Năm 2012, toàn tỉnh Lâm Đồng giảm được 8.107 hộ nghèo; sau một năm, mức giảm nghèo của tỉnh đạt 30,69%, huyện Lâm Hà giảm 36,65%. Trong số 29 xã nghèo của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,2%, trong đó xã Liên Hà của Lâm Hà giảm dưới 10%...
Năm 2012, toàn tỉnh Lâm Đồng giảm được 8.107 hộ nghèo; sau một năm, mức giảm nghèo của tỉnh đạt 30,69%, huyện Lâm Hà giảm 36,65%. Trong số 29 xã nghèo của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,2%, trong đó xã Liên Hà của Lâm Hà giảm dưới 10%. Cũng năm 2012, Lâm Đồng giới thiệu được 580 người lao động ở nước ngoài (LĐNN) và huyện Lâm Hà là địa bàn điển hình thành công nhất với 162 người. Năm 2013, chỉ tiêu Lâm Đồng có 600 người LĐNN, riêng Lâm Hà phấn đấu 100 người, hiện 46 người đã và sắp xuất cảnh.
Lao động chuẩn bị xuất cảnh sang làm việc tại Nhật |
Làm cũng được mẹ ơi
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng người LĐNN cùng xuất phát trên “đường chạy” thoát nghèo. Ở thôn Tân Linh, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà hiện cả 5 người đang lao động ở Malaysia đều là dân tộc K’Ho Lạch. Điển hình là gia đình vợ chồng chị Ka Jen anh K’Brít, có 2 người con cùng đi. Cô chị Kra Jan Je sinh năm 1992 đi năm 2009, cô em Kra Jan LuSi sinh năm 1994, xuất cảnh ngày 10/3/2013. Jan Je và LuSi làm nghề sản xuất nhựa, 2 công ty nhưng thường xuyên gặp nhau. Chị Ka Jen 58 tuổi, là hộ nghèo vì đất sản xuất ít, nhà có 10 con, nay đang lo 11 miệng ăn: vợ chồng, 3 con và 6 cháu. Chị Ka Jen nói: “Anh thấy đó, nhà mình ở sát dưới suối nên sâu quá, may mà con Je nó gửi tiền về mới “kéo” được cái nhà này lên cao nơi này đấy. Mỗi tháng nó gửi về được khoảng 7 triệu đồng, còn LuSi bảo tháng tới nó gửi về. Mình cũng đầu tư mua phân, mua con cà (phê), rồi sắm được xe máy, tủ, tivi, vậy thôi… Cà phê có phân giờ tốt hơn năm trước rồi”. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nhưng gương mặt của chị Ka Jen dù còn đượm buồn vẫn toát lên niềm vui. Chị kể: Cứ chủ nhật được nghỉ làm, buổi sáng và buổi chiều, rồi thứ 3 hàng tuần tăng ca, chị em nó gọi điện thoại về qua máy di động, “đầu tiên nó đi buồn thật, bây giờ đông bạn bè nên nó vui rồi, nó nói làm cũng được mẹ ơi!...”. Thôn trưởng Tân Linh Sùng Quang Long, người dân tộc Nùng, nhiệt tình chia sẻ trăn trở: “Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn hiện còn rất cao, trong số 268 hộ còn 45 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo. Mấy hộ có người đi làm (ở nước ngoài) đời sống đỡ hơn nhiều. Ai cũng biết LĐNN là thoát được nghèo nhưng tiếc là trình độ văn hoá các cháu thấp quá anh ạ”.
Con đường đá lổn nhổn dẫn tôi vào ngôi nhà nhỏ mới xây của anh Bùi Văn Bình (63 tuổi) tổ dân phố Hoà Bình, thị trấn Đinh Văn. Con gái Bùi Thị Thu của anh là một trong 2 người đang LĐNN của huyện có độ tuổi cao nhất, 37 tuổi. Thu đi Malaixia làm được một thời gian lại quay về rồi tháng 3/2012 đi tiếp sang Nga. Biết là người có tuổi cao nhưng cô quyết chịu khó làm việc để gửi tiền về nuôi con gái học lớp 11 đang ở với ông ngoại. Anh Bình cho biết Thu đã gửi về được hơn 50 triệu đồng góp giúp cha làm căn nhà và trả được nợ anh em.
Trả vốn vay 15 năm và hơn thế…
Cũng lao động ở Nga là Trịnh Thị Ánh Hồng ở xã Tân Văn nhưng Ánh Hồng đã gửi về được 120 triệu đồng giúp ngoại nuôi con học lớp 6. “Cái Hồng nhà tôi làm được cũng khá vì tay nghề nó cứng. Cứ 2-3 ngày nó lại gọi điện về nói chuyện với tôi và cháu, nó vui lắm. Tôi cũng mừng là đã mua được mấy sào cà phê cho nó rồi”, mẹ Thu - bà Nguyễn Thị Thao vui vẻ kể. Còn anh Lê Văn Hùng, thôn Liên Hà 2, xã Liên Hà có 2 con trai là công nhân lắp ráp và tiện tại Hàn Quốc: Lê Văn Thịnh, Lê Văn Cường. “Vừa rồi suýt phải trả về vì chiến tranh nhưng giờ thì gia đình yên tâm rồi, các cháu làm ăn ổn định, lương chưa làm thêm được nhưng đều đều, nửa năm nay lương tháng bình bình thôi, 1.700-1.800 KRW (uôn)”, anh Hùng nói. Các con anh đã gửi về khoảng 500 triệu đồng mua đất cà phê…
Qua triền đồi cà phê xanh ngăn ngắt, tôi tìm đến nhà chị Đào Thị Xuân Mai thôn Chi Lăng 2, thị trấn Nam Ban. Người phụ nữ 59 tuổi này ngồi trên chiếc Honda Vision mới cóng chạy trước đon đả mời tôi vào nhà, pha trà hoan hỉ. Con gái của chị là Nguyễn Thị Kiều Nhung không đỗ đại học đã phỏng vấn đi lao động tại Nhật Bản. Làm nghề may công nghiệp, mới gần một năm mà Kiều Nhung đã “giải” được khối việc trọng đại của gia đình. Nào hỗ trợ bố mẹ nuôi 5 người con; trả xong khoản nợ ngân hàng sau 15 năm vay 10 triệu đội lên hơn 50 triệu đồng; hoàn tất thủ tục “sổ đỏ” 7.000 m2 cà phê. Nào đầu tư chăn nuôi và chăm sóc cà phê; chữa cho bố thuyên giảm bệnh hen suyễn nặng. Rồi sửa lại nhà; mua 2 xe máy hơn 50 triệu đồng và nhiều vật dụng; giúp chị dâu Nguyễn Thị Loan học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh để xuất cảnh… Người mẹ của Kiều Nhung nhiều năm làm khu phố trưởng, nay là bí thư chi bộ thôn, đôi mắt cười rạng ngời sau bao năm lận đận trải lòng: “Vui mừng lắm, bà con xung quanh cũng chúc mừng; anh em uỷ ban phấn khởi cho. Cuộc sống nhà tôi giờ hơn nhiều lắm, không nợ nần gì nữa, thoải mái đầu óc. Trung bình nó được 25 triệu đồng/tháng, gửi về hơn 200 triệu còn giữ lại. Tôi và con Nhung tối nào cũng lên mạng nói chuyện. Nó thích ở lắm. Xong hợp đồng sẽ đi tiếp. Tôi động viên nhân dân ở đây nên để con em đi, bản thân tôi cũng vận động con cái trong nhà đi tiếp…”.
Chọi từ 6 xuống 1 rưỡi
Có những niềm vui của người dân như vậy là nhờ các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ nhiệt tình của ngành LĐTB-XH tỉnh và đặc biệt sự quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền huyện Lâm Hà. Đúc rút kinh nghiệm, Lâm Hà hành động bằng nhiều giải pháp năng động, sáng tạo và đồng bộ. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết: Huyện vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tập trung đưa người đi lao động tại các thị trường có kỹ thuật tiên tiến vừa tích luỹ đồng tiền cao vừa có tay nghề vững cho người lao động về sau. Để cơ hội trúng tuyển cao, Lâm Hà sàng lọc và tư vấn ngay từ đầu về năng lực của người lao động theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sau đó, huyện liên kết với Trường Nhân lực quốc tế của Bộ LĐTB-XH tổ chức các ứng tuyển về thành phố Hồ Chí Minh học nghề, ngoại ngữ và văn hoá. Trước đây, 4-6 người phỏng vấn mới đạt được 1, thậm chí 51 người chỉ trúng 3, nhưng nay tỉ lệ chọi chỉ 1/1,5. Tháng 3 vừa rồi, Lâm Hà phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tư vấn 3 cụm tại Nam Ban, Tân Hà và Đinh Văn cho người dân 16 xã, thị trấn và trên 3 ngàn học sinh lớp 12 của 6 trường học. “Về cơ bản, gia đình có người đi LĐNN là giàu có lên chứ không chỉ thoát nghèo. Ở Lâm Hà, nếu đủ việc, bình quân lao động phổ thông chỉ 2-2,5 triệu đồng thôi, trong lúc lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mỗi tháng gửi về hơn 20 triệu đồng quý giá lắm chứ”, ông Tài khẳng định.
Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Lâm Hà Lưu Đức Nam cung cấp: quý I/2013 có 66 lao động đăng ký tham gia chương trình LĐNN, trong đó 7 lao động đã xuất cảnh sang thị trường Malaysia, Nhật và chương trình du học kết hợp với lao động tại Nhật Bản; 16 lao động đang học tiếng và giáo dục định hướng dự kiến xuất cảnh sang Nhật Bản; 26 lao động nữ đang thực tập nghề may công nghiệp, 20 lao động nam đang học tiếng, học nghề cơ khí chuẩn bị cho đối tác Nhật Bản tuyển dụng…Lâm Hà thực sự đã chuyển mình thoát nghèo nhanh. Từ hàng trăm mái nhà đã và đang rộn những tiếng cười hạnh phúc. Ở đó, ngày ngày niềm vui từ những người thân LĐNN chia sẻ…
Phóng sự: MINH ĐẠO