Dạy nghề phải gắn với nhu cầu của nông dân

04:12, 05/12/2012

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh, có trên 85% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề.

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh, có trên 85% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề. Dạy nghề tiếp tục gắn với nhu cầu của nông dân và các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó, nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập, giảm thời gian nông nhàn, góp phần phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Sau khi học nghề, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định
Sau khi học nghề, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định


Từ năm 2010 đến tháng 10/2012, các huyện, thành phố đã tổ chức được 714 lớp nghề tại 111/118 xã trong tỉnh cho hơn 20.000 học viên, trong đó, có trên 18.000 học viên tốt nghiệp 24 nghề khác nhau thuộc 3 nhóm ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Đây là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của nhiều nông dân và thực tế địa phương. Theo kết quả điều tra nhu cầu học nghề được Sở LĐ – TB & XH phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương và Cục Thống kê điều tra chọn mẫu nhu cầu học nghề của 6.000 hộ nông dân tại 44 thôn thuộc 12 xã của 12 huyện, thành phố thì có 51% số hộ nông dân có nhu cầu học nghề và có 52 nghề được lao động nông thôn đăng ký học, trong đó, các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 58% nhu cầu, các nghề công nghiệp – xây dựng chiếm 25% và dịch vụ 17%. Điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của một địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như Lâm Đồng. Chính vì vậy, các lớp nghề nông nghiệp như trồng và chăm sóc cà phê, trồng rừng, nuôi cá, trồng nấm, trồng rau hoa công nghệ cao, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc gia cầm, thú y… có số học viên tham gia nhiều nhất với 12.377/20.262 học viên, chiếm 66% học viên tốt nghiệp. Trong nhóm nghề nông nghiệp, nghề trồng và chăm sóc cà phê có số học viên đông nhất, chiếm khoảng 1/4 người học. Các lớp nghề này được tổ chức tại các địa phương có diện tích cà phê lớn như Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương… Các lớp nghề nuôi cá nước ngọt, trồng rừng được tổ chức tại huyện Đam Rông, nhằm hỗ trợ các mô hình kinh tế hộ theo Chương trình 30a của huyện. Thời gian học mỗi lớp nghề nông nghiệp từ 1 tuần đến 3 tháng và thường thực hiện một công việc cụ thể như trồng rừng, hướng dẫn chăm sóc cà phê… ngay trên chính ruộng vườn, nên đại bộ phận người học đều áp dụng ngay các kiến thức, kỹ năng được học vào công việc.

Đối với nhóm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng như thợ nề, đan mây tre, đan bàn ghế bằng dây ni-lon, dệt len, móc len, thêu, kết cườm, may công nghiệp… có khoảng 4.800 học viên tham gia, chiếm 25,9% học viên tốt nghiệp. Phần lớn người học nghề để nhận hàng gia công của các doanh nghiệp, hình thành nhóm sản xuất tại nhà như nghề thêu, dệt, móc len, kết cườm, đan mây tre, đan ni-lon ở Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Nghề xây dựng với 120 học viên để cung ứng cho các doanh nghiệp đang xây dựng thuỷ điện, các công trình khác tại huyện Đam Rông. Việc làm và thu nhập từ các nghề trên khá ổn định, nhiều người sau khi học nghề đã có được một công việc của riêng mình. Đối với nhóm nghề dịch vụ như sửa chữa – vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy… có khoảng 1.500 học viên tốt nghiệp, chiếm 8,1%. Học viên tham gia học nghề này chủ yếu để thi lấy giấy phép lái xe máy cày, mở tiệm hoặc làm thợ phụ cho các tiệm sửa xe máy để học thêm.

Kết quả của việc dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của nông dân đã thu hút được số đông lao động nông thôn tham gia học nghề. Những người học các nhóm nghề nông nghiệp như chăm sóc cà phê, trồng rau hoa, nuôi cá nước ngọt, trồng nấm… đều áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học để giảm chi phí vật tư, phân bón, nước tưới, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, nhiều người đã mạnh dạn tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhà lưới… Các ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn như sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa điện gia đình đã góp phần bảo đảm việc làm cho hàng trăm thanh niên ở huyện Di Linh, Lâm Hà. Hàng ngàn chị em phụ nữ, người khuyết tật ở nhiều địa phương sau khi học nghề đan mây tre, thêu, móc áo len, mũ len… đã nhận hàng gia công của các doanh nghiệp, hợp tác xã và có thu nhập ổn định, bình quân từ 30 – 80 ngàn đồng/ngày. “Để Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Lao động sẽ xây dựng danh mục các nghề cần tập trung đào tạo cho lao động nông thôn, đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị đào tạo biên soạn mới và chỉnh sửa các chương trình đào tạo hiện có phù hợp với nhu cầu của người học. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền mục đích của đề án và đẩy mạnh tư vấn học nghề đến tận thôn, xã nhằm gắn dạy nghề với nâng cao chất lượng việc làm cho lao động nông thôn”, ông Ngô Hữu Hay – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB & XH cho biết.

Tuấn Hương