Sáng ngày 11/8, tại Tp Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Trường Cán bộ Dân tộc (thuộc Ủy ban Dân tộc Chính phủ) phối hợp với Ban Dân tộc Đăk Lăk đã tổ chức hội thảo "Phân vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của Ban Dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh Đăk Lăk.
Sáng ngày 11/8, tại Tp Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Trường Cán bộ Dân tộc (thuộc Ủy ban Dân tộc Chính phủ) phối hợp với Ban Dân tộc Đăk Lăk đã tổ chức hội thảo “Phân vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của Ban Dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh Đăk Lăk. Ông Nguyễn Văn Tỵ - Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) chủ trì hội nghị.
Hầu hết các đại biểu thảo luận xoay quanh những câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra: Một tỉnh, huyện, xã có bao nhiêu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được gọi là vùng dân tộc thiểu số?; có nên phân định vùng dân tộc thiểu số dựa trên cộng đồng thiểu số chủ yếu cư trú ở đó để có chính sách phù hợp hơn không? Có nên phân vùng dân tộc thiểu số thành các tiểu vùng như vùng cao, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa không?...
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Y Ring Ađ’rơng - Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk cho rằng: Căn cứ vào kết quả công nhận 3 khu vực vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển của Ủy ban Dân tộc trước đây về cơ bản đã phản ánh được điều kiện kinh tế, xã hội, khó khăn của từng vùng, một số huyện khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển chủ yếu căn cứ vào tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo là chủ yếu, tiêu chí này mang tính chất quyết định, do vậy chưa phản ánh hết được khó khăn giữa các vùng, miền;...
Ông K’Bá Đô - Phó Trưởng ban, Ủy ban Dân tộc tỉnh Gia Lai lại cho rằng: Tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số cần được xác định bằng số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở tiểu vùng đó chiếm từ 40% trở lên so với tổng số dân ở tiểu vùng đó; cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và chưa ổn định, điều kiện đi lại còn khó khăn, khí hậu khắc nghiệt;...
Còn đại diện Ban Dân tộc Đăk Nông thì cho rằng, việc xác định vùng dân tộc thiểu số gắn liền được với mục đích phục vụ quản lý nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số, cụ thể là phục vụ cho việc thực hiện các chính sách kinh tế, văn hóa, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó chúng ta mới có các tiêu chí cụ thể; khi xác định vùng dân tộc thiểu số đề nghị phải gắn với công tác xác định thôn, buôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi hiện nay, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung các tiêu chí khác như tỷ lệ dân tộc thiểu số, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc thiểu số...
Đây là hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp giúp Ủy ban Dân tộc có cơ sở đề xuất với Chính phủ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho phù hợp, phát huy lợi thế vùng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số.
BÁ THĂNG