Giáo dục toàn diện ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm

02:05, 19/05/2013

Sau hơn một năm hoạt động dưới hình thức phân trường do chưa có cơ sở vật chất, trường lớp, đến ngày 1/1/2005, phân hiệu trường dân tộc nội trú chính thức trở thành Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm (PT DTNT)...

Sau hơn một năm hoạt động dưới hình thức phân trường do chưa có cơ sở vật chất, trường lớp, đến ngày 1/1/2005, phân hiệu trường dân tộc nội trú chính thức trở thành Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm (PT DTNT). Tuy vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm đã có những nỗ lực vươn lên phát triển khá toàn diện. Đạt được kết quả đáng ghi nhận này, trước hết do xuất phát từ nhận thức phải giáo dục toàn diện cho học sinh theo phương châm “Cho cần câu, chứ không cho con cá” của ban giám hiệu nhà trường.

Dạy và học tại Trường DTNT huyện Bảo Lâm
Dạy và học tại Trường DTNT huyện Bảo Lâm


Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm toạ lạc trên một khuôn viên rộng 1,6 ha ở trung tâm thị trấn Lộc Thắng, với cơ sở đáp ứng tương đối đủ nhu cầu dạy và học. Năm học đầu mới chia tách, toàn trường chỉ có 94 học sinh DTNT được chia thành 4 lớp của 4 khối học 6, 7, 8, 9. Sau nhiều năm vừa giảng dạy, vừa đầu tư xây dựng mở rộng trường lớp, đặc biệt là việc tạo dựng được “thương hiệu” của nhà trường, đến năm học 2012-2013, Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm đã mở rộng quy mô lên 8 lớp của 4 khối học với 262 học sinh DTNT. Cùng với 25 giáo viên đứng lớp, trường còn có 12 nhân viên phục vụ hành chính, lo cho việc ăn ở nội trú của học sinh. Với quan điểm, phải làm sao để học sinh DTTS xem trường như là ngôi nhà thân thương thứ hai, những năm qua đội ngũ giáo viên, nhân viên của Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm đã nỗ lực hết mình trong công tác giảng dạy, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của các em, thực sự trở thành người thầy giáo, cô giáo đáng kính, người bạn chân tình, người cha, người mẹ yêu thương của các em học sinh.

Xuất phát từ đặc điểm của học sinh DTTS là mọi việc đều phải chỉ bảo sâu sát, tận nơi, tận chốn, nên trong giảng dạy, đội ngũ thầy giáo, cô giáo phải giảng bài một cách cặn kẽ, chi ly, thậm chí nhiều vấn đề phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, các em mới tiếp thu được. Ngoài các giờ dạy chính khoá, thầy giáo, cô giáo còn phải phụ đạo thêm ngoài giờ đối với những học sinh chậm hiểu, hoặc đối với những môn học học sinh khó tiếp thu như công nghệ tin học, toán học, vật lý, hoá, sinh… Hàng tuần, khi chào cờ đầu tuần, những đôi bạn học giỏi, những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động đều được biểu dương trước toàn trường, trở thành những tấm gương để các học sinh khác noi gương phấn đấu vươn lên để được biểu dương, khen thưởng như các bạn có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, tu dưỡng đạo đức. Nhờ vậy, phong trào thi đua học giỏi của Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm luôn được duy trì thường xuyên, trở thành nét đẹp của nhà trường và của học sinh. Không chỉ học kiến thức trong sách vở, các học sinh của Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm còn được học ngoài xã hội và tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá theo phương thức “học đi đôi với hành”. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho các em “về nguồn”, thắp hương tại đài nghĩa trang liệt sỹ, thăm hỏi và tặng quà cho bà mẹ VNAH, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ các học sinh nghèo vượt khó, tham gia các phong trào, các chiến dịch do Đoàn trường phát động như: Phong trào thi đua giành bông hoa học giỏi; giao lưu văn hoá, văn nghệ với các chi đoàn bạn; phong trào xanh - sạch - đẹp nhà trường, hè phố; Tiếng hát hoa phượng đỏ; Giai điệu tuổi hồng; Mùa hè xanh hoặc tham gia thi đấu thể thao trong đội tuyển của nhà trường, mang về cho huyện nhiều huy chương Vàng, huy chương Bạc, giấy khen, bằng khen… Đặc biệt, với quan điểm “Tập cho các em thói quen cho cần câu, chứ không cho con cá”, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động tăng gia sản xuất, vừa để góp phần cải thiện bữa ăn, vừa để các em hình thành thói quen sản xuất theo phương thức mới, chẳng hạn: Từ nhiều năm qua, nhà trường phân công giáo viên hướng dẫn kỹ thuật trồng rau xanh cho từng tổ, đội, lớp. Qua đó, vừa giúp các em nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc rau xanh, để khi về với gia đình, chính các em là người tuyên truyền vận động bố mẹ thay đổi tập tục lạc hậu không trồng rau xanh trong vườn, hoặc có trồng cũng không chăm sóc, vừa góp phần tiết kiệm tiền chợ mua thực phẩm mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

Tuy còn nhiều việc phải làm trong các năm học tới, nhưng theo ông Nguyễn Ry - Hiệu trưởng thì những năm học qua Trường PT DTNT huyện Bảo Lâm đã thực hiện được định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh. Điều đó được thể hiện rõ nét khi tỷ lệ lên lớp, chất lượng đạo đức của học sinh luôn đạt cao nhất trong hệ thống trường PT DTNT trên địa bàn tỉnh và trường được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lâm Đồng chọn xây dựng trường chuẩn vào năm 2015.

Hoàng Kiến Giang