Dù không biết chữ và đã bước qua tuổi 92 nhưng cụ bà Đặng Thị Tân, thôn 1, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc hàng ngày vẫn vượt qua bao đồi dốc, chinh phục nhiều con đường để đi hái lá cây chữa bệnh cho mọi người. Người dân biết đến bà như một lương y vì việc làm của bà Tân để lại cho đời ý nghĩa nhân sinh cao cả...
Dù không biết chữ và đã bước qua tuổi 92 nhưng cụ bà Đặng Thị Tân, thôn 1, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc hàng ngày vẫn vượt qua bao đồi dốc, chinh phục nhiều con đường để đi hái lá cây chữa bệnh cho mọi người. Người dân biết đến bà như một lương y vì việc làm của bà Tân để lại cho đời ý nghĩa nhân sinh cao cả...
|
Những loại lá cây được bà Tân dùng làm thuốc chữa bệnh |
Thương chồng tìm được thuốc hay
Được sự giới thiệu và chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi đến nhà cụ Đặng Thị Tân, thôn 1, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc trong những ngày mà cơn mưa đầu mùa bắt đầu “bén duyên” trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Trong căn nhà cũ đã úa màu thời gian, bà Tân tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện với ngôn từ rời rạc mà ở đó quá khứ và hiện tại đan xen. Mặc dù đã bước qua tuổi 92 nhưng bà Tân vẫn hết sức minh mẫn và khỏe mạnh. Khi chúng tôi hỏi cơ duyên nào bà đến với nghề y, bà Tân cười và nói: “Tôi đâu phải lương y gì đâu, chỉ biết chút đỉnh về cây lá có sẵn trong vườn nên chữa bệnh giúp người thôi”. Trong câu chuyện với cụ Tân đã gợi lên cho chúng tôi nhiều câu hỏi liên quan đến người đàn bà đã gánh hơn 90 mùa trăng này. Như biết sự mong chờ của cánh phóng viên, bà Tân nhớ lại: Ngày đó, vào những năm 50 ở vùng quê Thanh Hóa, khi bà Tân lên xe hoa về nhà chồng chưa được bao lâu thì chồng bà bị bệnh lậu ké. Vừa lo, vừa sợ nhưng người đàn bà không biết chữ này đã chạy vạy khắp nơi để tìm thuốc hay, thầy giỏi chữa bệnh cho người chồng của mình. Đi mấy ngày đêm mà chẳng thấy thuốc, thầy ở đâu, đã có lúc bà Tân tuyệt vọng và định buông xuôi cho số phận. Tuy nhiên, trời đã không phụ lòng người, khi bà định quay về nhà thì gặp được một ông lão. Qua chuyện trò, ông này nói với bà Tân là có thể chữa khỏi bệnh cho chồng bà. Gặp được hiền nhân, bà Tân theo chân về nhà ông lão lấy thuốc cho chồng mình. Thật ngạc nhiên, vị thuốc mà ông lão đưa cho bà Tân chỉ là những lá cây mọc ở sau vườn. Sau khi đã vò nắm lá cây, ông cụ giã lấy nước rồi đổ vào cái chai đưa cho bà Tân bảo bà đem về cho chồng uống. Bán tín bán nghi nhưng rồi bà cũng cầm chai thuốc ấy mang về cho chồng nhưng trên đường về cái bụng của người phụ nữ thương chồng ấy vẫn còn nhiều lo lắng… Khi về nhà, bà Tân đưa thuốc cho chồng uống ngay. Qua 2 ngày uống thuốc, chồng bà đã đỡ bệnh. Như tìm được thuốc tiên, bà Tân lại lên đường tìm đến nhà ông lão ngày trước. Khi hỏi về những lá cây chữa bệnh, ông lão ấy đã chỉ cho bà một vài loại cây lá để chữa các bệnh như lậu ké, sỏi thận và viêm tiết niệu. Từ bài thuốc chân truyền đó, về nhà, bà Tân không ngừng hái lá cây sắc thuốc cho chồng uống và hơn một tháng sau thì chồng bà đã khỏi bệnh.
Chữa bệnh cứu người
Sau khi được ông lão ở Thanh Hóa truyền cho những bài thuốc chữa bệnh, về sau, những người trong nhà bà Tân nếu ai bị mắc những căn bệnh nói trên bà đều tự tay hái lá chữa trị. Tiếng lành đồn xa, việc bà Tân hái lá quanh vườn nhà chữa được các bệnh sỏi thận và lậu được người trong thôn, xã biết được và họ tìm đến nhà bà ngày càng đông. Bà Tân cho biết, lúc còn ở quê nhà vì chữa bệnh bằng lá cây, bệnh nhân không phải tốn kém tiền bạc nên có nhều người bệnh tìm đến nhờ bà chữa trị. Không giấu nghề, theo bà Tân, đối với căn bệnh sỏi thận tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bà cho thuốc khác nhau. Quan trọng vẫn là cách phối hợp pha chế các loại lá cây với nhau sao cho phù hợp với thể trạng người bệnh. Cũng có trường hợp bị sỏi thận quá lâu, kích cỡ sỏi đã lớn thì bà khuyên nên trị bệnh theo phương pháp Tây y chứ không thể dựa vào thuốc Nam mà khỏi bệnh được. Cứ như thế đã mấy chục năm nay, bà Tân đã sử dụng phương thuốc cổ truyền học được để chữa bệnh cứu người. Bà quan niệm rằng: ngày xưa chồng bà được chữa bệnh miễn phí thì nay bà cũng chữa bệnh cứu người chứ không nặng về tiền bạc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau khi đã hết bệnh, họ “trả lễ” cho bà bằng cách biếu bà chút tiền để bà ăn trầu, hút thuốc gọi là vui tuổi già.
Nhấp chén trà nguội, tiếp tục câu chuyện của mình bà Tân cho biết, năm 1998 bà cùng gia đình vào Lâm Đồng sinh sống. Nơi đất khách quê người, chưa ai biết đến khả năng chữa bệnh bằng thuốc Nam của bà. Tuy nhiên, vào một ngày, tại xã Lộc Nga có một phụ nữ bị câm mắc bệnh sỏi thận, bà Tân đã ra tay cứu giúp. Sau khi uống thuốc bà Tân cho, không lâu sau người phụ nữ này khỏi bệnh.
Theo bà Tân, không chỉ ở Lâm Đồng mà tin bà chữa bệnh bằng lá thuốc quanh vườn nhà đã được nhiều người ở Tây Nguyên và các tỉnh khác biết đến. Đến nay, bà không nhớ rõ mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người, gần thì ở cùng xã, cùng thôn; xa thì từ các tỉnh như Bình Dương, Nam Định tìm đến nhờ bà chữa bệnh.
Để “mục sở thị” việc bà Tân chữa bệnh sỏi thận, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Chiến, thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc. Không có mặt ở nhà nhưng qua câu chuyện với người vợ anh Chiến, chúng tôi được biết, anh Chiến trước đây bị sỏi thận đã uống nhiều thuốc, khám nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Khi được mọi người mách bảo, anh Chiến tìm đến cụ Tân nhờ chữa trị. Sáng nào bà cũng một thân một mình đi từ vườn này sang vườn khác hái lá sắc nước cho anh Chiến uống đều đặn trong vòng 10 ngày. Kết quả bất ngờ, sau khi uống thuốc bà Tân sắc, kết quả siêu âm cho thấy anh Chiến đã hoàn toàn khỏi bệnh thận và không lâu sau vợ anh sinh được đứa con trai bụ bẫm, dễ thương.
Chữa bệnh cứu người bằng những vị thuốc Nam đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là tấm lòng nhân từ cao đẹp của một cụ bà suốt cuộc đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Bà không tìm danh tiếng hay sự giàu sang mà là chữa bệnh bằng cái tình, cái nghĩa, cái đức làm người.
Thành Nam - BRừm