Hồ Than Thở sắp hết thở than

09:05, 06/05/2013

(LĐ online) - Danh thắng nổi tiếng của Đà Lạt đã chính thức được "giải cứu" khi Công ty TNHH Thuỳ Dương (đơn vị chủ đầu tư) đã "rót" 12 tỷ đồng cho việc cải tạo, nạo vét lòng hồ, qua đó trả lại vẻ đẹp ban sơ cho danh thắng đang bị xuống cấp nghiêm trọng này.

(LĐ online) - Danh thắng nổi tiếng của Đà Lạt đã chính thức được "giải cứu" khi Công ty TNHH Thuỳ Dương (đơn vị chủ đầu tư) đã "rót" 12 tỷ đồng cho việc cải tạo, nạo vét lòng hồ, qua đó trả lại vẻ đẹp ban sơ cho danh thắng đang bị xuống cấp nghiêm trọng này.

Hồ Than Thở đã tiến hành tháo nước bắt đầu cho quá trình cải tạo, nạo vé
Hồ Than Thở đã tiến hành tháo nước bắt đầu cho quá trình cải tạo, nạo vét


Không thể phủ nhận vẻ đẹp (trước đây) của hồ Than Thở, không gian "thiên đường" được tạo ra bởi thông, những triền đồi phủ đầy hoa dại và mặt nước lung linh được cộng hưởng bởi "thiên tình sử" diễm lệ "Đồi thông hai mộ", đã giúp cho hồ Than Thở trở thành "địa chỉ đỏ", thành điểm đến hấp dẫn không thể chối bỏ của mỗi du khách khi đến với Đà Lạt mộng mơ.

Nhưng thời gian, thêm vào đó là sự "thờ ơ" của chính những người trong cuộc, những người có trách nhiệm đã khiến cho bộ mặt của hồ bị biến dạng, trở nên méo mó, khiến nhiều người đã từng đến, đã cảm nhận được cái đẹp của hồ không còn có thể nhận ra. Mặt hồ bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng do bồi lắng từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của hơn 40 hộ dân có địa giới tiếp giáp xung quanh hồ và khu vực thượng lưu. Thêm vào đó, là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, rác thải sinh hoạt và chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên mặt hồ đã khiến du khách và kể cả người dân của thành phố này phải lắc đầu khi nghĩ đến cái tên hồ Than Thở. Trong nhiều năm qua, cùng với Khu du lịch thác Cam Ly, hồ Than Thở là một trong những địa chỉ gây thất vọng nhất trong các tour tìm đến.

Anh Dương Văn Mai - một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Đã từng đến đây từ 10 năm trước, lần này trở lại cùng với gia đình tôi vẫn quyết định đến hồ Than Thở bởi cảnh quan thơ mộng, hữu tình của nó. Tuy nhiên, tôi đã thực sự thất vọng bởi sự biến dạng của lòng hồ, bùn đất đã bồi lắng quá nửa diện tích mặt hồ, thêm vào đó mặt nước lại đục ngầu. Không thể tin, hồ lại bị xuống cấp nghiêm trọng đến vậy, đây là một danh thắng nổi tiếng mà cái tên đã vượt ra ngoài ranh giới của Đà Lạt và là điểm đến mơ ước, được một lần đặt chân tới với tất cả những ai chưa từng có dịp đến Đà Lạt. Vì vậy, tôi hy vọng việc cải tạo, nạo vét lòng hồ sẽ trả lại được nét đẹp ban sơ, nguyên vẹn cho hồ, để cho những ai đến đây không phải thất vọng cũng như sẽ nhớ mãi về nó".

Hồ Than Thở cần được cải tạo nhanh chóng bởi lượng bùn đất bồi lắng đã lên cao đến sát mép mặt hồ
Hồ Than Thở cần được cải tạo nhanh chóng bởi lượng bùn đất bồi lắng đã lên cao đến sát mép mặt hồ


Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND Tp.Đà Lạt đã có sự chỉ đạo quyết liệt đến Công ty TNHH Thuỳ Dương (đơn vị đang đăng ký khai thác kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây) phải khẩn trương tiến hành nạo vét, cải tạo lòng hồ để trả lại vẻ đẹp cho khu du lịch nổi tiếng này.

Công trình nạo vét, cải tạo hồ Than Thở có tổng vốn đầu tư (được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt) 12 tỷ đồng, với khối lượng nạo vét trên 38.000 m3  bùn đất và xây dựng hai hồ lắng khu vực thượng nguồn để đảm bảo điều tiết lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư, Công ty TNHH Thuỳ Dương đang tiến hành tháo nước để thực hiện việc nạo vét.

Ông Nguyễn Đình Hướng - Phó Chủ tịch UBND phường 12, Tp.Đà Lạt cho biết: "Việc nạo vét hồ Than Thở là vô cùng cấp thiết, bởi nó không chỉ góp phần cải thiện hình ảnh cho danh thắng này mà còn đảm bảo môi trường và nguồn nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong cả một khu vực rộng lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều động thái tích cực, phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công, vận động người dân tại khu vực xung quanh tạo điều kiện và sẵn sàng hợp tác để dự án được hoàn thành theo đúng tiến độ".

Theo kế hoạch, thời gian thi công để trả lại vẻ đẹp cho hồ Than Thở sẽ kéo dài trong vòng 120 ngày, đến giữa tháng 6/2013 công trình sẽ được hoàn tất. Ban quản lý khu du lịch này cho biết, trong quá trình thi công, Khu du lịch hồ Than Thở vẫn tiến hành đón khách và tổ chức các hoạt động thăm quan, du lịch phục vụ du khách bình thường.

Những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, là thời điểm Tp.Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ tiến hành tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, du lịch mang tầm quốc gia, có tính chất quốc tế như: Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển; Festival Hoa; Năm Du lịch Quốc gia về Tây Nguyên... chính những tính chất quan trọng ấy khiến việc cải tạo, nạo vét để trả lại vẻ đẹp cho hồ Than Thở càng thêm có ý nghĩa. Điều này, không chỉ là hoạt động bảo tồn danh lam thắng cảnh quốc gia mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, "thương hiệu" du lịch đẹp cho Đà Lạt - Lâm Đồng.

Người dân đã tranh thủ bắt cá khi nước hồ đang rút xuống
Người dân đã tranh thủ bắt cá khi nước hồ đang rút xuống

Tuấn Linh