Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VI xác định, sản xuất nông nghiệp hàng hóa là 1 trong 5 khâu đột phá trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, lúa được xác định là cây trồng chủ lực của huyện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VI xác định, sản xuất nông nghiệp hàng hóa là 1 trong 5 khâu đột phá trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, lúa được xác định là cây trồng chủ lực của huyện.
Ông Lê Ngọc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng: “Giải pháp để Cát Tiên thực hiện đúng định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa là tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, từ các khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch gắn với tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ... nhằm từng bước nâng cao giá trị sản phẩm; qua đó, củng cố và phát triển thương hiệu Lúa Gạo Cát Tiên”.
|
Đồng lúa Cát Tiên - Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
Trong sản xuất lúa giống, huyện đã quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất, tập trung chủ yếu tại các xã Phước Cát I, Đức Phổ, Gia Viễn và thị trấn Cát Tiên... Đến nay, diện tích trồng lúa giống ở Cát Tiên là 550ha và đã có 2.300 tấn lúa giống được đóng bao bì mang nhãn hiệu Lúa Gạo Cát Tiên. Các giống lúa chất lượng cao được gieo trồng phổ biến tại đây là OM 4900, OM 5472, OM 6162, OM 4097, lúa Tám thơm... Mới đây, ngành chức năng huyện còn hướng dẫn bà con nông dân trồng thử nghiệm giống lúa Huyết rồng và giống lúa Nếp cái hoa vàng. Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, năng suất lúa giống bình quân hàng năm đạt trên 65 tạ/ha và giá bán cao hơn lúa thông thường từ 200 - 300 ngàn đồng/tạ. Việc sản xuất lúa giống đang đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân.
“Nếu như giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ở Cát Tiên năm 2010 là 30 triệu đồng/ha, thì đến năm 2015 đã tăng lên 62 triệu đồng/ha” - ông Võ Trung Linh, Phó Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết. Các HTX chuyên sản xuất lúa giống cũng được hình thành. Hiện nay, trong tổng số 5 tổ chức và cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu Lúa Gạo Cát Tiên, HTX Cát Thịnh, HTX Trung Thành và HTX Tân Hưng Phát là những tập thể hoạt động có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ nhiệm HTX Cát Thịnh, đơn vị cung cấp sản phẩm gạo Cát Tiên ra thị trường nhiều nhất, nhận xét: “Từ khi thực hiện mô hình HTX, người dân chủ động hơn với những sản phẩm do mình làm ra và vì thế hiệu quả cũng cao hơn. Điều quan trọng nhất là sản phẩm của bà con nông dân có đầu ra ổn định”.
Theo ông Trần Nam Dân, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, trong sản xuất, người nông dân ngày càng chú trọng đến hướng VietGAP, nên chất lượng và giá cả đã được nâng cao. Nhờ đó, vị thế của thương hiệu Lúa Gạo Cát Tiên từng bước được khẳng định”. Ông Trần Nam Dân còn cho biết thêm: “Tại Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ II được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng, sản phẩm Gạo Cát Tiên đã vinh dự được Ban Tổ chức mời tham gia. Còn Lúa Cát Tiên (lúa giống) cũng đã góp mặt trong triển lãm tại Hội thảo Quốc tế về Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được tổ chức tại Lâm Đồng”.
Theo kế hoạch, diện tích trồng lúa giống và lúa chất lượng cao của Cát Tiên sẽ tăng lên 1.700ha trong năm 2020. Đặc biệt, huyện phấn đấu xây dựng được vùng lúa chất lượng cao khoảng 1.500ha để đưa nhãn hiệu Lúa Gạo Cát Tiên hiện nay thành thương hiệu Gạo sạch Cát Tiên vào năm 2020. Không chỉ vậy, Cát Tiên còn xây dựng các “cánh đồng lớn” tại các xã có đất lúa liền bờ, như: Gia Viễn, Đức Phổ, Phước Cát I, Phước Cát II, thị trấn Cát Tiên... Tại các xã, thị trấn này, việc sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng giá trị sản xuất, hướng tới được công nhận vùng sản xuất và sản phẩm lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn.
THÀNH ĐỒNG