“Nhân lực là yếu tố quyết định bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, do đó ngành Y tế Lâm Đồng nên đào tạo nhân lực một cách có kế hoạch chi tiết, chú trọng đào tạo các chuyên khoa và đào tạo đúng người…”.
Ngày 3/6, GS-TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn Đà Lạt.
Lâm Đồng kiến nghị Bộ Y tế đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo Đam Rông, nơi còn thiếu bác sĩ; đầu tư cải tạo, hoặc xây mới 53 trạm y tế cần kinh phí 139 tỷ đồng để thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh BHYT, xã chuẩn quốc gia, xã nông thôn mới; đầu tư trang thiết bị các trạm y tế (mới chỉ có 25 xã được đầu tư trang thiết bị trong 2 năm 2010-2011)...
Các chỉ tiêu y tế cơ bản của Lâm Đồng đều đạt thấp so với bình quân cả nước, đặc biệt là chỉ tiêu nhân lực. Một số chỉ tiêu cơ bản của y tế Lâm Đồng đến năm 2015 đạt: 7 BS/vạn dân (toàn quốc 8BS/vạn dân); 0,8 Dược sĩ đại học/vạn dân (toàn quốc 1,8 DSĐH/vạn dân), 21 giường bệnh/vạn dân (toàn quốc 23 GB/vạn dân), 55% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (toàn quốc 60%), tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 1,22% (toàn quốc 0,93%).
GS-TS Lê Quang Cường chỉ đạo ngành Y tế Lâm Đồng chú trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở, tận dụng khai thác tối đa nguồn nhân lực tại chỗ. Ông cho rằng: “Với dự án của ADB giai đoạn II đã được phê duyệt đầu tư vào đào tạo nhân lực y tế Lâm Đồng trị giá 1,282 triệu USD phải có đủ thời gian đào tạo nhân lực. Nhân lực là yếu tố quyết định bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, do đó ngành Y tế Lâm Đồng nên đào tạo nhân lực một cách có kế hoạch chi tiết, chú trọng đào tạo các chuyên khoa và đào tạo đúng người, đúng vị trí để nâng cao năng lực chuyên môn. Vấn đề đào tạo nhân lực cho y tế dự phòng hướng đến 2 nhóm nhân lực: Bác sĩ chuyên ngành quản lý dự phòng và cung ứng dịch vụ dự phòng cho người bệnh”.
DIỆU HIỀN