Là huyện vùng sâu với trên 70% là học sinh người dân tộc thiểu số, lâu nay ngành Giáo dục Đam Rông đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để giữ trường học được an toàn.
Là huyện vùng sâu với trên 70% là học sinh người dân tộc thiểu số, lâu nay ngành Giáo dục Đam Rông đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để giữ trường học được an toàn.
Theo Phòng Giáo dục (GD) Đam Rông, toàn huyện hiện có khoảng 13 nghìn học sinh đang theo học tại 34 trường học trên địa bàn, gồm 8 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong số học sinh trên có khoảng 70% là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Học sinh ở vùng sâu, nên nhìn chung hiền lành, chăm chỉ, hiếm khi xảy ra chuyện bạo lực học đường. Tuy nhiên, gần đây một vài trường đã có hiện tượng học sinh kết bè nhóm, gây nhau, thách thức thầy cô giáo, cá biệt có trường hợp học sinh mang dao đến trường đâm nhau. Để ngăn ngừa tệ nạn này lan rộng, Phòng Giáo dục (GD) Đam Rông đã và đang chú trọng triển khai nhiều biện pháp khá hữu hiệu.
Bên cạnh việc tích cực phối hợp với Công an huyện để triển khai tuyên truyền định kỳ phòng chống bạo lực và ma tuý trong học đường trong năm học, Phòng còn yêu cầu các trường học trên địa bàn chú trọng đến các hoạt động giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh trường mình, đưa giáo dục pháp luật, an toàn giao thông vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt ngoại khoá. Việc tuyên truyền pháp luật trong trường học cần được thực hiện một cách sinh động, hấp dẫn, đa dạng về hình thức và nội dung để thu hút học sinh tham gia. Trên tinh thần này, đến nay nhiều trường học đã tổ chức nhiều hoạt động như thi giải quyết các tình huống pháp luật có thưởng cho học sinh; mời cán bộ tư pháp, công an đến thuyết trình tại lớp, mời các đơn vị chức năng cùng học sinh tham dự cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức thi tiểu phẩm về pháp luật cho giáo viên.
Một điểm thuận lợi trong công tác GD pháp luật tại huyện theo ông Vinh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đam Rông chính là hầu hết các trường học đã thành lập được tủ sách pháp luật để giáo viên và cả học sinh khi cần đến tìm hiểu. Nhà trường được yêu cầu tổ chức các đợt học tập cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường về pháp luật như Luật giao thông, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Công ước về quyền của trẻ em… Trường cũng được yêu cầu thực hiện tốt nếp sống văn minh ở trường học, công khai minh bạch các hoạt động của nhà trường cho giáo viên biết, thực hiện nghiêm túc qui chế dân chủ trường học.
Với học sinh, Phòng GD luôn yêu cầu các trường học tổ chức tốt việc giảng dạy và học tập môn đạo đức cho học sinh. Giáo viên trong lúc dạy cần đưa ra những dẫn chứng thực tế trong việc chấp hành pháp luật để học sinh dễ tiếp thu và có khả năng tự đề ra cách xử lý, ứng xử cho bản thân. Giáo viên cũng được yêu cầu chú ý khai thác những giờ dạy với các môn học có thể lồng ghép kiến thức pháp luật; thường xuyên đánh giá về tỷ lệ học sinh chấp hành tốt nề nếp trong lớp để điều chỉnh phương pháp GD phù hợp khi cần. Các trường học đầu năm học thường tổ chức các cuộc họp để tất cả các bậc phụ huynh học sinh có thể tham gia góp ý vào nội quy qui định của trường với mục tiêu là đưa các gia đình vào cuộc, cùng phối hợp nhà trường trong giáo dục con em mình thực hiện tốt những quy định này. Các trường học còn tổ chức cho học sinh đăng ký thực hiện tốt nề nếp nhà trường, hằng tuần đánh giá sơ kết xếp loại thi đua, biểu dương những học sinh thực hiện tốt, uốn nắn những trường hợp vi phạm.
Cùng đó, Phòng khuyến khích các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thực hiện nghiêm nề nếp học tập; yêu cầu học sinh tuân thủ các qui định về an toàn giao thông trong đi học hằng ngày. Để trường học an toàn, các trường đã tăng cường công tác quản lý, cố gắng ngăn ngừa việc học sinh mang theo hung khí, hoặc vật dụng có thể gây nguy hiểm vào lớp. Phòng yêu cầu các hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải nắm được những vụ gây nhau có tính chất nghiêm trọng trong học sinh, phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm răn đe. Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng tập thể lớp đoàn kết, sớm phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh trong học sinh để tìm giải pháp ngăn ngừa. Trong công tác chủ nhiệm, giáo viên được yêu cầu có giải pháp phát huy tính tự quản của học sinh, phối hợp với gia đình học sinh trong việc học và quản lý các em; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh có những định hướng cơ bản về chuẩn mực sống, tránh những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng và hành động không đúng.
Theo ông Vinh, nhìn chung hầu hết các trường học trên địa bàn đến nay thực hiện khá tốt các yêu cầu của Phòng, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương mình, nhất là với lực lượng công an sở tại trong việc giữ an toàn trường học. Hầu hết các trường đã chú ý xây dựng cổng trường học an toàn giao thông, phối hợp với ngành chức năng ngăn ngừa tệ nạn bên ngoài xâm nhập vào trường. Các trường học cũng đã phối hợp rất tốt với các Hội Khuyến học địa phương mình, động viên, khuyến khích các em bỏ học đi học lại, có giải pháp cụ thể để giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong học tập để các em an tâm đến trường, giúp đỡ sách vở, hỗ trợ đồ dùng học tập, cấp học bổng…
GIA KHÁNH