Từ nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân cúm A/H1N1 xuất viện

09:05, 21/05/2013

(LĐ online) - Trải qua 26 ngày điều trị do tổn thương phổi, tổn thương não, hôn mê, thở máy, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng đã xuất viện trở về như một điều thần kỳ.

(LĐ online) - Ngày 20/5, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng làm các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Nguyễn Đình Bửu (P4, Đà Lạt). Đây là ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên của Lâm Đồng trong năm nay có mức độ nặng được tiên lượng 90% tử vong. Trải qua 26 ngày điều trị do tổn thương phổi, tổn thương não, hôn mê, thở máy, bệnh nhân “từ cõi chết” trở về như một điều thần kỳ.

BS Nguyễn Xuân Tạo –Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc tóm lược quá trình điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1: Ngày 24/4 bệnh nhân nhập viện sau 1 tuần khởi bệnh sốt, ho ở nhà. Qua khám phát hiện bệnh nhân suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, xét nghiệm công thức máu cho thấy bạch cầu giảm nặng chỉ còn 2.000/7.000. Các bác sĩ hội chẩn kết luận bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm vi-rút nên chuyển sang phòng cách ly để điều trị như một ca nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm phối hợp với Trung tâm y tế Dự phòng để gởi Viện Pasteur Tp.HCM xét nghiệm cúm A/H1N1.

Bệnh viện thành lập ngay ê-kíp điều trị phòng chống dịch thông báo cho Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng. Kể từ thời điểm này, 2 bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực chống độc và 1 bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới cùng 4 điều dưỡng được cách ly điều trị cho bệnh nhân này. Các bác sĩ –điều dưỡng chia làm 2 kíp trực luân phiên từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối và từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng, điều trị thuốc đặc hiệu Tamiflu. Ngày 26/4, bệnh diễn biến nặng thêm cấp trầm trọng, phổi tổn thương nặng nề, nát cả 2 phổi, bệnh nhân rơi vào hôn mê được cho thở máy chế độ đặc biệt. Ngày 28/4, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Tp.HCM khẳng định bệnh nhân đã bị nhiễm cúm A/H1N1. 10 ngày tiếp theo, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôm mê, thở máy, được cho dùng thuốc an thần.
 

 Điều dưỡng Phạm Vĩnh Khoa nhiều ngày điều trị cách ly với bệnh nhân cúm A/H1N1, đang chăm sóc bệnh nhân trước khi cho xuất viện.
Điều dưỡng Phạm Vĩnh Khoa nhiều ngày điều trị cách ly với bệnh nhân cúm A/H1N1, đang chăm sóc bệnh nhân trước khi cho xuất viện.

Sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân được chụp CT.Scanner  kiểm tra phát hiện có tổn thương não do thiếu ô-xy. Bệnh nhân được dùng thuốc điều trị hỗ trợ não cùng với điều trị theo phác đồ cúm A/H1N1 và phác đồ điều trị bệnh phổi. Bệnh nhân được theo dõi 24/24 giờ. Ngày thứ 16 điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi. Đến ngày 12/5, bệnh nhân tỉnh lại, phục hồi dần sức khỏe, được cai máy thở.

Bác sĩ Tạo cho biết: Đây là ca nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân thở máy, tổn thương phổi cấp, tổn thương não ở các bệnh viện lớn cũng tử vong. Tập thể bác sĩ, điều dưỡng đã cố gắng và rất vui mừng đã cứu được một ca bệnh nặng. Nhờ sự phối hợp đồng bộ trong điều trị, nếu trục trặc một khâu là sẽ khó khăn ngay, thành công chính là khâu chẩn đoán sớm, điều trị đặc hiệu, bác sĩ thành thạo trong kỹ thuật vận hành máy thở…BS Nguyễn Bá Hy –Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết sẽ khen thưởng cho các y bác sĩ điều trị thành công cho bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 này vì đây là ca bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Khi chúng tôi đến thăm bệnh nhân, anh Bửu chỉ vào điều dưỡng Phạm Vĩnh Khoa khen nhiệt tình nhất. Điều dưỡng Khoa không giấu niềm vui trên gương mặt cho biết anh đã gắn bó với bệnh nhân 26 ngày, ăn ở tại bệnh viện, luôn theo dõi sát diễn biến ca bệnh. Anh bày tỏ: được phân công trong êkíp chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1, tôi cố gắng chăm sóc theo dõi bệnh nhân thường xuyên liên tục, tôi cũng như tất cả đồng nghiệp đều hết mình cho bệnh nhân chóng hồi phục.

Điều dưỡng Khoa thú thật: lúc đầu chăm sóc bệnh nhân cúm cũng sợ nhưng nhờ được tập huấn cách phòng chống dịch, các biện pháp cách ly, anh cố gắng thực hiện đúng theo hướng dẫn đảm bảo tránh lây lan bệnh dịch. Qua 7 năm công tác ở khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều dưỡng Khoa đã có kinh nghiệm trong chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1 khi bệnh viện điều động. Anh kể rằng năm ngoái anh cũng cách ly điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1 cả tháng trời cùng với nhiều ca bệnh, còn năm nay chỉ mới có 1 ca nhưng là ca nặng “thập tử nhất sinh”.

Vợ của bệnh nhân, chị Lương Thị Lệ Nguyên xúc động đến phát khóc khi thấy chồng hồi tỉnh lại và khỏe dần lên. Chị cho biết: Ngày chồng tôi nhập viện thì tôi cũng nhập viện 5 ngày do viêm phế quản, ho, sốt. Anh nằm ở phòng cách ly nên gia đình không được phép vào thăm, đành trông cậy hết vào bác sĩ. Khi nghe anh bị cúm A/H1N1, rồi anh hôn mê, thở máy, tôi rất sợ, không có một tia hy vọng nào, không nghĩ anh sẽ phục hồi. Bây giờ anh sống lại, gia đình tôi trăm ngàn lần cám ơn bác sĩ. Vào thăm thấy anh cười, tôi mừng không tưởng tượng được giống như một điều thần kỳ đã xảy ra.

An Nhiên