Chuyện bây giờ mới kể…

10:08, 13/08/2015

Sau một thời gian tập trung tâm sức đi sâu nghiên cứu tìm hiểu con người và sự việc mang dấu tích lịch sử cách mạng - kháng chiến đã từng diễn ra trên xứ sở ngàn hoa một thời đáng nhớ, chúng tôi đã tranh thủ được sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ, nhân dân, cơ quan, đoàn thể ở địa phương cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin phong phú, những ý kiến xác đáng, tạo điều kiện để vượt qua mọi khó khăn khi "đãi cát tìm vàng".

Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông vinh hạnh được đón tiếp nhân dân địa phương và nhiều đoàn khách gần xa đến thăm Phòng lưu niệm truyền thống. Thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật đã được sưu tập và trưng bày có thể giúp lớp người sau hình dung lại được phần nào đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của các bậc tiền nhân từ thời mới tổ chức di dân lập Ấp Hà Đông cách nay gần 80 năm (31/5/1938 - 31/5/2015). Trong đó cũng chỉ mới giới thiệu sơ bộ quá trình gian khổ phấn đấu, bám trụ kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo để từng bước hình thành và phát triển nên một Làng hoa lâu năm - “Làng nghề truyền thống”, góp phần làm giàu đẹp và tăng thêm hương sắc của thành phố Festival Hoa Đà Lạt được như hôm nay. Còn vì “lực bất tòng tâm” nên Nhà văn hóa vẫn chưa sưu tầm và phản ánh được đúng mức công tích của nhân dân Làng hoa Hà Đông và các gia đình chính sách trên địa bàn đã tình nguyện cống hiến, hy sinh thầm lặng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hai cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập tự do và tương lai cuộc sống… 
 
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm Làng hoa Hà Đông - Ảnh: Văn Báu
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm Làng hoa Hà Đông. Ảnh: Văn Báu
 
Sau một thời gian tập trung tâm sức đi sâu nghiên cứu tìm hiểu con người và sự việc mang dấu tích lịch sử cách mạng - kháng chiến đã từng diễn ra trên xứ sở ngàn hoa một thời đáng nhớ, chúng tôi đã tranh thủ được sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ, nhân dân, cơ quan, đoàn thể ở địa phương cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin phong phú, những ý kiến xác đáng, tạo điều kiện để vượt qua mọi khó khăn khi “đãi cát tìm vàng”. 
 
Trước hết, xin trân trọng giới thiệu với bà con cùng bạn đọc gần xa phần ghi chép nói về một số hoạt động tham gia Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến của gia đình cụ Vũ Hữu Huệ (1896 - 1972), tức Hương Huệ & cụ Nguyễn Thị Xuyên (1907 - 2008) - một cơ sở cách mạng bí mật ở Ấp Hà Đông. Từ những ngày đầu chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền thành công cho đến Đại thắng mùa xuân 30/4/1975 - Cả đại gia đình này vẫn một dạ kiên trung, mặc cho cuộc thế xoay vần, trải qua bao nhiêu thác ghềnh, sóng dữ… Căn hộ nhỏ vách gỗ, mái tôn ven lộ Nguyễn Hoàng, (nay là số nhà 16 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 8, thành phố Đà Lạt) đã trở thành một “Điểm hẹn” an toàn, có vách nhà hai ngăn nuôi giấu cán bộ. Gia đình còn khéo lợi dụng địa bàn hồi còn hoang rậm cạnh Nghĩa trang thành phố để tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế, thuốc men, tài chính và tài liệu mật cho lực lượng ta ở ngoài rừng…
 
Phối hợp với cụ ông “nằm vùng” tại chỗ, cụ bà Nguyễn Thị Xuyên còn lợi dụng thực hiện chủ trương “Phi thương bất phú” để mở rộng địa bàn và các hoạt động dịch vụ lưu thông mua bán, vận chuyển hàng hóa từ Đà Lạt xuống tận Sài Gòn - Gia Định, các chợ Bến Thành, Hòa Hưng, miền Đông Nam bộ để đánh lạc hướng quân thù. Tăng cường mạng lưới giao thông liên lạc, nhận nhiệm vụ cấp trên giao phụ trách vận động phụ nữ ở chợ phối hợp với tăng ni, phật tử xuống đường tranh đấu đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình thống nhất đất nước. Hai cụ đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ được một số anh em, bà con thân thuộc với gia đình tham gia hoạt động bí mật ủng hộ kháng chiến như các ông: Vũ Hữu Tiếu, Vũ Hữu Tiến, Nguyễn Thế Đồn, Lê Văn Dụ, Vũ Hoa Đồng v.v… Trong đó, sau này có hai liệt sĩ, một thương binh nặng và một chiến sĩ bị quân thù bắt giữ. Từ năm 1947 đến năm 1956, cụ bà hai lần bị bắt, địch tra tấn rất dã man nhưng chúng vẫn không khai thác được gì. Sau khi ra tù, cụ bà lại càng hoạt động hăng say, có kinh nghiệm, biện pháp sáng tạo đạt hiệu quả cao hơn trước.
 
Ông Vũ Hữu Hốt (1915-1945) được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cùng cả nhà tham gia các hoạt động ủng hộ cách mạng và thường hay đi lại, có quan hệ rộng rãi với bạn bè cùng chí hướng ở các địa phương quanh vùng. Năm 1945, cùng với một số người ở Ấp Hà Đông, ông gia nhập lực lượng Thanh niên giải phóng quân do ông Nghiêm Nghị người Ấp Nghệ Tĩnh chỉ huy. Ngày 23/8/1945, cha con ông đã hòa trong dòng người dân ào ạt vùng lên như triều dâng thác đổ, tay cầm cờ đỏ sao vàng và vũ khí thô sơ đi mít tinh biểu tình, bao vây các dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên, dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhưng bọn tàn quân Nhật vẫn ngoan cố không chịu giao nộp vũ khí, lại còn chiếm giữ một số công sở quan trọng ở Đà Lạt hòng âm mưu quay lại đánh chiếm thành phố. Trước tình hình đó, UBND cách mạng tỉnh Lâm Viên chủ trương dùng lực lượng quần chúng của các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, dân quân tự vệ đấu tranh đòi chúng trả lại chủ quyền về tay cách mạng.
 
Ngày 3 & 4/10/1945, phối hợp với các nơi khác, tại Khách sạn Palace, lực lượng quần chúng và anh em thanh niên giải phóng quân cùng công nhân được sự giúp sức của các đội tự vệ xiết chặt vòng vây. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, ông Vũ Hữu Hốt đã anh dũng hy sinh trong tư thế đang xông lên cướp vũ khí của Nhật, nhắm bắn quân thù. Khí thế đánh Nhật lan đi khắp nơi, ở các ngả đường, nhân dân truy lùng vây bắt và tước súng quân Nhật. Qua hai ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt 28 tên Nhật, bắn bị thương nhiều tên khác; lực lượng ta có 40 người hy sinh. Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, chỉ bằng vũ khí thô sơ, thanh niên công nhân và các lực lượng đồng bào ở Đà Lạt đã anh dũng chiến đấu chống quân Nhật để bảo vệ độc lập chủ quyền. Ngày 11/10/1945, UBND cách mạng tỉnh Lâm Viên đã tổ chức lễ truy điệu những đồng bào và đồng chí anh dũng hy sinh. Hàng ngàn người đến dự lễ tại “Đồi chiến sĩ - Ba cây thông” (bên trái đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng lên trụ sở phường 7 hiện nay) đã vô cùng xúc động tỏ lòng tiếc thương và nguyện noi gương chiến đấu dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn thành quả cách mạng. Sau giải phóng, tỉnh Lâm Đồng xây dựng nghĩa trang liệt sĩ to đẹp vào loại nhất nước tại Đà Lạt và quy tập hài cốt các đồng chí đã hy sinh về đây yên nghỉ vĩnh hằng.
 
Bà Vũ Thi Sông (1934-1960) bí danh Bạch Sóng, là một người con gái đức tài duyên sắc vẹn toàn, được cha mẹ quan tâm giáo dục, động viên, dìu dắt; lại có tấm gương vì nước quên thân của người anh ruột đã giúp bà thêm tự tin, kiên định vững vàng hiến dâng trọn cuộc đời thanh xuân cho cách mạng.
 
Hơn 10 năm hoạt động thì đã hai lần bị bắt (vào các năm 1952, 1956) và phải chịu gần 6 năm giam cầm tù tội. Kẻ thù đã dùng nhiều âm mưu mua chuộc, dụ dỗ không thành, dùng đủ mọi nhục hình hành hạ rất dã man khiến bà phải chết đi sống lại nhiều lần, nhưng chúng vẫn đành phải chịu thất bại hoàn toàn trước tình thần kiên trung bất khuất của bà. Chính vì vậy mà bọn chúng cố tình giết hại bà mà không cần xét xử. Thậm chí khi đưa vào bệnh viện bà vẫn còn bị cùm xích chân tay vào giường; có cảnh sát nổi, mật thám chìm ngày đêm theo dõi gây trở ngại cho người nhà đến thăm nom. Khi biết chắc bà Sông đã bị tra tấn hủy hoại cơ thể đến mức khó lòng qua khỏi, cuối năm 1959 chúng mới thả bà về nhà thì đến ngày 9/3/1960 bà lặng lẽ qua đời.
 
Trong gia đình cụ Hương Huệ còn có bà con dâu là Đinh Thị Sơn (1915-2010), vợ góa ông Vũ Hữu Hốt, thân mẫu của hai bác Vũ Hữu Xiêm và Vũ Hữu Thừa.
 
Sau khi mãn tang chồng, được cụ ông, cụ bà Hương Huệ quan tâm giúp đỡ, cho bà Sơn đổi tên thành Nguyễn Thị Tý, chuyển ra ngoài sinh sống, tham gia hoạt động và đi bước nữa với ông Phạm Văn Chuân cùng là một cơ sở trung kiên bí mật tham gia kháng chiến ở Ấp Đa Phú, phường 7 - TP. Đà Lạt. Họ cũng sinh hạ được ba người con: một gái, hai trai. Sau Tết Mậu Thân 1968, hoạt động bị lộ, cả nhà phải rút ra rừng: Ông Chuân làm nhân viên kinh tài, bà Sơn làm cấp dưỡng Bệnh xá X4 ở căn cứ Bi Đúp (B1) vùng Núi Ba tầng. Cả ba người con đều khôn lớn trưởng thành, có hai người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là: Liệt sĩ, dược tá Bệnh xá X4 Phạm Thị Hồng (1948-1969); liệt sĩ, chiến sĩ (thông tin liên lạc Thị ủy Đà Lạt) Phạm Văn Thanh (1954-1972). Còn người em út là Phạm Văn Định hiện sống tại số nhà 36, đường Vạn Kiếp, Làng hoa Hà Đông, phường 8, thành phố Đà Lạt.
 
Sau khi qua đời, đến 2015, bà Đinh Thị Sơn được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quí: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trước đó cả hai ông bà đều đã được thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và Huân chương Giải phóng hạng Nhất.
 
Người đại diện tiêu biểu cho dòng họ Vũ Hữu tại Làng hoa Hà Đông, phường 8, thành phố Đà Lạt hiện nay là bác Vũ Hữu Xiêm: Sinh năm 1936, quê gốc Làng Quảng Bá, phường Quảng An, Quận Tây Hồ (trước đây là huyện Từ Liêm) - Thành phố Hà Nội. Quê hương của bác có thắng cảnh Hồ Tây - nơi “Địa linh nhân kiệt” và cũng là một làng nghề truyền thống trồng rau hoa nổi tiếng lâu đời của Hà Nội ở đất “Ngàn năm văn vật”.
 
Được sinh trưởng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó đã giúp cho bác Xiêm tăng thêm nghị lực để vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Tham gia một số hoạt động giao liên khi còn tuổi học sinh; lớn lên phải tìm mọi cách trốn tránh khỏi bị địch bắt đi quân dịch; cố gắng giữ được phẩm chất của mình tuy “xanh vỏ” nhưng vẫn “đỏ lòng” suốt trong thời kỳ Đà Lạt bị Mỹ - Ngụy chiếm đóng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước hòa bình thống nhất, bác Xiêm thoát cảnh cá chậu chim lồng, được thỏa chí vẫy vùng đem hết nhiệt tình, năng lực công tác cùng nhân dân khu phố Hà Đông, làm được nhiều việc việc tốt: Tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự ở khu phố; tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện phong trào hợp tác hóa ở địa phương; tám năm liền được bầu làm Đại biểu HĐND phường 4 và phường 8, thành phố Đà Lạt.
 
Cả gia đình có ba con trai và một con dâu đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ là những hạt nhân nòng cốt tích cực tham gia xây dựng quê hương đất nước thời đổi mới… Nay đã quá tuổi “Xưa nay hiếm”, bác vẫn còn được cộng đồng dân cư coi như một “già làng” khả kính. Tuy gia cảnh có khó khăn, nhưng bác vẫn tận tình tham gia xây dựng nhà văn hóa với ý thức làm chủ, coi đây là công trình phúc lợi “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. 
 
Nhân dịp “Chuyện bây giờ mới kể” lần đầu công bố, thông qua đó, chúng tôi kỳ vọng được bổ sung thêm một nét son vào “lịch sử truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân địa phương”… Góp phần bồi dưỡng lòng tự hào, nâng cao trách nhiệm, phát huy nội lực, thực hiện các dự án quy hoạch, kế hoạch xây dựng Làng hoa Hà Đông thành một mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; gắn với dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao và xây dựng khu đô thị văn minh, thể hiện phong cách thanh lịch, hiền hòa, mến khách của thành phố Festival Hoa Đà Lạt. Đây cũng là tâm nguyện tha thiết bấy lâu của nhân dân Làng hoa Hà Đông thể hiện đạo lý: 
 
Uống nước nhớ nguồn, noi truyền thống Thăng Long - Hà Nội
Đền ơn đáp nghĩa, kết tinh hoa Đà Lạt - Lâm Đồng.
 
Ghi chép: PHAN HỮU GIẢN