Năm ngoái vác ba lô lên Tây Nguyên ngay đúng mùa mưa. Mùi hoang vu, rừng rú, ngai ngái cỏ cây, nồng mùi phân dê, ngựa ám cả vào những cơn mưa dai dẳng. Hoa dại nở khá nhiều dọc theo đường QL27 đoạn từ Liên Khương đi Đắk Lắk mưa như vùi xuống. Chẳng có chỗ mà núp, dốc cheo leo, mưa mờ con đường đất đỏ, tàn cây ngả nghiêng, roi trời quất vào mặt rát buốt, rét đánh răng lập cập mà lo ngay ngáy ngã nước đường rừng.
Năm ngoái vác ba lô lên Tây Nguyên ngay đúng mùa mưa. Mùi hoang vu, rừng rú, ngai ngái cỏ cây, nồng mùi phân dê, ngựa ám cả vào những cơn mưa dai dẳng. Hoa dại nở khá nhiều dọc theo đường QL27 đoạn từ Liên Khương đi Đắk Lắk mưa như vùi xuống. Chẳng có chỗ mà núp, dốc cheo leo, mưa mờ con đường đất đỏ, tàn cây ngả nghiêng, roi trời quất vào mặt rát buốt, rét đánh răng lập cập mà lo ngay ngáy ngã nước đường rừng.
Về được tới Đạ K’ Nàng - Đam Rông thì trời tối, mọi thứ sũng nước, duy có cái máy ảnh hiệu Nikon F-401s cà tàng được gói cẩn thận mấy lần bọc nilong thì còn “y nguyên”. Bạn cuống quýt nấu nước lá xông rồi xoa người bằng thứ rượu ngâm rễ cây rừng giải cảm. Thế mà đêm cơn sốt vẫn kéo về hầm hập, vòm cây nghiêng ngã xoắn nghiêng nghiến, đầu óc rầm rập tiếng vó ngựa phi nước đại ám ảnh trong mưa. Không rõ là nằm im lìm như thế bao nhiêu giờ, chỉ biết thấy mình như đi qua trảng rừng trơ trụi, lùm cây lấp xấp mọc nham nhở rồi lại đến khu rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên đám rêu xanh trên vỏ cây cổ thụ, tiếng khỉ léo xéo, tiếng gầm của chúa rừng, tiếng suối róc rách cùng làn nước chảy qua cơ thể trinh nguyên của sơn nữ rồi suối quặn thắt, suối chết, thôn Đạ Mun run rẩy…. Khi tỉnh dậy chẳng biết là ngày hay đêm, chỉ thấy ập vào mắt ánh lửa bập bùng, ánh sáng đỏ hắt từ dốc núi. Khuôn mặt mừng rỡ của vợ chồng anh bạn như áp sát mặt thì thầm: “Ngã nước Tây Nguyên một lần không dám lên lần sau nhá!”. Mệt. Đuối hơi nhưng vẫn cười khì: “Sợ gì ngã nước, chỉ sợ ông bà thấy phiền tống khứ người vùng biển này ra khỏi rừng thôi”. Chén cháo gạo rang cháy húp được đôi muỗng, người đã tứa mồ hôi nhẹ nhõm. Người phụ nữ miền sơn cước đôi mắt to trong như buổi sáng nhìn từ đỉnh núi, hơi thở nồng cỏ cây, làn da cháy màu mùa hạ lại xoa lên cơ thể tôi thứ rượu ngâm rễ cây. Lại ngủ, nhưng là giấc ngủ êm đềm trong tiếng lép bép của củi chưa thật khô, tứa khói cay cay.
Gian nan đường đến trường |
Mấy ngày sau thì lại sức, có lẽ vì những nồi cháo nấu với gà ác cùng lá ngải cứu đã cho một đứa “nắng không ưa, mưa không chịu” mỏng lét như tàu lá chuối mập lên trông thấy. Những ai từng ở Tây Nguyên mùa mưa mới biết mưa rừng ác liệt như thế nào. Có lúc muốn bứng nguyên căn nhà gỗ của bạn tôi quẳng đi nơi khác. Nước từ núi đổ xuống đỏ lừ như nhuộm ánh mặt trời. Ngớt mưa, lại lội rừng vác máy ảnh đến khu định cư thôn 1, xã Liên Sơn, Đam Rông tìm núi Hòn Nga (1.948m) mờ xa, thăm con suối Đak R'sal chảy về phía Đak Lak rồi hợp lưu với sông Krông Nô để xóa tan về dòng suối chết nhìn thấy thôn Đạ Mun. Thời gian còn lại tôi nhờ bạn giới thiệu với thôn trưởng dạy lớp học tình thương có cái tên cũng rất thương “Gạo nương”.
Huyện Đam Rông nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, người dân ở đây chủ yếu là người Cill, một nhánh của dân tộc K’Ho (dân tộc K’Ho có 2 nhánh chủ yếu là người Cill và người Lạch) và một bộ phận người M'Nông. Chưa rõ có bao nhiêu trường lớp trên đất nước ta, nhưng tôi đồ rằng không có lớp học nào đặc biệt như lớp học tôi dạy vào mùa mưa năm 2011. Lớp học là cái lán đi rừng do “lâm tặc” bỏ đi được sửa lại, bàn ghế được đóng bằng mấy tấm ván xấu bị vất đi, góc lớp là lò than đá cùng mấy cái xoong mốc meo. Cô trò mang theo bật lửa, túm gạo, muối, rau rừng có sẵn, nấu ăn trưa lót bụng học cả ngày. Lớp có 7 em thì 5 lớp khác nhau. Bạn tôi kể: “Cả thôn này có mấy đứa ra xã học thôi. Trẻ con theo người lớn lăn trên rừng trên rẫy mà sống. Cũng có mấy thầy cô về thôn dạy một thời gian rồi cũng bỏ đi. Tui mở lớp này dạy được cũng năm năm rồi. Có bao nhiêu chữ dạy bấy nhiêu. Hy vọng có đứa hay chữ nên tài”.
Buổi đầu lên lớp đầy ắp xúc cảm chỉ có các em ngơ ngác nhìn cô giáo dưới xuôi lên rừng tóc dài, guốc cao, ăngtani gọn gàng, giọng nói thánh thót như chim rừng (ấy là cu Bưng kể lại với bạn tôi như vậy). Thương không kể xiết khi cơn thèm chữ hiện rõ lên đôi mắt lấp lánh của từng em. Cánh chim non đại ngàn muốn bay khỏi cánh rừng này để đến chân trời phía sau rặng núi kia, cánh rừng nọ. Tiết dạy khá vất vả cho từng em từng trình độ khác nhau, rất may các em đều có thể hiểu và nói được tiếng Kinh. Cũng lao xao như bầy chim nhỏ, ríu rít đọc bài, làm toán chộn rộn. Lại mưa, lán vặn vẹo. Thằng bé lớn nhất thấy cô giáo so người lại cười nói: “Mưa lớn thế không sập lán được đâu. Quen rồi thì không sợ nữa. Chỉ có cô giáo dưới xuôi sợ mưa bỏ thôn, bỏ lớp thôi…”. Nó nhanh nhẹn chắn mấy tấm gỗ quanh bếp thổi than đun cơm, nắm rau nhíp, tàu bay đã hái từ sớm làm canh, có ít đậu phộng kho mặn ăn với cơm trắng. Bữa cơm ngay trong rừng giữa mưa mới ấm áp, ngon lành làm sao, thể như giông gió ngoài kia cứ vần vũ ghen thèm với mấy cô trò. “Sau này lớn em thành người gác rừng cô ạ. Không cho ai phá cái rừng, phá suối của chúng em” - thằng bé nhất lớp dõng dạc nói. Ước mơ giản dị mà thật lớn lao, như tia nắng ấm áp bừng sáng lên sau cơn mưa rừng vừa tan. Những cái tên khó đọc chính xác: Ngọ Văn Xá, Kon Sơ Ha Brưm, Phi Siêng, Ha Brem… để dễ nhớ tôi đặt cho các em những cái tên rất ngộ nghĩnh: Chim gáy, chim sẻ, lá nhíp, măng rừng… các em tỏ vẻ rất thích thú, khi cô giáo gọi cười nhe răng sún.
Mùa mưa chưa dứt nhưng tôi phải về với biển, với học sinh đang chờ tôi nơi ấy. Vợ chồng anh bạn cùng lũ trẻ tiễn tôi mấy đoạn đường rừng gởi theo gùi măng khô, lá nhíp tươi. Ghé thăm Trường THCS Đạ K’ Nàng, anh bạn hồi sinh viên Âu Văn Nghị đang làm hiệu trưởng, bạn mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên như lần đầu tiên thấy “vật thể lạ”. Trách nhẹ vài câu, rồi vồn vã cơm nước, kể chuyện nhau nghe. Chuyện trên rừng, dưới biển thầy cô giáo đối mặt với cái khó để giữ trẻ đến trường như thế nào. Ở Đam Rông, nhiều khi chẳng sợ đói, rét dù đường xuống chợ xa và chiếc xe máy bán các vật dụng leo dốc chỉ đến duy nhất một giờ cố định trong ngày nếu ra chậm cả ngày chẳng có đồ tươi, hay mưa ròng rã mấy ngày thì rau rừng cơm trắng và muối là thức ăn chính… Mà điều đáng sợ là sáng hôm sau lớp học không có em nào. Dường như trẻ con trong thôn đã bị đại ngàn nuốt chửng. Lại trèo đèo, lội suối, an ủi, tỉ tê bà con cho trẻ đến trường…. Có học sinh rồi mới có trường, có lớp, có thầy cô.
Lại mưa, bếp lửa hồng tí tách. Giấc ngủ không ám ảnh những khu rừng trơ khấc, dòng suối chết, dân đào vàng tứ xứ băm nát Đam Rông nữa mà chỉ thấy đôi mắt học trò trong veo, lớp học trong lán bỏ trống của lâm tặc và bữa cơm trong cơn mưa.
Nhớ! Nhớ! Nhớ lắm… lớp học “Gạo nương” của tôi cùng những cái học trò nơi rừng rú mang giấc mơ được “đục đá kê cao quê hương” *.
Bút ký: NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ
*Ý thơ của Y Phương.