Chuyện chưa kể ở làng trẻ mồ côi Thị Nghè

04:06, 05/06/2013

Mạo muội gọi là các "em", dù rằng đó đã là những chàng trai, cô gái hai, ba chục tuổi. Thân hình to lớn nhưng bộ óc chỉ phát triển bằng đứa bé lên ba. Thậm chí có người đã gần 60, nhưng vẫn không nhận thức đầy đủ về hành vi.

Ngồi xem tivi, thấy diễn viên xiếc cầm con rắn quấn ngang cổ đi qua đi lại, Minh thích thú cười rồi ghi nhớ trong bộ óc ngu ngơ, non nớt… Sau giờ ăn chiều, trong lúc đi dạo, thấy con rắn cạp nông trong vườn, Minh cầm lên, quấn ngang cổ rồi chạy qua chạy lại cười lớn… Dù được các soeur và các bác sĩ tận tình chăm sóc và cứu chữa, em đã không qua khỏi... Và đã kết thúc 32 năm sống trong bộ não bại liệt ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi Thị Nghè đau thương như thế.

Trong giờ ăn ở Trung tâm
Trong giờ ăn ở Trung tâm


75 MẢNH ĐỜI CHẮP VÁ…

Mạo muội gọi là các “em”, dù rằng đó đã là những chàng trai, cô gái hai, ba chục tuổi. Thân hình to lớn nhưng bộ óc chỉ phát triển bằng đứa bé lên ba. Thậm chí có người đã gần 60, nhưng vẫn không nhận thức đầy đủ về hành vi và vẫn suy nghĩ giản đơn như con trẻ. Tất cả đều có chung một nét ngờ nghệch, ngô nghê và hay cười. Ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi Thị Nghè (cơ sở II tại Lộc Phát, Bảo Lộc - thuộc Sở Lao động TB&XH TP HCM)), hiện có 75 “em” như thế. Soeur Marie Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm, kể rằng: “Mỗi em đến với Trung tâm bằng mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có em được bệnh viện gửi đến khi còn đỏ hỏn; có em đi lạc được Công an đưa đến; có em thì gia đình mang đến gửi rồi biệt tăm và cũng có em bị bỏ rơi trước cửa Trung tâm…”. Dù các em bị bại não, không nhận thức đầy đủ về thân phận mồ côi hoặc bị bỏ rơi của mình, nhưng các soeur ở Trung tâm vẫn không bao giờ cho các em biết về quá khứ…

Trừ những em đã có tên và được gia đình đưa đến, còn lại khi đến với Trung tâm, các em đều được các soeur đặt tên - những cái tên đẹp và bình thường như bao người: Nguyễn Thị Hồng Sương, Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Trương Hoàng Anh, Nguyễn Văn Mật… Chung họ Nguyễn, nhưng số phận từng em trước khi đến với Trung tâm lại chẳng ai giống ai. Hầu hết các em, khi được hỏi, đều không nhớ mình đã đến với Trung tâm khi nào. Nhưng soeur Marie Nguyễn Hoàng Oanh thì nhớ hết.

TRONG ĐẠI GIA ĐÌNH…

Hầu hết các em đến với cơ sở II của Trung tâm ở Lộc Phát đều đã trên 15 tuổi. Dưới độ tuổi này, các em được học cách tự đút ăn, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh, tự tắm rửa… ở Cơ sở I (Thị Nghè, TP HCM). Khi đã có thể tự túc được các kỹ năng sinh hoạt tối thiểu, các em được gửi lên Cơ sở II để học chữ, học đàn, học vi tính và học lao động chân tay… Với các em bị khuyết tật, việc giúp các em tự chăm sóc bản thân đã khó, thì với các em bị bại não, việc dạy các em kỹ năng sống và biết lao động chân tay càng khó gấp bội. Không chỉ thế, các soeur còn dạy các em biết suy nghĩ, biết nhận biết đâu là tốt xấu, phân biệt đâu là nên và không nên. Tất cả các em gái đều được dạy cách bảo vệ bản thân để tránh bị xâm hại, luôn có các soeur ở bên cạnh khi các em gái gặp người lạ hoặc tiếp xúc với các bạn trai trong Trung tâm.

Hiện, trong số 75 em ở Trung tâm, có 32 nam, 43 nữ. Các em được sinh hoạt tại 3 nhà: nhà chính, nhà nam và nhà tự lập. Nhà chính là nơi các em đến dùng cơm, học kỹ năng. Nhà nam dành cho các em trai. Nhà tự lập là nơi các em được chia thành từng nhóm (7 - 8 em) sống trong một căn nhà nhỏ để học cách tự lập. Các em, về thể chất, đều đã trưởng thành, nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất đã 59 tuổi, nên việc dạy các em kỹ năng tự lập là điều cần thiết. Souer Oanh cho biết: “Việc giáo dục kỹ năng cho các em, không ngoài mục đích là để giúp các em biết cách chăm sóc bản thân và một ngày nào đó có thể hòa nhập với cuộc sống, với gia đình. Dẫu rằng, khả năng đó rất hiếm hoi…”. Phần nhiều các em, nếu không hòa nhập với gia đình, đều ở lại với Trung tâm.

Trong ngôi nhà lớn này, các em tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi thơ được bù đắp. Và quan trọng hơn, là cảm giác được các soeur yêu thương, chăm sóc. Nhắc lại cái chết của Minh mới năm ngoái, đôi mắt souer Oanh ngấn nước: “Lúc nhập viện, bác sỹ bảo “Muộn mất rồi”, nhưng em đã nằm viện đến 10 ngày rồi mới ra đi, giá mà lúc đó mình quyết tâm mang em đi Sài Gòn…”. Không kể những trường hợp bị tai nạn ngoài ý muốn, hầu hết các em bị bại não đều mang trong mình những căn bệnh nan y khó chữa, mà Võ Hùng Đều là điển hình. Đều mất khi vừa tròn 21 tuổi, mang theo căn bệnh ung thư máu đã đeo đẳng từ nhiều năm trước. Đám tang em, dù không có người thân, nhưng vẫn ấm cúng tình thân, vì ngoài các souer và anh chị em của Đều ở Trung tâm, còn có những cô, bác, chú, dì là hàng xóm và những người hàng ngày vẫn gặp em trên phố.

Gần 20 năm, kể từ khi cơ sở II của Trung tâm được thành lập (1994) đến nay, đã có 8 em được các soeur dựng vợ gả chồng. Trong 8 em này, có 2 em của Trung tâm đến với nhau, 6 em còn lại lập gia đình với người ngoài Trung tâm. Mỗi em, khi ra riêng, đều được các soeur mua đất, xây nhà và vẫn hàng ngày dõi theo các em trong nếp sống gia đình. Khi các em gái mang bầu, sanh nở, các soeur làm thay vai trò bà ngoại giúp đỡ, chăm sóc; rồi dạy các em biết cách chăm con, nuôi con… Mỗi mùa tết, Trung tâm lại đón những gia đình nhỏ quay về sum họp, mang theo những đứa trẻ thế hệ thứ hai, lành lặn, mũm mĩm…

Cứ thế, gần 20 năm nay, Trung tâm nuôi lớn những mầm non bất hạnh. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước (480.000 đồng/em), Trung tâm còn nhận được rất nhiều từ những tấm lòng hảo tâm của các “mạnh thường quân” gửi đến hỗ trợ. Những chia sẻ đó giúp giảm đi rất nhiều nỗi đau tinh thần của các em và làm cho gánh nặng trên vai các souer được vơi bớt. Nhưng, dù có hay không sự hỗ trợ, chia sẻ thì những nữ tu này vẫn nguyện trọn đời làm chỗ dựa cho trẻ mồ côi, với tôn chỉ “mực thước, đơn sơ, cần cù” mà các soeur đã nguyện.

HẢI UYÊN