Ở núi rừng ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp của tỉnh Lâm Đồng với Đắc Lắc, mấy chục năm trước, có một con đường khác quanh co, lẩn khuất, luôn thay đổi, dưới những tán cây rừng: Con đường hành lang giao liên nối vùng Cực Nam Trung bộ với rừng Trường Sơn mạn ba biên giới, là đoạn nối dài của đường Trường Sơn Đông.
TỪ CHUYỆN MỘT CON ĐƯỜNG
Rừng núi đại ngàn nam Tây Nguyên thâm u mà bí hiểm, dòng sông Đồng Nai uốn khúc, quanh co trong những hẻm núi, giữa những rừng sao, rừng dầu hàng trăm năm tuổi. Con đường mòn của những buôn làng bản địa quanh co, mất hút đâu đó sau những bụi cây mua, cây sim đang mùa trổ hoa, tím cả một khoảng rừng. Ở núi rừng ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp của tỉnh Lâm Đồng với Đắc Lắc, mấy chục năm trước, có một con đường khác, cũng quanh co, lẩn khuất, cũng luôn thay đổi, dưới những tán cây rừng: Con đường hành lang giao liên nối vùng Cực Nam Trung bộ với rừng Trường Sơn mạn ba biên giới, là đoạn nối dài của đường Trường Sơn Đông.
Ảnh: Ông Ba Đen. |
Cho đến cuối năm 1959, phong trào cách mạng ở vùng phía bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng cũ còn trắng, chỉ có Huyện ủy Di Linh trực thuộc Tỉnh ủy Bình Thuận chịu trách nhiệm phía nam đường 20.
Để xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng của miền Nam, Trung ương chủ trương nối dài đường Trường Sơn từ Đắc Lắc sang Lâm Đồng để phá thế cô lập của các tỉnh Cực Nam Trung bộ, vì thế các Liên tỉnh 3, Liên tỉnh 4 lúc ấy và các Khu VI, Khu X sau này, ở liền kề vùng giáp ranh đã tìm cách mở đường hành lang giao liên.
Tháng 6 năm 1960, một tổ vũ trang tuyên truyền của Đoàn B 90, do ông Tư Lạc làm tổ trưởng, thành viên có y sĩ Thời người gốc miệt Đồng Tháp, ông Định người dân tộc Stiêng, ông Ba Đen người Châu Ro, xuất phát từ Đắc Min, mở đường hành lang xuống phía nam, qua vùng của người Mnông sang vùng người Mạ, vừa đi vừa tuyên truyền vận động giác ngộ cách mạng cho các buôn làng.
Cuối tháng 8 đến được bờ sông Đồng Nai, đang mùa nước lớn, tổ vượt sông nhưng thất bại, y sĩ Thời bị lũ cuốn trôi mất tích. Phải đến tháng 10, sau khi được bổ sung thêm ông Năm Nhường, tổ công tác đã vượt sông thành công và bắt được liên lạc với đội công tác của Đoàn C200 từ Đông Nam Bộ phát triển ra, hôm đó là ngày 30/10/1960.
ĐẾN CHUYỆN CỦA NGƯỜI ĐI MỞ ĐƯỜNG
Sau khi nối thông đường liên lạc, tổ công tác để ông Ba Đen lại địa bàn bắc B’Lao; vùng Lộc Bắc, Lộc Bảo bây giờ; vận động mở vùng mở mảng, tuyên truyền giáo dục bà con dân tộc các buôn Mạ tham gia cách mạng.
Ông Ba Đen tên thật là Hoàng Minh Đỏ, nhưng bà con vùng căn cứ Bắc Lâm Đồng đã quen cách gọi thân tình, bằng bí danh của ông rồi. Quê ông vốn ở xã Bảo Chánh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa. Cách mạng tháng 8/1945, gần 20 tuổi, ông tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong rồi trở thành chiến sĩ vệ quốc quân thuộc Tiểu đoàn 320 Đông Nam Bộ.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, chỉ 5 năm sau, mùa hè năm 1959 ông tham gia Đoàn B90 do Bộ Quốc phòng thành lập, lựa chọn một số cán bộ trung kiên bí mật trở về Nam hoạt động.
Sau khi vượt sông Đồng Nai, ông Ba Đen được phân công ở lại, xây dựng địa bàn đứng chân, làm điểm nối thông hành lang Bắc - Nam, từ Đắc Lắc sang Lâm Đồng. Trải qua nhiều ngày vận động giác ngộ cách mạng cho dân các buôn, ông tổ chức được trạm giao liên đầu mối ở buôn Đinh Xiết, đặt cách bờ sông Đồng Nai khoảng 2km, giao cho ông K’Xia, cốt cán ở lại phụ trách. Sau đó, dùng địa bàn buôn B’sar Niar làm bàn đạp, chỉ trong gần ba tháng, ông Ba Đen đã mở rộng phong trào cách mạng ra được 18 trong số 19 buôn Mạ ven sông Đồng Nai, mở bến vượt sông, vận động bà con các buôn Đinh Xiết, B’sar, B’sar Niar dùng nứa, lồ ô làm hai chiếc bè qua lại sông Đồng Nai, bảo đảm an toàn cho các đoàn công tác từ Khu V vào Lâm Đồng. Đến giữa năm 1961, ông Ba Đen đã cùng đồng đội vận động được hơn 30 buôn đồng bào Mạ theo cách mạng tham gia kháng chiến, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn phía bắc B’Lao.
Từ đó, vùng căn cứ bắc Lâm Đồng là nơi che chở, nuôi dưỡng cán bộ của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Khu ủy và lực lượng vũ trang Quân khu VI, đồng thời là nơi dừng chân của những đoàn quân từ hậu phương miền Bắc chi viện vào các tỉnh Cực Nam Trung Bộ.
Sau khi lập gia đình cùng một nữ du kích ở buôn Pru, ông Ba Đen lại thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ và trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang K2 Lâm Đồng.
Ông Ba Đen kể:
- Chính tôi là người đã cho bắn quả đạn B40 vào núi đá, để thử sức công phá, tạo tin tưởng có thể phá lô cốt, bắn cháy xe tăng địch, cho cán bộ chiến sĩ vùng căn cứ, khi mới nhận được loại súng chống tăng này.
Ngày nay, con đèo cắt ngang đỉnh Lú Lùng trên tỉnh lộ ĐT 725 từ thị trấn Lộc Thắng vào Lộc Bắc, Lộc Bảo, có tên đèo B40, là nơi đã bắn thử hồi ấy.
Thời trai trẻ của ông qua mau, với hàng chục lần chiến đấu chống càn bảo vệ vùng căn cứ, nhiều trận đánh lớn nhỏ với quân Mỹ trực thăng vận, với biệt kích bí mật xâm nhập đánh nhanh rút lẹ .
Ngày giải phóng, ông phụ trách giải quyết tàn quân địch chạy từ Quảng Đức sang Lâm Đồng. Rồi về làm Huyện đội trưởng các Huyện Đội Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đạ Tẻh cho đến ngày về hưu.
VÀ NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH HÔM NAY
Gặp ông Ba Đen tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, ông già gần 90 tuổi đời, 57 tuổi Đảng, vẫn còn rắn rỏi, quắc thước, nói năng lưu loát như ngày nào.
Ông nói: Bây giờ Lộc Bảo, Lộc Bắc là quê hương rồi. Nơi này, đã gắn bó với tôi suốt mấy chục năm, nơi bà con Mạ đã cưu mang tôi trong mười mấy năm kháng chiến, nơi bà con đã tin tưởng tôi để rồi đi theo cách mạng, trung thành với Đảng cho đến bây giờ.
Lộc Bắc, Lộc Bảo bây giờ cũng đã khác xa ngày xưa, đường trải bê tông nhựa chạy ngang hai xã, thuận tiện đi Đạ Tẻh, sang Đắc Nông hay ra thị trấn Lộc Thắng. Điện đã vào tận các thôn xóm xa xôi, tối đến cả vùng lập lòe ánh điện, nhiều nhà có xe máy, có ti vi. Hệ thống nước sạch nông thôn đã được dẫn đến từng nhà. Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở ngay trung tâm khu vực, con cháu có người tốt nghiệp trung cấp, tốt nghiệp đại học rồi .
Ông kể rằng: Bây giờ hòa bình thống nhất rồi, không sợ bom đạn, chết chóc nữa, nhưng mà, đời sống của bà con dân tộc Mạ mình còn nghèo quá, kinh tế hộ gia đình phát triển chậm. Người Mạ không chuộng buôn bán, chỉ thích rừng rẫy, sống với nghề rừng, nghề nông là chính, nhưng mà vườn rẫy ít quá.
Ông bảo “Ước gì bà con có thêm đất, để phát triển trồng cây công nghiệp dài ngày, chắc chắn đời sống sẽ dần khá lên hơn nữa”.
Trong cuộc nói chuyện ông tâm sự: Người dân vùng căn cứ Bắc Lâm Đồng ngày xưa, bây giờ vẫn tràn đầy lòng yêu nước, tự lực tự cường, thường xuyên giữ vững đoàn kết, vượt khó vươn lên, làm cho vùng căn cứ xưa ngày càng khởi sắc, được sống trên quê hương đó, trong tình thương yêu và sự quí mến, tin tưởng của bà con là niềm hạnh phúc nhất của tôi rồi.
Chia tay người cựu chiến binh lớn tuổi, ấn tượng để lại trong tôi là sự mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần của ông, như cây Kơnia cứng mạnh của núi rừng nam Tây Nguyên, có lẽ chất lính đã làm nên con người ông, đưa ông đi suốt hai cuộc kháng chiến và hình thành tính cách của ông như bây giờ.
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG
Tháng 3/2012