vụ đẩy xuồng chuyển tải khiêng máy nổ vào vị trí an toàn…”. Anh chỉ huy hơn 50 người lính quần thảo với sóng, đưa người và hàng lên đảo. “Công tác tiếp nhận hàng và đón khách đoàn vào, toàn bộ chiến sỹ đã được huấn luyện kỹ rồi, huấn luyện cả trên cạn cả trên thực tế tàu xuồng. Phải chọn những cán bộ đã đi đảo nhiều lần, có nhiều kinh nghiệm. Công tác an toàn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là bắt dây xuồng trên đảo là khó khăn nhất”, anh Nam cho biết.

[links(right)]Trung tá, chính trị viên đảo Nguyễn Duy Tân cho biết thêm: Khi đặt chân lên đảo tất cả đã xác định nhiệm vụ của mình là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Vì thế, tất cả cùng vượt mọi khó khăn vật chất và tinh thần. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đón đoàn vào đảo cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, làm sao để an toàn. Ngay đầu năm tổ chức sinh hoạt, quán triệt, chọn người. 2 đồng chí bơi lặn giỏi thuộc đội “cảm tử quân”, đồng chí Đại phân đội 1 và Diệu phân đội cơ công. Lúc trên bờ chưa bắt được dây, “cảm tử quân” phải bơi ra nắm lấy hai thành xuồng giữ thăng bằng, cố giằng chiếc xuồng với sóng.

An Bang được ví là “lò vôi” vì rất nóng. Mọi thiết bị đều có điện rò rỉ do ẩm nước muối. An Bang cũng được gọi là đảo “đồng hồ”. Bãi cát dịch chuyển quanh đảo theo thời gian do chiều gió và dòng nước chảy, mỗi năm một vòng quanh đảo theo chiều kim đồng hồ và trở về vị trí cũ. Đầu năm doi cát nằm ở đông nam, tháng 5 dịch về tây nam và tháng 7 nằm phương đông bắc. Chỉ có 3 vị trí này xuồng lên xuống được đảo mà thôi.

Người có thời gian ở các đảo Trường Sa nhiều nhất là trung úy Hồ Trọng Châu, 150 tháng. Theo anh Châu, sở dĩ không có tàu thuyền nào dám mạo hiểm tiến gần bờ đảo An Bang vì bước chân ra là đã mép xanh, thềm san hô dựng, sóng đập vào dội lên mạnh. Mọi điểm bờ đảo như ngã sáu, chiều nào cũng có sóng, sóng hỗn độn. Nước rất chảy, đi xuống là sâu phải bơi luôn. Đẩy xuồng ra phải dứt khoát, đồng tâm hiệp lực, nếu không sóng xô vào xuồng đè lên người.

Sóng ở đảo An Bang có những lúc rất cao, trùm cả cột đèn chiếu sáng hơn 6m. Đã có không ít lần xuồng không thể cập đảo được. Tháng 5/2011, đoàn của tàu 957 có hơn 100 người nhưng chỉ lên đảo được hơn 10 người. “Mặc dù dùng đủ các biện pháp, cả xuồng cao su kéo 2 người một vào nhưng vẫn không thể vào được. Xuồng nghiêng gần như hết cỡ luôn, bộ đội cũng khiếp !”, anh Châu kể lại.

Với tàu của chúng tôi, chuyến xuồng thứ nhất dây không đến được anh em trên đảo. Xuồng bị sóng đánh dạt ra trôi lảo đảo trong sóng tứ phía. Rất may chưa kịp lật, anh em đảo nhanh chóng triển khai cứu. Những chuyến còn lại có kinh nghiệm hơn, cuộc “chạy sóng” diễn ra khẩn cấp, gấp gáp và căng thẳng.    
     
An Bang giống như đỉnh ngọn núi. Ở đây không thể đánh bắt được hải sản. Chiếc tàu đánh cá BĐ 96053 do anh Trần Phít neo ngoài xa, thả thuyền thúng chèo vào. Biển động, chưa thể đánh bắt cá ngừ đại dương họ tranh thủ lên đảo. Anh Phít cho biết: “Một năm nghỉ 2-3 tháng, ra khơi 12 chuyến. Hôm bão số 7, tàu về cảng Quy Nhơn, bão tan, đi ngay”. Thế mới hiểu ngư dân Việt Nam bám biển của mình như thế nào! Họ được thiếu tá Dương Văn Bảy cùng bộ đội An Bang tiếp đón ân cần và giúp đẩy thuyền ra khỏi những lưỡi sóng…

Anh Bảy vừa tiễn dân ra thì có niềm vui dâng trào. Quà của vợ anh, chị Trần Thị Lý và 2 con ở thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh... Còn trung úy chuyên nghiệp Hoàng Việt Vinh quê Mê Linh, Hà Nội, gần tròn 20 năm tuổi quân nói: “Cháu mong có một chuyến tàu ra để có người từ đất liền, được bắt tay, được chúc mừng được ôm tình cảm. Khi cháu đã công tác trên này rồi, vào đất liền rất nhớ đảo. Tiễn và đón anh em ở đảo này 4 lần rồi, lần nào cũng rơi nước mắt, muốn khóc mà không dám khóc… Cháu muốn lời chúc của cháu đến được với mọi người ở trong đất liền: luôn mạnh khỏe và hướng về Trường Sa, Trường Sa luôn hướng về đất liền…”.

17 giờ 15 phút, tàu kéo còi nhổ neo. Những ánh mắt giao nhau qua lưỡi sóng. Những cột sóng cuồng loạn, xô đẩy hãi hùng. Chiều An Bang, người trên doi cát kẻ dưới xuồng, ai cũng chung chiêng…

Chuẩn bị tiếp cận đảo An Bang trong không khí căng thẳng
Chuẩn bị tiếp cận đảo An Bang trong không khí căng thẳng
Giúp ngư dân ra thuyền
Nhảy dứt khoát và lao nhanh vào để được an toàn cho tính mạng
Nhảy dứt khoát và lao nhanh vào để được an toàn cho tính mạng
Giúp ngư dân ra thuyền

MINH ĐẠO