Chỉ học đến lớp 8 trường làng nhưng anh Nguyễn Hồng Chương đã làm được công việc mà nhiều kỹ sư cũng không nghĩ ra. Từ một nông dân thất bại trên đồng ruộng, anh đã thành công như một nhà sáng chế chân đất và trở thành ông chủ của Cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương.
Chỉ học đến lớp 8 trường làng nhưng anh Nguyễn Hồng Chương đã làm được công việc mà nhiều kỹ sư cũng không nghĩ ra. Từ một nông dân thất bại trên đồng ruộng, anh đã thành công như một nhà sáng chế chân đất và trở thành ông chủ của Cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương. Đây là 1 trong 2 cơ sở của nông dân ở phía Nam bán được máy nông nghiệp cho nước ngoài.
Máy nông nghiệp Hồng Chương không kịp sản xuất ra để bán |
Trong ngôi nhà cạnh xưởng chế tạo máy ở địa chỉ số 78, tổ 3, thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm (Đơn Dương), anh Hồng Chương treo nhiều bằng khen trang trọng, có thể kể như: Điển hình sáng tạo Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng năm 2008 ghi nhận thành quả sáng tạo ra chiếc máy gieo hạt nông nghiệp tiết kiệm giống đầu tiên, giải thưởng Lương Định Của và danh hiệu Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất năm 2009 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hồng Chương sinh năm 1973 nhưng được bố mẹ khai sinh năm 1975, trong gia đình có 10 anh em, chỉ có 1 chị gái và anh là người con thứ 9. Điều kiện gia đình khó khăn, anh không được học nhiều. Anh kể rằng: “Mỗi người mỗi nghiệp, tôi làm nông, thích chơi nhạc, thổi kèn cho đám cưới, đám tiệc. Anh em tôi hình thành nên ban nhạc gia đình đã 26 năm biểu diễn ở xã. Cuộc sống tưởng chừng bế tắc nếu như không có âm nhạc, do nhiều lần làm nông thua lỗ, từ việc thuê 10 ha đất để trồng cà chua và rau các loại, vốn rơi vãi hết sạch, trắng tay, lại là lúc tôi lấy vợ, sống cảnh nghèo đong gạo ăn từng bữa. Một đêm của năm 2007 tôi nghĩ về chiếc máy gieo hạt và nhiều đêm ám ảnh về chiếc máy, nỗi ám ảnh kéo dài thôi thúc tôi lao vào nghiên cứu chế tạo máy. Lấy chiếc phản làm mặt bằng để thiết kế mô hình, hễ cứ đến giờ cơm hay giờ ngủ lại tháo ra. Liên tục tháo ra, lắp lại mô hình trên tấm phản gỗ, đầu năm 2008 tôi cho xuất xưởng chiếc máy gieo hạt đầu tiên, tôi đã mượn sổ đỏ của ông anh thế chấp vay ngân hàng 40 triệu đồng mua vật liệu sắt thép về làm. Rồi 5 chiếc máy bán ra thị trường đã giúp tôi trả hết nợ. Nhiều chiếc máy ra đời giúp tôi gây dựng dần nên cơ nghiệp”.
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, công việc nghiên cứu chế tạo máy đã giúp anh Hồng Chương gây dựng cơ ngơi bạc tỷ. Bây giờ anh là chủ Cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương, tậu ô tô để giao dịch nhưng vẫn say mê chơi nhạc, kề bên xưởng cơ khí là phòng chơi nhạc sống với đầy đủ nhạc cụ. Xưởng cơ khí được đưa vào hoạt động từ năm 2011 trên diện tích đất rộng 3.300m2, trong đó nhà xưởng chiếm 1.000m2, anh đầu tư 5 tỷ đồng cho thiết bị máy móc. Xưởng có 7 thợ làm với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, không cần có sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia, các máy nông nghiệp mang tên Hồng Chương không kịp sản xuất ra để bán.
Đến nay, anh Hồng Chương đã sản xuất chế tạo bán ra thị trường khoảng 800 chiếc máy nông nghiệp, gồm 8 loại máy móc, nông cụ: Máy gieo hạt, máy dồn đất vào vỉ xốp, máy xay trộn đất (một loại có băng tải và 1 loại không có băng tải), máy đóng đất vô chậu, máy đóng đất vô túi nilon tự động, máy sàng đất mùn, máy vắt nước cho rau và nông cụ lấy cây từ vỉ xốp ra. Tuy nhiên, trong tất cả các công trình sáng tạo của anh Hồng Chương chỉ có 1 loại máy đó là máy đóng đất vô túi nilon tự động đã được đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2012 do anh nhờ chuyên gia viết hồ sơ. Về vấn đề này anh Hồng Chương cho biết: “Tôi chỉ biết làm ra chiếc máy, còn viết hồ sơ giảng giải về mặt lý thuyết thì chịu! Nên những máy trước đây ra đời tôi cũng tìm hiểu đăng ký bản quyền nhưng rồi một mình không làm nổi!”.
Cơ sở của anh Hồng Chương là 1 trong 2 cơ sở của nông dân khu vực phía Nam xuất khẩu máy nông nghiệp. Anh tự hào: “Tôi dám xuất máy đi ra nước ngoài do độ bền, an toàn, đối tác mua chạy thử sau 1 năm đồng ý đặt hàng và rất tin dùng”. Từ năm 2009 đến nay, các loại máy nông nghiệp mang thương hiệu Hồng Chương đã xuất đi Malaixia, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan trị giá gần 3 tỷ đồng.
Những sáng tạo của anh Hồng Chương đã giúp cho nông dân vườn ươm giải quyết được khâu ứng dụng cơ giới hóa, tiết kiệm thời gian, nhân công, giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng giống cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể: Công suất máy gieo hạt một ngày 2.000 vỉ, tương đương 8 lao động; máy dồn đất vào vỉ xốp đạt 840 vỉ/giờ có thể thay thế cho 6-8 lao động; máy đóng đất vào chậu có công suất 1.200 chậu/giờ, tương đương 4 lao động… Giá thành trung bình 1 chiếc máy nông nghiệp Hồng Chương là 56 triệu đồng, có giá cao nhất là máy đóng đất vô chậu 120 triệu đồng/chiếc (giá xuất khẩu 140 triệu đồng/chiếc). Chủ cơ sở Hồng Chương cho hay: Nguyên liệu rẻ thì bán sản phẩm rẻ, giá bán có mức độ vì mình làm ra để phục vụ bà con nông dân nên phải tính lâu dài, quan trọng là máy chạy bền rất tốt. Vì thấy anh giúp nông dân nhiều nên huyện Đơn Dương đã hỗ trợ cho cơ sở 180 triệu đồng trong năm 2013.
Anh Hồng Chương tiết lộ đã nộp hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ về “Quy trình sản xuất và bộ sản phẩm phục vụ trồng rau sạch đô thị”. Anh cho biết mình vẫn tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp và phát triển hệ thống sản xuất cung ứng quy trình sản xuất và bộ sản phẩm phục vụ trồng rau sạch đô thị trên cả nước để có vốn nghiên cứu chế tạo máy móc cao cấp hơn. Tương lai cở sở Hồng Chương hướng đến làm ra những chiếc máy có thể phục vụ cho sản xuất trực tiếp trên đồng rau.
DIỆU HIỀN