Vấn đề đặt ra từ làng hoa Hà Đông

04:06, 05/06/2013

Ấp Hà Đông được coi là ấp đầu tiên trồng rau và hoa tươi, cùng với Ấp Nghệ Tĩnh và các ấp khác đưa Đà Lạt trở thành một thành phố nổi tiếng về lĩnh vực này và mở ra những triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Ngày 9/6/2013, làng hoa Hà Đông (phường 8, Đà Lạt) tổ chức Lễ hội kỷ niệm 75 năm thành lập Ấp Hà Đông (3/5 Mậu Dần 1938 - 3/5 Quý Tỵ 2013) - Đây là một mốc son đáng nhớ về cuộc di dân có tổ chức đầu tiên mà các bậc tiền nhân đã thực hiện thành công. Đó là việc đưa được một bộ phận lao động và dân cư có sức khỏe, tay nghề từ Hà Đông - Hà Nội lên cao nguyên khai hoang mở đất, sản xuất rau hoa, cung ứng nguồn hậu cần tại chỗ phục vụ yêu cầu xây dựng thành phố du lịch, tạo nên một bước tiến quan trọng có tính chất đột phá trong quá trình 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Một góc làng hoa Hà Đông. Ảnh: Văn Báu
Một góc làng hoa Hà Đông. Ảnh: Văn Báu


Ấp Hà Đông xưa - tiền thân của làng hoa Hà Đông được thành lập cuối tháng 5/1938 trên địa bàn phía bắc nội ô phường 8, thành phố Đà Lạt. Chủ trương di dân Hà Đông vào khai hoang mở rộng sản xuất rau hoa, phục vụ yêu cầu xây dựng thành phố du lịch Đà Lạt là sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Tý và Thượng tá Canh nông Hà Đông Lê Văn Định, được nhà cầm quyền đồng ý và giao cho các cụ đứng ra tổ chức thực hiện.

Lớp cư dân đầu tiên gồm có 35 người được tuyển dụng từ các làng chuyên canh rau hoa nổi tiếng lâu đời quanh Hồ Tây như Quảng Bá, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc, Nghi Tàm (thuộc huyện Hoàn Long - tỉnh Hà Đông nay là Hà Nội).

Ban đầu do đất đai còn hoang rậm, người ít, lại lạ lẫm phong thổ, công cụ sản xuất còn thô sơ mang từ ngoài Bắc vào không thích hợp với việc khai hoang đồi rừng; chính quyền lại tổ chức ở chung, ăn chung, cùng khai phá nên kết quả chẳng đáng là bao. Sau 6 tháng gặp nhiều khó khăn, lúng túng vì không phát huy được động lực cá nhân, xuất hiện tâm lý ỷ lại, dựa dẫm. Hầu hết lại chỉ có một mình, không đem theo gia đình nên trước những khó khăn gian khổ thử thách ban đầu, có một số ít người bỏ về quê cũ. Cuối năm chỉ còn lại hai chục người. Những người ở lại vẫn kiên trì tiếp tục khai phá đất đai theo dạng làm chung tính công để sau này có căn cứ chia đất đai cho từng người. Đồng thời họ viết thư về động viên vợ con, anh em họ hàng vào đoàn tụ gia đình hợp sức làm ăn. Nhờ đó Ấp Hà Đông vượt qua từng bước khó khăn dần ổn định và phát triển theo xu hướng tích cực.

Thiếu nữ làng hoa. Ảnh: Văn Báu
Thiếu nữ làng hoa. Ảnh: Văn Báu

Ấp Hà Đông được coi là ấp đầu tiên trồng rau và hoa tươi, cùng với Ấp Nghệ Tĩnh và các ấp khác đưa Đà Lạt trở thành một thành phố nổi tiếng về lĩnh vực này và mở ra những triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Trước và sau năm 1975, do hậu quả của chiến tranh ác liệt, chính sách bao vây cấm vận của các thế lực thù địch và lối làm ăn tập trung quan liêu bao cấp, tập thể hoá hình thức kéo dài..., diện tích trồng hoa bị giảm sút để trồng lương thực, thực phẩm. Nhưng các nhà vườn của Ấp Hà Đông vẫn giữ được các giống hoa, quả đặc sắc như lay ơn, dâu tây, cúc Nhật...

Từ khi đổi mới đến nay, nghề trồng hoa ở đây được khôi phục và phát triển mạnh gắn với mở cửa ngành du lịch thành phố, nhiều nhà vườn chuyển sang chuyên canh, thay đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô trên 230/450 hộ dân, diện tích 30ha; hầu hết canh tác trong nhà kính, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến, tưới nước hiện đại. Xây dựng 11 cơ sở ươm các giống hoa mới, đa dạng chủng loại, có năng suất, chất lượng hoa thương phẩm cắt cành bán được giá trị cao như: Hoa ly ly, cát tường, cúc cắt cành các loại, hoa hồng môn và các loại hoa chậu khác nhập từ nước ngoài được khách hàng ưa chuộng. Mở rộng thị trường tiêu thụ hoa ở các trung tâm lớn từ Nam ra Bắc và xuất khẩu.

Những thành tựu "ăn nên làm ra" của Ấp Hà Đông sau khi thành lập đã dần có sức hấp dẫn của nơi "đất lành chim đậu", thu hút cư dân từ nhiều địa phương về đây chung lưng đấu cật, đoàn kết hoà hợp giúp đỡ lẫn nhau xây dựng quê hương mới...

Đến cuối năm 1969, tổng số cư dân ở đây có 1.253 người, gồm 596 nam, 657 nữ, trong đó ngoài phần lớn là dân Đà Lạt gốc Hà Đông còn có tới 44 tỉnh, thành phố khắp Bắc - Trung - Nam có con em về đây cùng nhau yên tâm gắn bó xây dựng cộng đồng dân cư mới đang phát triển khá sinh động, phong phú.

Sau hơn nửa thế kỷ kiên trì phấn đấu "khai sơn phá thạch" phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai thử thách, thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các bậc tiền nhân và hậu duệ cùng cả cộng đồng dân cư khắp ba miền hội tụ trên vùng đất thiêng liêng giàu tiềm lực này để có được làng hoa Hà Đông - làng nghề truyền thống hôm nay. Đó là tài sản vật chất và tinh thần vô giá mà những cư dân ngày nay có vinh hạnh và trách nhiệm được kế thừa, phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Dưới ánh sáng các nghị quyết, chính sách đổi mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Nhà nước, được sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, thành phố và phường 8; lại có thêm nguồn động viên giúp đỡ của cố hương..., làng hoa Hà Đông đã cố gắng phấn đấu trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn hạn chế vẫn đạt được một số thành tựu quan trọng về sản xuất hoa công nghệ cao và xây dựng đời sống văn hoá. Nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là vị thế của một làng nghề truyền thống vốn có quan hệ mật thiết với thủ đô, cũng như kỳ vọng của nhân dân cả nước, bầu bạn gần xa thì những việc đã làm được trong thời gian qua quả là còn rất khiêm tốn, chưa thật tương xứng và thiếu cơ sở vững chắc. Ngược lại còn đang phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức vô cùng phức tạp của mặt trái cơ chế thị trường và xu thế đô thị hoá ồ ạt thiếu tầm nhìn chiến lược, lại thực hiện không có đồng bộ, trật tự kỷ cương. Nếu không khắc phục được thì Đà Lạt sẽ tự xoá sổ mất đi một làng hoa đầu tiên đã góp phần làm nên hương sắc cho thành phố Festival hoa của cả nước.

Thu hoạch hoa trong nhà kính. Ảnh: Văn Báu
Thu hoạch hoa trong nhà kính. Ảnh: Văn Báu


Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Ấp Hà Đông tiến tới chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và Festival Hoa Đà Lạt lần thứ V-2014, thiết nghĩ thành phố Đà Lạt và các ban, ngành liên quan cần tiến hành ngay một chương trình khoa học nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình xây dựng làng hoa Hà Đông từ sau giải phóng (4/1975) đến nay. Trên cơ sở đó, vận dụng, cụ thể hoá một cách sáng tạo các nghị quyết, chính sách vào thực tiễn địa phương hình thành các dự án - chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội có mục tiêu cụ thể thiết thực, bước đi cách làm phù hợp; kiên trì tổ chức lãnh đạo thực hiện trong nhiều kế hoạch 5 năm nhằm từng bước vững chắc đưa làng hoa Hà Đông tiến lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa công nghệ cao vào sản xuất rau hoa gắn với việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao... Qua đó, thực sự tạo nên một "làng nghề truyền thống có chất lượng"; một khu dân cư có đời sống ấm no hạnh phúc, sinh hoạt văn hoá tinh thần vui tươi lành mạnh; một điểm đến ngày càng hấp dẫn góp phần nâng cao thêm uy tín thương hiệu của thành phố Festival Hoa Đà Lạt - một trung tâm nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và quốc tế.

PHAN HỮU GIẢN