Ba mươi năm dưới một mái trường

08:11, 13/11/2015

Thật khó hình dung hết "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" khi mới thành lập Trường THPT Lâm Hà chỉ có 102 học sinh cấp 3. Và sau 30 năm với bàn tay, khối óc của các thế hệ thầy cô cần mẫn "khai dân trí" đã chắp cánh ước mơ cho hàng vạn học sinh vào đời.

Thật khó hình dung hết “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi mới thành lập Trường THPT Lâm Hà chỉ có 102 học sinh cấp 3. Và sau 30 năm với bàn tay, khối óc của các thế hệ thầy cô cần mẫn “khai dân trí” đã chắp cánh ước mơ cho hàng vạn học sinh vào đời.
 
Ba mươi năm tuy chua dài, nhưng là quãng thời gian đáng nhớ, gắn bó biết bao nghĩa tình của các thế hệ thầy cô và học sinh trường huyện. Đi cùng những năm tháng miệt mài đèn sách, là ước vọng cháy bỏng xây đắp mái trường trong sự nghiệp nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực. 
 
Học sinh Trường THPT Lâm Hà hôm nay
Học sinh Trường THPT Lâm Hà hôm nay
Những ngày đầu khởi dựng
 
Có một mùa thu đáng nhớ, tháng 8 năm 1985 trong lúc đời sống kinh tế, xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, Trường cấp 2, 3 Đinh Văn được thành lập - tiền thân của Trường THPT Lâm Hà ngày nay. Thầy Trần Ngọc Điềm - Hiệu trưởng nhà trường kể rằng: Đúng 30 năm trước tôi vừa tốt nghiệp đại học, được phân về Đức Trọng công tác cũng là lúc thành lập trường này. Vậy là “duyên số” đưa về đây rồi gắn bó cho tới hôm nay. Ngày đầu đến nhận việc, gặp “anh nông dân” đi chân đất, quần xắn đến gối, cắp thúng ra đồng gieo mạ, hỏi thầy hiệu trưởng để trình quyết định. Khi vào trường mới “té ngửa”, người đó chính là hiệu trưởng của trường. Mỗi khi nhớ đến ngày đầu tiên đó, mới thấu cảm được hết những khó khăn gian khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần của các cán bộ, thầy cô và học sinh trong những năm mới thành lập trường. Buổi khai trường đầu tiên ở ngôi trường mới có 336 học sinh cấp 2, 3 và 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường không khỏi tủi thân, bởi điều kiện khó khăn thiếu thốn từ cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học đến đội ngũ giáo viên. Thiếu lớp học, thiếu chỗ ở cho giáo viên nên phải học nhờ, ở ghép, tá túc nhà dân. Cùng với một chuỗi không: Không giếng nước, không chỗ nấu ăn, không nhà vệ sinh, không hàng quán, không chợ búa...nối đuôi nhau kéo dài ra mãi. Tất cả đều tạm bợ, ngay các nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng phải đi ra tới xã Bình Thạnh hay Liên Nghĩa - Đức Trọng mới mua được. Còn mùa mưa, trường bị chia cắt với bên ngoài bởi xung quanh ruộng lúa bao vây, chưa có đường đi và thường xuyên bị ngập nước. Nhưng tất cả những thiếu thốn, khó khăn đó còn có thể khắc phục bằng ý chí, nghị lực của thầy cô và học trò; điều nan giải nhất là thiếu giáo viên đứng lớp. Vào năm học mới, các lớp cấp 3 có 102 học sinh - chưa có lớp 12, nhưng chỉ có 4 giáo viên dạy Toán, Văn, Hóa học và Anh văn; các môn học khác còn lại, nhà trường phải tạm thời bố trí giáo viên cấp 2 lên lớp “chữa cháy” bằng cách ôn tập chương trình lớp 9 để chờ giáo viên tăng cường. Do vậy, không ít phụ huynh lo lắng, năn nỉ xin chuyển trường khác cho con em mình. “Thực tình mà nói, trong thời điểm đó, nhiều trường PTTH cũng đang rất thiếu giáo viên nên việc để có  giáo viên về dạy một trường vùng sâu, vùng xa như cấp 2, 3 Đinh Văn khi ấy thật khó khăn. Một vài giáo viên, kể cả hai vợ chồng cùng lúc được Sở Giáo dục giới thiệu về trường hôm trước, hôm sau xin phép về nhà chuẩn bị, rồi một hai đi không quay trở lại. Vì vậy, mới thấy đáng trân trọng các thầy cô đã chấp nhận khó khăn, thiệt thòi quyết tâm bám trụ với trường lớp. Chính tình cảnh đó, những thầy cô đầu tiên của trường đã thể hiện quyết tâm xây dựng nhà trường để một ngày nào đó giáo viên xin được về công tác, học sinh xin được học tại trường” - nguyên hiệu trưởng đầu tiên khi trường mới thành lập Nguyễn Văn Hương nhớ lại.
 
Hướng tới trường đạt chuẩn 
 
Từ khởi điểm thành lập trường 30 năm về trước mà nhiều học sinh - đa số con em nghèo ở các xã Đinh Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô... thời đó không bị gián đoạn học hành hay phải vượt hơn 20km để ra Liên Nghĩa - Đức Trọng tiếp tục con đường học vấn lên cấp 3. Và chỉ 5 năm sau không còn hệ cấp 2, trường được đổi tên thành Trường PTTH Lâm Hà, để rồi chuyển về định cư lâu dài trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với diện tích 2,2ha như hiện tại. Trong khuôn viên sạch đẹp rợp bóng cây xanh nay đã hiện hữu trường lớp khang trang với 22 phòng học, 3 phòng thực hành thí nghiệm với đầy đủ thiết bị thực hành cho các em học sinh; 7 phòng học bộ môn được trang bị hệ thống âm thanh, máy chiếu và thiết bị dạy từng môn học; nhà thi đấu đa năng phục vụ hoạt động thể thao, ngoại khóa và thư viện máy tính kết nối internet, cùng hàng ngàn đầu sách cho học sinh, giáo viên học tập, tham khảo, nghiên cứu... Số lượng giáo viên, học sinh không ngừng tăng qua các niên khóa, để đến năm học 2015 - 2016, trường có 86 cán bộ, giáo viên, nhân viên, truyền dạy kiến thức cho 1.219 học sinh theo học tại 32 lớp. Đi lên từ gian khó, biết khắc phục khó khăn vượt qua thử thách, tập thể nhà trường luôn giữ vững quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc qua các năm học và duy trì giữ vững danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh. Theo đó, số học sinh giỏi, học sinh lên lớp, học sinh tốt nghiệp và vào đại học, cao đẳng có tỷ lệ tăng cao hàng năm. Chỉ tính riêng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt từ 89% đến 100% trong vòng 10 năm qua cho thấy chất lượng dạy và học của mái trường không ngừng được củng cố, vươn lên; trường trở thành địa chỉ tin cậy, là vườn ươm tài năng, là nơi gửi gắm bao tình cảm của các thế hệ học trò về mái trường thân yêu của mình. “Quá trình học tập, đôi lúc em cảm thấy khó khăn, thất vọng với chính bản thân mình, nhờ có thầy cô động viên khích lệ, bạn bè chia sẻ em lấy lại tự tin để vươn lên” - em Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh lớp 12A3 chia sẻ. Còn em Nguyễn Thị Nhật Lệ, lớp 12A4 bộc bạch: “Hiểu về mái trường em càng thêm tự hào hơn và tự hứa với mình cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của các thầy cô”. 
 
Hiệu trưởng nhà trường - thầy Trần Ngọc Điềm cho biết thêm: 30 năm kiến tạo, xây dựng và phát triển để đến hôm nay trường tự hào là một trong những cơ sở giáo dục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên từ rất sớm, giáo viên có trình độ thạc sỹ chỉ đứng sau các trường chuyên trong tỉnh, tỷ lệ học sinh đậu đại học hàng năm chiếm gần 60% và nằm trong tốp 15 trường dẫn đầu cùng cấp. Nhiều thế hệ học sinh nay đã trở thành sĩ quan quân đội, bác sỹ, kỹ sư, tiến sỹ giảng viên đại học. Bên cạnh đó, nhiều em khi ra trường trở về phục vụ quê hương Lâm Hà trong các cơ quan nhà nước như Huyện ủy, UBND, Tòa án, Công an, Trung tâm Y tế huyện... Chỉ riêng giáo viên đã có 21 em trở lại trường cũ công tác. Có được thành quả như hôm nay nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và địa phương và bao công sức của các thế hệ lãnh đạo, giáo viên và công nhân viên nhà trường vun đắp dựng xây. Phát huy những kết quả đạt được, nhà trường sẽ tiếp tục quyết tâm đoàn kết, chung sức thi đua dạy tốt, học tốt; xây dựng mái trường thân thiện, học sinh tích cực và đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới.
 
HỒ XUÂN TRUNG