Nâng cao hơn nữa chức trách và nhiệm vụ lực lượng kiểm lâm

03:05, 15/05/2013

Vậy trong thời gian qua có bao nhiêu trường hợp Kiểm lâm tham gia phá rừng, bảo kê lâm tặc được xử lý? Xử lý hành chính bao nhiêu, xử lý hình sự bao nhiêu người và Bộ trưởng có giải pháp gì mang tính đột phá để khắc phục tình trạng trên?

Những năm gần đây, trên toàn quốc có hàng trăm hecta (ha) rừng bị tàn phá do lâm tặc, do làm thuỷ điện, gây ra biết bao thảm hoạ như bão lũ, lũ quét, lũ ống, hạn hán… Nhiều vụ lâm tặc phá rừng có cả lực lượng Kiểm lâm tham gia hoặc bảo kê. Trước những bức xúc ấy, tại kỳ họp Quốc hội tháng 3 - 2013, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Vậy trong thời gian qua có bao nhiêu trường hợp Kiểm lâm tham gia phá rừng, bảo kê lâm tặc được xử lý? Xử lý hành chính bao nhiêu, xử lý hình sự bao nhiêu người và Bộ trưởng có giải pháp gì mang tính đột phá để khắc phục tình trạng trên?

Để làm sáng tỏ vấn đề trên và thể hiện động thái kiên quyết của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có văn bản trả lời với nội dung: Để kiểm tra chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng đối với lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, Bộ đã ban hành Chỉ thị 3714/CT-BNN-TCKL ngày 15-12-2011 về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm nhằm đảm bảo để lực lượng Kiểm lâm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng quy trình công tác; đồng thời ngăn chặn những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, trái pháp luật, kiên quyết loại bỏ những phần tử tiêu cực ra khỏi lực lượng Kiểm lâm. Cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch hành động số 28/KH-KL-TT&XDLL ngày 18-1-2012 về tăng cường phẩm chất, năng lực của lực lượng Kiểm lâm toàn quốc. Qua 8 tháng triển khai Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCKL đã tổ chức 62/63 hội nghị cấp tỉnh để quán triệt, phổ biến nội dung và kế hoạch hành động Chỉ thị với trên 10.000 lượt công chức tham gia. Toàn ngành đã rà soát, sắp xếp luân chuyển vị trí công tác 812 công chức, trong đó luân chuyển đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo 125 trường hợp. Về xử lý cán bộ, công chức đã tiến hành 78 trường hợp (14 trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo), hình thức kỷ luật hành chính nặng nhất là buộc thôi việc 7 trường hợp. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đang bị các cơ quan điều tra khởi tố hình sự như ở Pù Huống, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên… Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, xử lý như: Bắc Giang, Kon Tum, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Nam, Sơn La, Vĩnh Phúc, Bình Thuận… Hiện Bộ NN-PTNN đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ có những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đất nước.

Lâm Đồng là một tỉnh có tỷ lệ che phủ của rừng cao so với cả nước, những năm gần đây tuy tỉnh cũng đã có biện pháp quyết liệt quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng thế nhưng tình trạng phá rừng trái phép vẫn còn xuất hiện nhiều điểm nóng. Thiết nghĩ, ngành NN-PTNT Lâm Đồng cũng cần có những động thái tích cực để ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng; đồng thời ngành và các địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý trực tiếp lực lượng Kiểm lâm trong việc thi hành chức trách, nhiệm vụ theo Luật định.

BÌNH NGUYÊN