Ở thôn 2, xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc), nhiều người biết đến căn nhà 1 tầng làm bằng gỗ 40 tuổi đã ngả màu theo thời gian và những cây si xếp hạng đại thụ của gia đình ông Hà Được. Hình ảnh cây si tỏa bóng ven bờ suối không còn được xem là cây rừng bình thường mà là những kỷ niệm đã ăn sâu vào ký ức dân làng. Trong thôn xóm, mỗi lần các nam thanh, nữ tú thành hôn thường dẫn nhau đến gốc cây si để chụp vài tấm ảnh, để nhớ một thời hò hẹn. Cây si nhà ông Hà Được bỗng nhiên trở thành “nhân chứng” cho hàng chục đôi vợ chồng mới, những người đã từng sử dụng tán cây cổ thụ làm nền cho tấm ảnh cưới, đều ăn nên làm ra, sống bên nhau trọn đời.
Ở thôn 2, xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc), nhiều người biết đến căn nhà 1 tầng làm bằng gỗ 40 tuổi đã ngả màu theo thời gian và những cây si xếp hạng đại thụ của gia đình ông Hà Được. Hình ảnh cây si tỏa bóng ven bờ suối không còn được xem là cây rừng bình thường mà là những kỷ niệm đã ăn sâu vào ký ức dân làng. Trong thôn xóm, mỗi lần các nam thanh, nữ tú thành hôn thường dẫn nhau đến gốc cây si để chụp vài tấm ảnh, để nhớ một thời hò hẹn. Cây si nhà ông Hà Được bỗng nhiên trở thành “nhân chứng” cho hàng chục đôi vợ chồng mới, những người đã từng sử dụng tán cây cổ thụ làm nền cho tấm ảnh cưới, đều ăn nên làm ra, sống bên nhau trọn đời.
Căn nhà gỗ của ông Hà Được. |
Ông Hà Được cho biết, vào đầu những năm 30, người Pháp đã khai phá và trồng 40 ha chè tại khu Đại Lào có phần nằm trên đất nhà ông. Trong quá trình khai hoang, các phu đồn điền đã chừa lại cây si già cho những người làm công trú nắng. Đến năm 1952 cây cổ thụ này đã bị người làm rừng đốn ngã. Sau đó, 6 cây con đâm chồi từ gốc cây mẹ đến tận bây giờ. Ông Được dân gốc Bình Định vào định cư tại Bảo Lộc từ năm 1964. Đến năm 1976, ông chuyển vợ con về Đại Lào lập nghiệp và sở hữu hàng cây cùng chung một gốc trong vườn nhà. Hiện nay, chòm cây đã trở thành đại thụ, tỏa bóng mát rộng đến gần 500m2 nằm dưới chân đồi, suốt ngày lộng gió. Giống như các loại cây si khác, trên thân cây từng chòm dây rủ xuống đan xen vào nhau như chiếc võng của trời. Gần 40 năm, người và cây trong gia đình cùng tồn tại, đầy ắp những kỷ niệm buồn vui.
Những năm gần đây, mức sống của dân Bảo Lộc khá hơn, một số người có mức thu nhập khá, thường đi săn lùng các loại cây si xanh hoặc cây si đỏ mua về trồng trước nhà để biểu hiện sự bề thế của gia chủ và chòm cây nhà ông cũng nằm trong “tầm ngắm” của họ. Hàng tuần, không ít “đại gia” đến vườn ông nhìn ngắm và có người đã ngã giá mua đến 240 triệu đồng, nhưng ông vẫn từ chối.
Cây si 60 tuổi. |
Căn nhà gỗ 1 tầng của gia đình ông nằm cạnh cây si làm bằng gỗ kiền, sao và dổi trị giá 5.000 đồng vào năm 1976, đến nay đã phủ màu gió bụi của thời gian nhưng vẫn còn đậm nét hoài cổ, còn ghi dấu sự thăng trầm của một đời người, một gia tộc sống ở giữa rừng. Năm đứa con ông từ ngôi nhà này lớn lên song hành với bóng cây, đã trưởng thành có công việc ổn định. Các con muốn ông bán ngôi nhà gỗ cũ với hàng cây cổ thụ và góp thêm tiền để xây dựng một ngôi nhà từ đường bề thế của dòng họ Hà.
Nhân ngày họp mặt gia đình đầu năm, cũng là kỷ niệm cây si xanh tròn 60 tuổi, ông đã tâm sự với các con: Ngôi nhà chúng ta đang ở, không ảnh hưởng mỹ quan của thành phố. Tuy chỉ là căn nhà gỗ bình thường nhưng lại là kỷ niệm, là hình ảnh của gần chục con người sống chung quây quần bên nhau sớm tối 40 năm.
Cũng như 6 gốc cây si xanh, nơi các con lớn lên sớm chiều theo năm tháng. Bán đi căn nhà và bóng cây xanh đồng nghĩa bán đi phần hồn của người và đất, cho dù ngôi nhà mới có đẹp hơn hay bề thế hơn, nhưng nhìn ngôi nhà gạch đá sang trọng ấy cũng không thể tìm được ký ức đời người. Tiền có thể làm ra, nhưng kỷ niệm cả một thời thơ ấu không dễ gì tìm lại được. Mai này, các con tìm đâu ra ký ức tuổi thơ, nơi một thời người và cây cùng nhau tồn tại…
Hàng cây si xanh 60 tuổi trong vườn nhà ông Hà Được vẫn vươn lên từ gốc cây mẹ vào đầu thế kỷ 20 tỏa bóng mát che chở con người. Ông và cây đã trở thành cây cao bóng cả của gia tộc mình.
TRẦN ĐẠI