Neo giữa muôn trùng sóng dữ

09:01, 02/01/2012


(LĐ online) - Bộ đội Trường Sa bám trụ trên đảo gian khó, thiếu thốn nhiều thứ, khi xuống tàu say khất khư và ngột ngạt dai dẳng nhiều ngày. 15, 25 ngày…nhưng, tất cả quả cảm, đối đầu với gian nan… 
 

(LĐ online) - Bộ đội Trường Sa bám trụ trên đảo gian khó, thiếu thốn nhiều thứ, khi xuống tàu say khất khư và ngột ngạt dai dẳng nhiều ngày. 15, 25 ngày…nhưng, tất cả quả cảm, đối đầu với gian nan…  

Chao đảo giữa sóng lừng
   
[links(right)]Thượng uý Lê Thanh Phúc, thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, quê miền sơn cước Cao Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Tốt nghiệp kỹ sư điều khiển tàu biển, 33 tuổi đã 11 năm sống với biển. Trước khi tàu nổ neo thực hiện hải trình, thuyền trưởng phải bám sát hải đồ, nghiên cứu thời tiết rồi đưa các phương án cùng bàn bạc ra nghị quyết. Tất cả các bộ phận phải hoàn tất, từ hậu cần, kỹ thuật, phương tiện, đón đoàn, tiếp khách…

Phải chọn vị trí dòng và gió khử nhau mới neo tàu an toàn. Khó khăn nhất là lúc đưa người lên xuống xuồng. Nguy cơ mất an toàn rất cao. Bằng kinh nghiệm đi biển, lợi dụng cơn sóng, nhịp sóng, hướng gió, các anh hướng dẫn cụ thể cho từng người lên xuống phải tuân thủ đúng nhịp. Ngoài ra, còn sử dụng máy chắn sóng, chống sóng để xuồng đỡ lắc. Nguy hiểm nhất là biển không có sóng mặt, sóng bạc đầu mà gặp phải sóng lừng. Loại sóng này có bước sóng lớn, chìm dưới sâu bất ngờ dội ùn lên đội nghiêng xuồng. Còn sóng mặt là mặt biển trắng xoá lên, bước sóng nhỏ. Thuận lợi nhất là sóng bàn cờ trên bãi san hô. “Khi có bão, thường xuyên theo dõi sơ đồ tránh bão để tác nghiệp bằng biện pháp hợp lý. Vừa rồi bão vào gần Trường Sa, bọn em phải đưa tàu đi Đá Tây tránh mới chắc an toàn”, thuyền trưởng Phúc nói.  

Tàu Trường Sa 22 tải trọng 1 ngàn tấn. Mấy ngày thời tiết xấu, đi qua độ sâu 1.600 đến hơn 2.400 m. Cắt sóng đi, tàu chao đảo đung đưa, sóng quất lên boong cao 3-4 m. Thượng uý, chính trị viên tàu Trần Văn Huy cho biết: “Say sóng biển là khổ nhất trong các loại say, phải là người khoẻ sóng đi phục vụ, nhưng vẫn say. Say, thay nhau nằm nghỉ rồi bò dậy duy trì bữa ăn hàng ngày cho bộ đội. Anh nuôi là người có sức khoẻ, biết nấu ăn, biết chế biến món ăn cho cả người không say và người say sóng để bộ đội có sức khoẻ”. Thuyền trưởng Phúc cho biết thêm, “Đợt vừa rồi bọn em chuyển hàng vào đảo Song Tử gặp siêu bão cấp 14, 15; tuy cách tâm bão mấy trăm hải lý nhưng hoàn lưu khí quyển mạnh, sóng lớn cao 6-7 mét phủ lên tàu”.   

Con cá mập hơn 20 kg đang được kéo lên tàu
Con cá mập hơn 20 kg đang được kéo lên tàu

Lênh đênh, vất vả là thế nhưng anh em phục vụ đội mưa tập trung ra boong câu cá cải thiện cho đoàn. Thường câu được cá tầng đáy như mú, rô, lượng, hồng…, lâu lâu có cá tầng lửng như ngừ, mập. Anh Trình câu được con cá mú đen 32 kg, đến chiều câu của anh Quân Trưởng đoàn trúng cá mập hơn 20 kg. Buổi tối, cũng nhiều người bỏ ăn vì say sóng nhưng Trường Sa 22 có một bữa liên hoan vô cùng thú vị.

Thuyền trưởng Phúc cho biết, có chuyến hải trình dài đến 97 ngày, đó là lúc bảo vệ đảo. Là tàu vận tải, vừa làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu theo nhiệm vụ cấp trên giao vừa sẵn sàng, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống lũ lụt. Trường Sa 22 đã mấy lần cứu hộ, cứu nạn. Năm 2006 cứu 9 ngư dân Ninh Bình ở đảo Ngư Le. Tàu đánh cá bị chết máy trôi dạt vào bãi cạn, sơ cứu ngư dân và bảo vệ toàn bộ ngư cụ, hải sản an toàn. Lần khác, anh em cứu hộ 9 ngư dân Quảng Ngãi ở đảo Song Tử. Thường khí hậu không tốt ngư dân neo gần tàu hoặc buộc sau tàu bộ đội, được các anh hỗ trợ nước, thực phẩm.

Hai thuyền đánh cá của ngư dân neo bên tàu để tránh sóng và phòng sự cố
Hai thuyền đánh cá của ngư dân neo bên tàu để tránh sóng và phòng sự cố

Niềm vui lính đảo

Trên chuyến tàu của chúng tôi đi rất nhiều bộ đội. Võng chồng chéo khắp lối đi. Phục có sóng viễn thông, chỗ nào cũng trò chuyện với người thân qua điện thoại. Không như trên bờ, ai cũng nói to cạnh tai nhau. Do không thể đứng dậy ra boong, và âm thanh của sóng gầm ầm ào. Lẽ khác, chuyện của lính chẳng mấy ai dấu diếm làm của riêng. Nhiều nhất là nói chuyện với vợ hay người yêu. Chuyện về quan hệ họ hàng, đối nhân xử thế, động viên, thăm hỏi…Thiếu uý Nguyễn Minh Hùng quê Nghệ An trò chuyện với vợ hơn 1 giờ. Anh nhắc đi nhắc lại rằng “Cơm nhà má vợ”. Vâng, nhớ lắm, không có đâu bằng…! Rồi các anh lại tâm sự cho nhau nghe chuyện gia đình mình. Họ nhắc nhau về kinh nghiệm ứng xử với vợ, cách chia sẻ công việc với vợ khi lên bờ…

Đào Minh Vương, 24 tuổi, ở quận 9, TP. HCM, học trung cấp cơ khí đã đi làm, lương 5-6 triệu đồng/tháng nhưng xung phong đi bộ đội hải quân, nhập ngũ tháng 9/2010. Sau huấn luyện, anh được chọn ra đảo. Vương tự hào nói: “Không phải ai học xong cũng được chọn đâu. Đây là tết thứ 2 cháu không ăn tết ở nhà, lần này sẽ ăn tết tại đảo An Bang. Biết là ở đảo thiếu thốn, khó khăn nhưng đi cho biết, người ta sống được mình sống được. Đi hải quân mà không biết đảo thì phí lắm !”.
 
Còn 3 chiến sỹ: binh nhì Tuất (Thanh Hoá), trung sỹ Trưởng (Bình Thuận) và hạ sỹ Nhân (Khánh Hoà) cùng lần đầu ra đảo, cùng đảo An Bang. “Được ra đảo vui và tự hào lắm chú ạ. Mấy ngày đầu say mạnh nhưng giờ quen nên đỡ rồi”, binh nhì Tuất nói.

Đại uý Phùng Minh Dũng, sinh năm 1978, quê Gia Lâm, Hà Nội là Trưởng đảo Đá Tây lại là người được trở vào bờ sau khi hoàn thành nhiệm vụ 12 tháng. Anh tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân II, 16 năm quân ngũ, 30 tháng ở đảo. Anh kể về đảo Đá Tây bằng sự tự hào vì những tuyệt đẹp của đất nước. Đá Tây được ví là “hoàng hậu” của quần đảo Trường Sa. Đảo sầm uất như đô thị bởi là nơi đây có lòng hồ khuất gió, tàu thuyền thường xuyên vào tránh báo. Bão số 7 vừa rồi hơn 50 thuyền đánh cá của ngư dân trú ẩn. Ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có 4 tàu lớn túc trực phục vụ hàng hoá cho ngư dân. Hầu như đủ các loại hàng hoá như trên bờ và đặc biệt bán đúng giá bờ. Đêm, tiếng nói cười hồn hậu của quân và dân giữa biển khơi. Lòng hồ lung linh ánh sáng từ tàu thuyền gợi một không khí bình yên và sung túc trên chủ quyền nước Việt…

Ngày 1/1/2012, tàu chúng tôi nhổ neo đến với điểm cuối cùng của hải trình: đảo An Bang. Trời đã nắng, gió thổi nhẹ, mặt biển đang bình yên và phẳng lặng…  

MINH ĐẠO