“Giảm nghèo nhanh, bền vững” ở hai xã vùng K

03:05, 15/05/2013

Nhắc đến hai xã Tà Năng và Đa Quyn là nhắc đến vùng K một thời nổi tiếng bởi tình trạng khai thác vàng trái phép, với những băng nhóm “vàng tặc” lộng hành. Thế nhưng, có nghịch lý là xã Đa Quyn có đến 8/8 thôn đều thuộc diện nghèo, xã Tà Năng có 3/10 thôn, 1 cụm dân cư thuộc diện nghèo...

Nhắc đến hai xã Tà Năng và Đa Quyn là nhắc đến vùng K một thời nổi tiếng bởi tình trạng khai thác vàng trái phép, với những băng nhóm “vàng tặc” lộng hành. Thế nhưng, có nghịch lý là xã Đa Quyn có đến 8/8 thôn đều thuộc diện nghèo, xã Tà Năng có 3/10 thôn, 1 cụm dân cư thuộc diện nghèo. Đây là cơ sở để huyện Đức Trọng chọn xã Đa Quyn và 3 thôn của xã Tà Năng thực hiện Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Do biết cách làm ăn, một hộ đồng bào DTTS Chu Ru ở Đa Quyn đã xây dựng được nhà kiên cố 2 tầng
Do biết cách làm ăn, một hộ đồng bào DTTS Chu Ru ở Đa Quyn đã xây dựng được nhà kiên cố 2 tầng


Xã Đa Quyn được thành lập ngày 19/5/2009, trên cơ sở chia tách các thôn của xã Tà Năng, gồm có 8 thôn, với dân số 960 hộ/4.400 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm trên 95%, chủ yếu là người K’Ho tại chỗ và giãn dân từ các xã Phú Hội, N’thôn Hạ sang. Nghề sinh sống chính của người dân trong xã là sản xuất và chăn nuôi, với trên 100 ha lúa nước 1 vụ, gần 300 ha lúa nước 2 vụ, 553 ha cà phê kinh doanh và trồng mới, cùng với nghề chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm. Do xuất phát điểm quá thấp, cộng với trình độ dân trí hạn chế, phương thức canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp (lúa bình quân 4,5 tạ/sào, cà phê 2 tấn/ha), lại chịu sự chi phối của tập tục sinh hoạt lạc hậu, nên đời sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến lúc cao điểm tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 41,3%. Vì vậy, khi được chọn thực hiện Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, Đảng uỷ - UBND xã Đa Quyn đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất để giúp người dân thực sự thoát nghèo. Theo đó, các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh chiều sâu và phát triển đàn lợn nái và bò vàng địa phương. Những hộ được chọn ưu tiên đầu tiên phải là hộ phải đăng ký thoát nghèo, thực hiện đúng sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Với định hướng đó, từ năm 2009 đến nay, Đa Quyn đã đầu tư 300 triệu đồng mua cây giống cà phê cao sản hỗ trợ cho người dân phá bỏ những vườn cà phê cũ, trồng cà phê giống mới, đồng thời đầu tư trên 4,2 tỷ đồng để mua phân bón, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy tưới, bình xịt thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ… hỗ trợ cho hàng trăm lượt hộ dân có điều kiện thâm canh chiều sâu. Cùng với đó, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm lượt hộ đồng bào DTTS. Nhờ vậy, năng suất lúa nước và cà phê của một số hộ dân được đầu tư hiện đã được nâng lên một bước, với 5 tạ/sào lúa nước và gần 3 tấn/ha đối với cà phê. Đặc biệt, một số hộ dân trong xã bước đầu đã tiếp xúc với kỹ thuật trồng rau xanh thương phẩm phục vụ nhu cầu tại địa phương và trong vùng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ nguồn vốn của Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, xã Đa Quyn đã đầu tư cho hàng chục hộ dân 80 con giống bò vàng, 10 con lợn giống nái giống siêu nạc, đến nay đàn bò đã phát triển thêm được 100 con, đàn heo nái đã sinh sản hàng chục đàn heo giống nuôi lấy thịt. Ngoài ra, do ngân sách đầu tư cho Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” có hạn, nên xã chủ động vận động các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng nhiều cách làm khác nhau. Cụ thể: Xã đã đề nghị NHCSXH huyện Đức Trọng cho các hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ làm nhà ở, buôn bán nhỏ… với dư nợ trên 4 tỷ đồng, phối hợp với Phòng LĐ-TB mở các lớp dạy nghề cho thanh niên và lao động nông thôn để họ chủ động tìm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, xã đã đề nghị Ban QLRPH Tà Năng giao khoán QLBV gần 9.500 ha rừng cho 414 hộ nghèo, với mức chi trả 400.000 đồng/ha/năm. Cùng với đó, xã đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa phương tặng quà cho hộ nghèo mỗi năm 2-3 đợt, giá trị hàng trăm triệu đồng, trong đó có một số nhà hảo tâm đã tặng trên 450 triệu đồng để xây phòng học mẫu giáo và 15 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Nhờ đồng bộ các biện pháp, giải pháp “Giảm nghèo nhanh, bền vững” nói trên, nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Đa Quyn đã giảm xuống 24,36%, trong số đó có không ít hộ đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá.

Tuy gặp khó khăn hơn trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, trong tiếp thu “cái mới”, nhưng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của xã, sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng trong triển khai thực hiện Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, nên tại 3 thôn Tà Nhiên, Chiêu Krơm, Blá của xã Tà Năng thuộc diện 30a đã có 60 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 30% năm 2009, xuống còn 8,98% (106 hộ/1180 hộ). Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận của việc thực hiện Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” ở hai xã vùng K nói riêng và của các địa phương thuộc diện 30a trên địa bàn tỉnh nói chung.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, việc thực hiện chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” ở các địa bàn DTTS hiện gặp phải một số khó khăn, bất cập, đó là: Kinh phí đối ứng của người dân không có, nên chất lượng của các hạng mục, các chương trình, dự án không cao. Mặt khác, theo quy định, kinh phí hỗ trợ sản xuất từ ngân sách bình quân 10 triệu đồng/hộ/ha, nhưng trong thực tế diện tích đất sản xuất của bà con DTTS không đủ 1 ha, nên định mức kinh phí hỗ trợ bị kéo xuống, dẫn đến việc khó thoát nghèo, hoặc nguy cơ tái nghèo cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ cận nghèo hiện nay ở các địa phương thuộc diện 30a rất cao. Chẳng hạn, tại xã Tà Năng có 221 hộ/1.180 hộ, xã Đa Quyn có 251 hộ/960 hộ. Nếu không có những chính sách đầu tư hỗ trợ các hộ cận nghèo phát triển kinh tế, thì nguy cơ tỷ lệ hộ nghèo sẽ tiếp tục tăng cao, đó là chưa nói đến nguy cơ tái nghèo của một bộ phận đã thoát nghèo, nhưng thiếu bền vững.

Hoàng Kiến Giang