Có không ít thiết bị phục vụ dạy học không thể tìm đâu được ở ngoài thị trường. Sau những năm đứng trên bục giảng, nhiều thầy cô giáo đã nghĩ ra cách làm các đồ dùng dạy học đầy độc đáo nhằm giúp học sinh hiểu về bài giảng của mình hơn.
Có không ít thiết bị phục vụ dạy học không thể tìm đâu được ở ngoài thị trường. Sau những năm đứng trên bục giảng, nhiều thầy cô giáo đã nghĩ ra cách làm các đồ dùng dạy học đầy độc đáo nhằm giúp học sinh hiểu về bài giảng của mình hơn.
Nhìn bề ngoài, mô hình “Ngôi nhà kỳ diệu” của Trường Mầm non 8 Đà Lạt giống như bao ngôi nhà bình thường khác. Nghĩa là vẫn có mái, có các ô cửa sổ nhiều màu, có vườn hoa bao quanh… Nhưng chỉ khi cô giáo Đặng Thanh Châu của trường vận hành thì đây đúng là một ngôi nhà kỳ diệu. Chỉ một ngôi nhà nhưng có thể dùng để dạy cho rất nhiều hoạt động trong trường mầm non “đến 6 hoạt động” - cô giải thích. Trước nhất là hoạt động “làm quen với văn học”, với các câu chuyện kể nhân vật là các con vật ngộ nghĩnh được vẽ trong các bức tranh xếp lớp bên trong nhà. Khi kể cho các cháu nghe các câu chuyện, kể đến chuyện nào cô giáo nhẹ nhàng kéo các bức tranh theo chủ đề đó ra, tranh sẽ chạy trên đường ray nhỏ kéo theo các con vật (rối) trông rất sinh động. Khi cho các cháu làm quen với toán, cô có thể vận hành các ô xếp trong nhà để các cháu có thể tự đếm. Phía sau ngôi nhà có các ô cửa bí mật để các cháu chơi trò chơi khám phá, có gắn cả chuông khi cô giáo đặt câu đố, cháu nào nhanh tay bấm nút thì đèn sẽ đỏ, chuông reo. Tiện nhất là ngôi nhà mô hình này khá nhẹ, có thể di chuyển được, cứ đến giờ dạy các cô giáo có thể đưa về lớp như một giáo cụ trực quan đầy sinh động “Đây là công trình của tập thể các cô giáo trong trường nghĩ ra sau bao năm đi dạy. Trường nhờ thợ mộc đến đóng, chỉ tốn vài triệu đồng, nhưng hết sức hiệu quả, các cháu rất thích” - cô Châu cho biết. Ngôi nhà kỳ diệu này đã được sử dụng tại Trường Mầm non 8 trong vài năm nay, được cải tiến dần, nên khi mang đến cuộc thi thiết bị đồ dùng dạy học tự làm toàn tỉnh do ngành GD Lâm Đồng tổ chức vừa qua, nó đã dễ dàng chiếm ngay giải nhất ở khối mầm non.
Cô giáo Trần Thị Thanh Tâm với bộ đồ dùng giảng dạy thể dục đa năng của Trường Tiểu học Liên Đầm 1, Di Linh |
Tương tự, một đồ dùng dạy học cũng chiếm giải nhất khối tiểu học tại hội thi cũng được tập thể giáo viên Trường Tiểu học Liên Đầm 1, Di Linh nghĩ ra, thuê người làm, đưa vào sử dụng giảng dạy 5 năm nay, cải tiến dần trước khi đem dự thi. Đó là bộ đồ dùng giảng dạy thể dục, có giá đỡ đa năng, có các dụng cụ giảng dạy thể dục từ lớp 1 đến lớp 5, có rổ đựng bóng cho chơi bóng rổ, có thanh ngang dùng cho nhảy cao, có nhiều trò chơi vận động cho học sinh. Toàn bộ thiết bị được lắp trên giá đỡ, có bánh xe di chuyển, trời mưa có thể đưa vào trong nhà giảng dạy. “Xuất phát từ nhu cầu thực tế, ngoài thị trường không có bán nên chúng tôi phải tự làm. Lúc đầu thiết bị này cũng đơn giản, nhưng cải tiến dần, cũng không đắt bao nhiêu, nhưng hiệu quả giảng dạy rất cao” - cô Trần Thị Thanh Tâm, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Tiểu học Liên Đầm 1 cho biết.
Một trong những bộ đồ dùng khá độc đáo, nhưng chẳng khó làm lắm là bộ sưu tập mẫu xương động vật có xương sống phục vụ cho việc giảng dạy môn sinh vật cấp trung học cơ sở (THCS). Đây là công trình của thầy giáo Nguyễn Văn Long, giáo viên môn Sinh vật Trường THCS Đạ K’Nàng, Đam Rông. Bộ sưu tập này gồm 5 mẫu xương của cá chép, ếch đồng, thằn lằn đuôi dài, chim bồ câu và sóc. “Đây là những con vật có sẵn tại địa phương, hầu như học sinh nào cũng biết. Làm bộ sưu tập này khá đơn giản nhưng hiệu quả. Thay vì các em chỉ nhìn vào sách hay tranh nay tận mắt thấy các bộ xương thật nên hiệu quả bài học trông thấy rõ”. Tại hội thi, bộ sưu tập của thầy Long đã chiếm giải nhất khối THCS.
Thầy giáo Nguyễn Văn Long với bộ sưu tập xương động vật của mình |
Trong khối Trung học phổ thông (THPT), cả hai cô giáo của Trường THPT Đức Trọng đều giành giải nhất của khối với những thiết bị dạy học đầy sáng tạo của mình. Đó là cô giáo Trần Thị Kiều Vân, giáo viên môn Sinh với “Mô hình lắp ráp nguyên phân giảm phân” dùng dạy trong môn Sinh cho cả 2 cấp học THCS và THPT, cùng cô giáo Phùng Thị Thu Hằng, giáo viên môn Lý với “Bộ đo đạc cảm ứng kết nối thí nghiệm cơ trong chương trình Vật lý phổ thông”. Cô Kiều Vân cho biết, trong quá trình dạy các bài học về sự vận động của nhiễm sắc thể trong kỳ phân chia tế bào trong cơ thể sinh vật, học sinh thường lúng túng vì phải học trên giấy. Còn nay với bộ mô hình này gồm 11 mô hình nhỏ, thao tác bằng tay, cô có thể chia nhóm trong lớp và tự mỗi nhóm sẽ lắp ráp các bộ nhiễm sắc thể theo yêu cầu bài học: “Hiểu đúng thì các em sẽ lắp đúng. Theo cô, ý tưởng làm cho được một bộ mô hình động như thế từ các bộ mô hình tĩnh đang bán trên thị trường đã có trong đầu cô từ rất lâu và cô dần tìm cách hiện thực hóa “Học sinh rất thú vị tích cực tham gia những giờ học có đồ dùng như thế”. Còn với cô Hằng, thiết bị tự làm của cô là một máy tính cá nhân nối mạch với bộ vi điều khiển, kết nối với các thí nghiệm cơ như con lắc lò xo, con lắc vật lý… thông qua cảm ứng. Máy tính có cài phần mềm riêng biệt do cô tự viết. Khi tiến hành các thí nghiệm, kết quả thí nghiệm sẽ hiển thị trực tiếp lên trên máy tính”. Đây là một phần trong luận văn cao học cô hoàn tất và thiết bị tự làm độc đáo này của cô đã được giải khuyến khích trong hội thi của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng trước đó.
Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, trong 258 sản phẩm dự thi của cuộc thi thiết bị đồ dùng dạy học tự làm cấp tỉnh vừa qua, đã có không ít thiết bị dự thi các sản phẩm vừa nêu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, thu hút được học sinh khi đưa vào giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Hầu hết các sản phẩm dự thi đều sử dụng các nguyên vật liệu dễ tìm, dễ làm, có tính kinh tế và có thể phổ biến trên diện rộng, có thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, chú ý phát huy tính tương tác với người học. Theo ông Huỳnh Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng: “Hội thi là cơ hội để phát hiện những ý tưởng mới trong học đường, phát huy tinh thần sáng tạo, cải tiến các thiết bị dạy và học cho phù hợp với thực tiễn; khuyến khích giáo viên và cả học sinh làm ra và sử dụng các thiết bị dạy học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy”. Sau cuộc thi cấp tỉnh với những sản phẩm độc đáo được giải thưởng trên (34 sản phẩm), ngành GD Lâm Đồng đang chuẩn bị gửi ra Hà Nội để dự thi cấp toàn quốc trong tháng 12 này.
Gia Khánh