(LĐ online) - Hàng năm lượng người di cư tự do đến Đam Rông vẫn tăng lên theo cấp số nhân, với diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
(LĐ online) - Năm 2004, huyện Đam Rông lần đầu tiên chứng kiến một đợt "di chuyển" ồ ạt của dân di cư tự do đến từ các tỉnh miền núi phía bắc (chủ yếu là người H'Mông ở Lào Cai, Hà Giang). Trước tình hình đó, huyện đã có nhiều biện pháp xử lý kịp thời để có thể ổn định một số lượng không nhỏ người dân di cư tự do.
Từ năm 2004 đến 2005, huyện đã bố trí xây dựng làng tại thôn 4, thôn 5 - xã Rô Men cho gần 200 hộ đồng bào người Mông sinh sống tập trung. Cũng từ năm 2009 đến nay, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư kinh phí để cấp đất sản xuất, xây dựng nhà ở và ổn định cuộc sống cho 110 hộ, với trên 500 nhân khẩu đồng bào người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ... tại thôn Dơng GLê - xã Phi Liêng.
Tuy nhiên, hàng năm lượng người di cư tự do đến Đam Rông vẫn tăng lên theo cấp số nhân, với diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Nếu tính từ năm 2005 đến nay, đã có trên 600 hộ với hơn 4.500 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc tìm đến địa phương này. Đơn giản, "dòng người" này tìm đến đây chỉ với một suy nghĩ, kiếm tìm cơ hội trên vùng đất mới để có điều kiện thoát nghèo, thay đổi cuộc sống, mà không cần quan tâm đến việc di cư tự do, phá rừng làm rẫy là điều bị ngăn cấm.
Phá rừng dựng làng ngay giữa rừng sâu ở khu Đạ M'pô, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông |
Vừa A Của - mang theo cả gia đình, gồm vợ và 4 đứa con đến dựng lều sinh sống tại Tiểu khu 181 - xã Liêng S’rônh thật thà nói: “Ở ngoài Lào Cai, không có đất để trồng cây sắn, cây ngô, quanh năm thiếu cái ăn nên mới theo người quen chuyển vào đây để sống. Mình không biết đây là rừng cấm và cũng chỉ vừa vào được hơn 3 tháng, bây giờ chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện, để chúng tôi được ở một chỗ nào đó cho ổn định, lo làm ăn”.
"Đất rộng, người thưa, dễ gieo hạt bắp, hạt mỳ", chính là thông điệp được bà con người Mông, người Dao ở các tỉnh miền núi phía bắc truyền tai nhau, có lẽ vì thế "danh sách" người di cư tự do đến Đam Rông vẫn được tăng lên từng ngày. Ngay từ những tháng đầu năm 2013, đã có thêm gần 20 hộ dân đồng bào Mông, ở Lào Cai di cư đến Tiểu khu 181- xã Liêng S’rônh dựng nhà "lập nghiệp" ngay trên đất rừng. Để đến được khu vực này, từ Bằng Lăng (trung tâm huyện) phải đi xe máy hơn 10 km, rồi lội bộ qua những con dốc dài sình lầy, len lỏi giữa rừng hơn 5 km nữa mới đến nơi họ sinh sống.
Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ cũ, UBND huyện Đam Rông đã thành lập đoàn liên ngành liên tục tổ chức tuyên truyền, vận động và cưỡng chế yêu cầu các hộ mới di cư tự do đến Tiểu khu 181 ra khỏi rừng. Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Trước mắt, chúng tôi di dời những hộ này ra khỏi rừng ở tạm một thời gian, để chờ xin chủ trương làm dự án ổn định dân di cư tự do. Hiện tại, tại dự án ở Tiểu khu 212 đã được lấp đầy, chính vì vậy chúng tôi đề nghị tỉnh và các ngành chức năng quan tâm, sớm tạo điều kiện để chúng tôi quy hoạch thêm dự án ở Đạ M’pô, qua đó ổn định được một số lượng lớn dân di cự tự do vào sau này”.
Phải khẳng định, việc các hộ dân di cư tự do đến Đam Rông trong nhiều năm qua đã gây ra những áp lực không nhỏ, đối với chính quyền địa phương. Bởi ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đam Rông còn có trên 300 hộ sống lẩn khuất trong rừng tại các Tiểu khu 175, 176, 177, 178, 182, 181, 196, 197, 198 thuộc địa phận xã Liêng S’rônh. Mỗi hộ có bình quân từ 5 - 7 nhân khẩu, họ thường tìm đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn phá rừng, dựng nhà làm nương rẫy.
Phần lớn trẻ em đều không được đến trường |
Ông Vũ Công Tuấn - Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk huyện Đam Rông cho biết: “Việc quản lý bảo vệ rừng của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi lượng người đến đây là rất đông và rất khó kiểm soát. Trong khi đó, nhân lực lại thiếu, diện tích rừng lại rộng, nhiều khi đi cả nửa ngày mới tới được nơi người dân phá rừng làm rẫy. Có khi chỉ một ngày, họ đã phát xong một khoảng rộng để tỉa bắp, rồi trồng lúa ngắn ngày. Thêm vào đó, người di cư đến đây thường chỉ trồng 1 đến 2 vụ là bỏ, để lại đất trống rồi tiếp tục khai thác rừng ở khu vực khác để trồng. Hậu quả và tác hại khi những cánh rừng lâu năm có gỗ lớn bị người dân di cư tự do phá tại các khu vực phòng hộ đầu nguồn làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái rừng là không thể kể hết".
Tuấn Linh - Đam Trọng