Gia đình là tế bào của xã hội. Xa xưa cổ nhân có câu răn "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", xét trong mối tương quan mật thiết việc "tề gia" - giữ cho gia đình yên ấm, gia giáo, kỷ cương, thành đạt… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Gia đình là tế bào của xã hội. Xa xưa cổ nhân có câu răn “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, xét trong mối tương quan mật thiết việc “tề gia” - giữ cho gia đình yên ấm, gia giáo, kỷ cương, thành đạt… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tại Hội nghị dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình: “… rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”! 70 năm từ khi nước nhà giành được độc lập và tự do, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới; trong đó có việc xây dựng gia đình thực sự là “tổ ấm” của mỗi thành viên, tế bào lành mạnh của xã hội... Vậy nội hàm của gia đình gương mẫu là như thế nào? Trong tác phẩm “Đời sống mới” viết năm 1947 là thời kỳ đầu nước ta thoát khỏi chế độ nửa thuộc địa nửa phong kiến và vẫn còn nhiều hủ tục, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thật chi tiết: “… Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái”, “Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm, phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp. Cưới hỏi, giỗ tết nên giản đơn, tiết kiệm”, “Trong nhà, ngoài vườn luôn luôn sạch sẽ, gọn gàng. Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng, việc nước, phải hăng hái làm gương. Người trong nhà ai cũng biết chữ”… Những lời Bác dạy đã trở thành tiêu chí cơ bản mà Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện trong cuộc vận động toàn dân xây dựng gia đình văn hóa, thôn ấp văn hóa… Để đề cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.
Xuất phát từ truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay, gia đình Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Tuy nhiên, những thành tựu trên vẫn chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng… Trong công cuộc đổi mới tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và hội nhập thế giới, vai trò gia đình ở Việt Nam lại càng phải nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa, con người là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xuất phát từ yêu cầu trên, lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín BCH TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ngày 9/6/2014). Đó là: Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người để từng con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, thương yêu… Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp… Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 85 - 90% hộ gia đình, 86% số thôn đạt chuẩn văn hóa; 77% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 80% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…!
LAN HỒ