Thuộc xã tại Liên Hiệp - một xã đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập hàng đầu ở Đức Trọng, thôn nghèo Gần Reo với phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng đang nỗ lực thoát nghèo trong năm đến.
Thuộc xã tại Liên Hiệp - một xã đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập hàng đầu ở Đức Trọng, thôn nghèo Gần Reo với phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng đang nỗ lực thoát nghèo trong năm đến.
Niềm vui bên căn nhà mới
Không thể nói hết được niềm vui của K’Linh - người thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp, Đức Trọng bên ngôi nhà mới xây. Ngôi nhà xây rộng rãi, mái tôn, kiểu dáng khá đẹp nằm ven con đường thôn với 2 phòng ngủ, một phòng khách, nhà bếp, có nhà vệ sinh bên trong vẫn còn tỏa mùi thơm của sơn, mùi vẹc ni đánh bóng gỗ. Cùng đến thăm nhà mới của K’Linh với tôi còn có Thôn trưởng Ha Tông và Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp Nguyễn Văn Dũng.
Năm nay 35 tuổi, K’Linh tiêu biểu cho một lớp người mới của thôn nghèo Gần Reo. Không giống thế hệ trước trong làng vốn rất đông con (như Thôn trưởng Ha Tông có đến 12 đứa con), vợ chồng anh chỉ có 3 con “để nuôi dạy cho tốt, nhiều nuôi không nổi”- anh nói. Và điều đáng nói nhất là K’Linh rất năng động, chịu khó học hỏi cái mới. Thấy người Kinh trong xã ăn nên làm ra nhờ trồng rau thương phẩm, anh cũng chặt bớt 3 sào cà phê năng suất thấp để trồng ớt, cà tím, đậu leo... Anh trồng luân phiên theo vụ, anh mua giống mới, mùa nào giống nấy, anh đầu tư hệ thống nước tưới tự động. Lúc làm chỗ nào thấy khó không biết anh hỏi người trồng trước, anh nhờ cán bộ khuyến nông xã hỗ trợ. Vợ chồng anh rất siêng năng, sáng sớm đã ra đồng, làm cỏ, bón phân, tưới nước... Được nhà nước hỗ trợ phân bón, anh chỉ chọn đúng loại phân bón mà cây trồng anh cần.
Đồng vợ đồng chồng, bằng sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó, vợ chồng K”Linh đã tích cóp đủ tiền để xây ngôi nhà này đến vài trăm triệu đồng. Như Thôn trưởng Ha Tông nhận xét, trong làng Gần Reo, vợ chồng K’Linh là người rất giỏi. “Biết tính toán, biết lo làm ăn”. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, K’Linh chính là một điển hình vượt khó trong cộng đồng, nêu gương tốt trong thôn về sự năng động tích cực vượt qua đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
|
Thu hoạch lúa ở thôn Gần Reo |
Thoát nghèo trong năm đến
Nằm bên kia dãy núi Voi của Đức Trọng, Gần Reo là 1 trong 7 thôn của xã Liên Hiệp với 370 hộ, trên 2.100 nhân khẩu, trong đó phần lớn là người K’Ho (175 hộ), Cil (99 hộ). So với người Kinh trong xã Liên Hiệp, đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Là thôn đặc biệt khó khăn nên những năm qua thôn nghèo này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền nhằm tạo mọi điều kiện để phát triển thôn, đặc biệt là từ Chương trình 135 của nhà nước.
Trong năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng đã đầu tư một con đường dài 2km bằng bê tông nhựa tại Gần Reo, trị giá 200 nghìn USD, từ nguồn vốn Chương trình cạnh tranh nông nghiệp của tỉnh. Cùng đó, địa phương cũng được đầu tư xây dựng một nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn trên 400 triệu đồng.
Trong năm 2014, tổng cộng nhà nước đã đầu tư nơi đây trên 4 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân sản xuất. Cụ thể, thôn được xây dựng một con đường bê tông dài gần 300m từ nguồn Chương trình 135 trị giá 300 triệu đồng; một con đường cấp phối dài 2,5km dẫn ra đồng sản xuất cũng được xây dựng do Phòng Dân tộc huyện là chủ đầu tư trị giá 1 tỷ đồng. Huyện Đức Trọng đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây 6 phòng học mới cho Tiểu học Gần Reo tại đây. Tỉnh và huyện hỗ trợ người dân trong thôn phân bón sản xuất, cấp con giống heo nái chăn nuôi tổng cộng gần 400 triệu đồng. Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ thôn 19 con bò cho các hộ nghèo. Cùng đó huyện cũng mở tại đây một lớp dạy nghề để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê cho nhiều hộ dân trong thôn.
Trong năm nay, Gần Reo tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 135 với tổng kinh phí 245 triệu đồng giúp các hộ dân mua phân bón, xây tường rào cho Tiểu học Gần Reo. Huyện Đức Trọng cũng hỗ trợ sản xuất trị giá 390 triệu đồng cho 16 hộ dân mua phân bón, mua 15 con bò giao cho các hộ nghèo chăn nuôi.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực này, cộng với sự nỗ lực của bản thân của nhiều người dân nơi đây nên theo ông Nguyễn Văn Dũng, số hộ nghèo đã giảm rất nhanh. Từ 120 hộ nghèo những năm trước đến nay Gần Reo chỉ còn 5 hộ. Điều đáng nói nhất, trong thôn đã xuất hiện rất nhiều hộ dân như hộ K’Linh, rất năng động trong làm ăn, chịu khó học hỏi cái mới, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và chính họ góp phần tạo ra động lực mới để thôn nghèo Gần Reo đi lên, giảm nghèo bền vững. Với đà tiến này, theo ông Dũng, cuối năm 2016, Gần Reo chắc chắn sẽ không còn trong danh sách thôn nghèo đặc biệt khó khăn của huyện Đức Trọng nữa.
Viết Trọng